Con hẻm nhỏ số 201/13/1/31 đường Nguyễn Xí, quận Bình Thạnh, TP.HCM là dãy trọ của nhiều người lao động, công nhân nghèo đang sinh sống. Khi giá cả hàng hoá, nhiên liệu cùng "dắt tay nhau” tăng mạnh, nhiều người lao động thu nhập thấp vô cùng lo lắng bởi từ đầu năm đến nay, chưa có mặt hàng nào giảm giá.
Con trai phải nghỉ học giữa chừng
Đang nhặt rau để chuẩn bị cho buổi cơm tối, bà Nguyễn Thị Mỹ Duyên (61 tuổi, quê An Giang) thở dài nói: “Xăng tăng đã đành, đến rau còn tăng nữa thì biết ăn gì”.
Bán hủ tiếu đã hơn 6 năm, nhưng bà Duyên chưa một lần tăng giá, mặc dù giá cả hàng hoá, nguyên liệu cùng nhau tăng gấp bội lần. Theo bà Duyên, cải ngọt trước kia chỉ 5.000 - 10.000 đồng/kg, bây giờ đã lên đến 20.000 - 30.000 đồng/kg.
"Chỉ riêng giá rau đã tăng gấp đôi như vậy rồi thì chẳng biết lời lãi ở đâu ra”, bà Duyên nói.
Trung bình mỗi ngày, bà Duyên kiếm được khoảng hơn 100.000 đồng nhưng phải chi tiêu đủ thứ, giờ giá cả đều lên nên mỗi ngày hai mẹ con chỉ dám ăn một bữa.
“Xăng tăng giá cái gì cũng tăng theo, thời gian trước mỗi lần bán xong về đi chợ thấy còn dư được nhiều nhiều, bây giờ ngày nào đi chợ là lại thấy túi chẳng còn đồng nào” bà Duyên buồn bã nói. Ngoài công việc bán hủ tiếu, bà Duyên còn đi lụm ve chai để kiếm thêm thu nhập.
Tiền trọ, tiền điện, nước, tiền xăng đè nặng lên đôi vai người phụ nữ ấy, cả người con trai đang học năm thứ tư ở một trường đại học tại TP.HCM nay phải tạm nghỉ học giữa chừng đi làm ở siêu thị để kiếm thêm thu nhập phụ mẹ trang trải.
Nhắc đến cậu con trai phải nghỉ học giữa chừng, mắt bà Duyên ứa lệ: “Con tôi nó ngoan, biết thương mẹ lắm. Hồi còn đi học nó đi làm thêm đủ nghề để đỡ đần cho tôi, nhưng giờ khó khăn quá không cách nào đóng nổi học phí nên phải bảo lưu việc học giữa chừng. Tôi chỉ mong sao giá cả hàng hóa có thể giảm đi, buôn bán kiếm thêm được ít tiền để con tôi tiếp tục đến trường. Dù thế nào đi nữa tôi cũng phải cố gắng nuôi con mình ăn học đến nơi đến chốn”.
Bà Duyên cho biết thêm, trước đây bà bán ở trung tâm quận 1 nên buôn bán cũng tiện và thuê phòng trọ lớn hơn. Bây giờ giá cả leo thang, buôn bán không được thuận lợi như xưa nên bà chuyển về quận Bình Thạnh để đỡ tiền trọ cũng như các khoản khác. Căn phòng trọ nhỏ khoảng chừng 12m2 có gác lửng được bà tận dụng để đồ, 2 mẹ con ngủ dưới sàn nhà.
"Tuy có hơi chật chội nhưng với tôi giảm được đồng nào thì hay đồng đó", bà Duyên nói.
Trong căn trọ của 2 mẹ con, đồ vật đáng giá nhất chỉ là chiếc tủ lạnh mà bà mua trả góp để phục vụ bán hàng. Chiếc tivi cũ kỹ được người hàng xóm ở khu trọ cũ cho là thứ để mẹ con giải trí, quay quần bên mâm cơm mỗi tối.
Nồi thịt kho nhường nhau ăn 4 ngày chưa hết
Cùng dãy trọ với bà Duyên, bà Nguyễn Thị Liên (57 tuổi, quê Bình Thuận) cùng gia đình vào TP.HCM lập nghiệp cũng rơi vào cảnh khốn đốn bởi bão giá sau dịch.
Ở nhà chăm cháu cho vợ chồng con gái đi làm công nhân, mỗi ngày bà Liên được con đưa 100.000 đồng để mua thức ăn. Trước đây, số tiền đó bà có thể mua dư giả cho 3 bữa ăn trong ngày, nay chỉ đủ cho một bữa.
"Nồi thịt kho để trong tủ 3 - 4 ngày rồi vẫn còn đó vì ai cũng nhường nhau chẳng dám ăn. Muốn ăn gì, mua gì cũng phải tính toán chi li từng đồng, từng cắc một", bà Liên cho hay.
Theo bà Liên, thời điểm này càng phải thắt lưng buộc bụng, cắt giảm hết mức, thậm chí phải chia từng lon gạo, mớ rau để sống qua ngày, bởi tổng thu nhập của hai người con hơn 2 tháng qua chỉ gần 12 triệu đồng.
Chị Hằng - con gái bà Liên vừa đi làm về than thở: “Hồi trước, đổ đầy bình xăng 80.00 đồng đi cả tuần nay phải đổ gấp đôi. Tiền lương nếu làm đủ ngày thì được 6 triệu, nhưng mà đâu phải 30 ngày là làm đủ 30 ngày, nên thu nhập bấp bênh lắm. Tính tổng lại cả tiền lương lẫn khoản trợ cấp, tiền tăng ca đêm của 2 vợ chồng chỉ đủ trang trải hàng ngày".
Chị Hằng chia sẻ thêm, trước đây, trừ những khoản chi tiêu chính như tiền thuê nhà, gửi con đi học, điện nước, ăn uống, mỗi tháng anh chị dư khoảng 1,5 - 2 triệu đồng, nhưng từ sau Tết Nguyên đán đến nay lương cũng không đủ chi tiêu do giá cả đắt đỏ.
“Sau dịch COVID-19, cuộc sống của người công nhân như chúng tôi khổ lắm. Giờ giá xăng tăng, giá gas tăng, cả cái trứng gà nó cũng tăng, tôi không biết bây giờ có cái gì là không tăng nữa… Chỉ có lương là từ mấy năm nay vẫn như thế”, chị Hằng nói
Chia sẻ về dự tính sau này, chị Hằng nói không mơ ước gì lớn lao, chỉ mong đứa con khỏe mạnh, 2 vợ chồng cùng đồng lòng kiếm tiền để chăm lo cho gia đình bé nhỏ này. Ngoài những nhu cầu thiết yếu như ăn, ở, đi lại... chị chẳng dám mơ tưởng đến nhu cầu giải trí hay mua sắm cho bản thân.
Xăng tăng giá, người làm nghề vận chuyển trực tiếp chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Anh Phương Bá Bảo (31 tuổi, ngụ Bình Thạnh) cho biết, anh chạy shipper đã hơn 4 năm nhưng chưa bao giờ anh cảm thấy nản đến như vậy.
"Giá xăng tăng ảnh hưởng nhiều thứ lắm, lúc trước mình chạy trung bình một ngày thu nhập 400.000 đồng đủ lo cho gia đình, nhưng sau mùa dịch nhiều người thất nghiệp đổ xô vào chạy shipper nên miếng bánh bị chia nhỏ ra. Bây giờ, một ngày mình chỉ kiếm được 300.000 đồng mà tiền xăng nó cứ tăng liên tục, lúc trước mình chỉ đổ 60.000 - 70.000 đồng/ngày nay phải tốn hơn 100.000 đồng/ngày”.
Mỗi ngày, sau khi làm hết công việc nhà, đi chợ mua thức ăn cho gia đình, anh Bảo lại bắt đầu chạy giao hàng từ gần 10h sáng tới tận khuya. Anh Bảo cảm thấy lo lắng vì chưa biết liệu số tiền này có đủ chi phí sinh hoạt không, chứ chưa nói đến khoản để dành.
“Năm ngoái dịch bệnh quá, không đi làm được nên phải đi vay mượn để sống qua ngày. Giờ chưa hết khổ thì lại gánh thêm khoản giá xăng, giá hàng hoá tăng”, anh Bảo nói.
Nhiều công nhân và người lao động xa quê tại TP.HCM phải cố gắng "cày cuốc", làm nhiều công việc mới có thể đủ trang trải cho cuộc sống giữa thời bão giá. Với họ, ước mong hiện tại là mọi thứ bình ổn hơn, doanh nghiệp có nhiều chính sách hỗ trợ để có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Bình luận