Chiều 23/5, trước cửa phòng Trung tâm Chăm sóc và Điều trị sơ sinh (Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Hà Nội), anh Đỗ Văn Hùng (Hà Nam) - chồng chị Nguyễn Thị Liên, sản phụ bị ung thư giai đoạn cuối vừa trải qua ca mổ hy hữu - trông mệt mỏi, đôi mắt sưng húp.
Anh đứng ngồi không yên, chờ được vào thăm con trai vừa chào đời. Bình An - tên con trai anh do sinh thiếu tháng, với cân nặng khoảng 1,6 kg nên bị phù nhẹ, nên bé đang thở máy và được chăm sóc với chế độ đặc biệt.
Cách đây hai ngày, vợ anh, chị Nguyễn Thị Liên (28 tuổi) trải qua ca phẫu thuật ở tư thế ngồi, với sự giúp đỡ của 20 bác sĩ đầu ngành của Bệnh viện Phụ sản Trung ương và Bệnh viện K. Họ cố gắng chạy đua với thời gian để cứu hai mẹ con.
Câu chuyện người mẹ từ chối điều trị ung thư, kiên trì đến giây phút cuối cùng với hy vọng con ở trong bụng mẹ thêm được ngày nào thì cơ hội sống của bé càng cao, khiến nhiều người không cầm được nước mắt.
Mang bầu 8 tuần phát hiện ung thư vú di căn
Chị Nguyễn Thị Liên phát hiện bị ung thư vú vào tháng 3/2019 khi đang mang thai ở tuần thứ 8. Ban đầu, thấy xuất hiện u cục, chị Liên nghĩ đơn giản đó là dấu hiệu của viêm tuyến sữa, thông thường như bao người phụ nữ trong thời kỳ mang bầu, nên chị không đi khám.
Khi thấy các triệu chứng là ho nhiều, tức ngực cả ngày, cơ thể mệt mỏi, tức vùng ngực nhiều hơn, hạch xuất hiện ở vai, 2 chân phù, đau nhức thì chị Liên mới đến bệnh viện K để khám.
Kết quả ung thư vú giai đoạn tiến triển (giai đoạn 4) đã di căn như sét đánh ngang tai, phá vỡ mọi hy vọng của người mẹ đang mang trong mình sinh linh bé bỏng mới ở tháng thứ 4 của thai kỳ.
Nghe tin, anh Đỗ Văn Hùng, vừa vào miền Nam được mấy ngày để tìm việc, tức tốc quay ra về. "Liên nhập viện khi con chúng tôi được 8 tuần", anh Hùng trực trào nước mắt nhớ lại ngày mà anh nhận được tin dữ từ người vợ thân yêu.
Những ngày vừa mang thai mệt mỏi vừa phải chiến đấu với căn bệnh quái ác, chị Liên nôn suốt, chẳng ăn uống được gì, liên tục khó thở, sức khỏe ngày một giảm sút... Nhưng vì tình yêu dành cho đứa con trong bụng, chị âm thầm chịu đựng, chẳng kêu than gì, chỉ sợ khóc than sẽ làm khổ chồng và gia đình.
Bác sĩ bệnh viện K cùng bác sĩ chuyên khoa sản tư vấn sức khỏe ung bướu và thai kỳ để bệnh nhân Liên và gia đình cân nhắc lựa chọn để quá trình điều trị bệnh hiệu quả hơn. Nhưng không đắn đo suy nghĩ, chị Liên quyết giữ lại thai nhi, hy vọng của người mẹ lúc này chỉ là cầm cự đủ lâu để con có thể chào đời.
"Vợ tôi quyết tâm giữ lại cháu bé. Những tuần cuối cùng, vợ tôi không nằm được, chỉ ngồi ngủ được 2 tiếng, thương lắm...”, anh Hùng nghẹn ngào.
Tháng 3, chị Liên nhập viện điều trị 2 đợt hóa chất, khi thai được 22 tuần có sự theo dõi sát sao của các bác sĩ ung bướu và sản khoa. Bệnh nhân được khám thai định kỳ, đánh giá sự phát triển của thai nhi.
6 tuần sau hóa trị, chị Liên rơi vào tình trạng khó thở do khối u di căn phổi, tràn dịch màng phổi tiến triển, được chuyển vào khoa Hồi sức cấp cứu, thở oxy, hỗ trợ dinh dưỡng đặc biệt. Tất cả thuốc điều trị ung thư sử dụng cho bệnh nhân đều được các bác sĩ chuyên khoa sản và ung bướu cân nhắc cẩn trọng.
Lúc này, tình trạng của chị Liên ngày càng nặng. Chị khó thở, xuất hiện hạch dày đặc. Hơn hai tháng nằm viện, bệnh nhân không thể nằm thở, phải ngồi suốt ngày đêm, mệt mỏi đau đớn do ung thư vú đã di căn xương, phổi.
"Mẹ mong con một đời bình an"
Ngày 21/5, khi thai nhi đang ở tuần thứ 31, chị Liên bỗng gặp những biến chứng xấu, khó thở nặng. Các bác sĩ nhận thấy sức chịu đựng của người mẹ đã đến giới hạn, nguy hiểm đến tính mạng của cả mẹ và con, họ đã quyết định hồi sức cho chị để phẫu thuật đón bé.
"Em chỉ mong ca mổ chiều nay diễn ra tốt đẹp, con em được chào đời khỏe mạnh. Em chỉ cần nhìn con một lần cũng mãn nguyện rồi...
Đỗ Bình An là tên em đặt cho con, mẹ mong con một đời bình an” - người mẹ trẻ gắng gượng thì thầm với em bé trong bụng trước khi bước lên bàn phẫu thuật.
Câu nói đó cũng chạm vào trái tim của tất cả những y bác sĩ, bệnh nhân trong phòng, đặc biệt là những ai từng làm mẹ.
Chị Liên được đặt lên bàn mổ trong tư thế ngồi nghiêng - tư thể khó để thực hiện mổ sinh, bệnh nhân yếu nên các thao tác mổ phải đảm bảo nhanh, chính xác. Khi mổ, bác sĩ cũng không thể gây mê vì bệnh nhân có thể không tỉnh lại được. Chỉ có thể gây tê tủy sống cho sản phụ. Chị Liên tỉnh trong suốt ca mổ.
16h10, tiếng khóc của Bình An vang lên khiến người mẹ trẻ và ekip phẫu thuật trào nước mắt. Tiếng khóc ấy như hồi sinh, tiếp thêm nghị lực cho người mẹ trẻ tiếp tục chiến đấu với căn bệnh ung thư quái ác, để được nhìn thấy con nhiều hơn, lâu hơn...
"Con em nặng mấy cân?', mắt chị sáng lên nhưng giọng nói vẫn yếu ớt.
“Nhìn sản phụ phải ngồi nghiêng, cúi người để thở, dường như sự sống rất mong manh có thể đi bất cứ lúc nào, nhưng vẫn cố gắng gượng sức lực ít ỏi cuối cùng để đón con chào đời. Tình mẫu tử thiêng liêng ấy khiến ekip phẫu thuật thương cảm, xót xa đến nghẹn ngào", PGS.TS Trần Danh Cường, Bệnh viện Phụ sản trung ương, người trực tiếp thực hiện ca sinh hi hữu chia sẻ.
Bé Đỗ Bình An đã chào đời trong sự yêu thương vô bờ của người mẹ và tất cả y bác sĩ - những người đồng hành cùng mẹ con em những ngày vừa qua.
Ngày 23/5, BS. Nguyễn Thị Thu Hoa, Phó Giám đốc Trung tâm Chăm sóc và điều trị sơ sinh (Bệnh viện Phụ sản Trung ương) cho biết, các thông số, chỉ số sinh tồn của bé Bình An hiện ổn định, chưa có diễn biến xấu. Còn chị Liên đã dần ổn định sức khỏe, được chuyển từ phòng cách lý về khoa Hồi sức cấp cứu. Chị đang điều trị tại bệnh viện K.
Câu chuyện của chị Liên khiến y bác sĩ nhớ về Thiếu úy Đậu Thị Huyền Trâm, người mẹ phi thường, nghị lực từ chối điều trị để sinh ra bé Gấu. Nhưng khi em chưa tròn tháng, mẹ Trâm đã phải xa em. Bé Gấu hiện 3 tuổi, thông minh và khỏe mạnh.
Video: Xúc động ca mổ bắt con cho sản phụ ung thư giai đoạn cuối
Bình luận