Video: Xót thương gia đình có 2 con đều bị bại não
Đó là trường hợp của vợ chồng chị Liêu Thị Kép (SN 1970) và anh Nguyễn Văn Tuồng (SN 1969) trú tại khu phố 4, phường Bình Trị Đông (quận Bình Tân, TP.HCM).
Dường như mọi nỗi bất hạnh của cuộc đời đều giáng xuống gia đình anh chị, khi 2 đứa con là Nguyễn Văn Hòa (SN 1996) và Nguyễn Thị Kim Thanh (SN 2001) đều mắc bệnh về não từ lúc chào đời.
Niềm vui hóa thành bất hạnh
Sinh ra trong 1 gia đình nghèo tại quận 6, đến năm 20 tuổi, chị Kép gặp rồi nên duyên chồng vợ với anh Chín (tên thường gọi của anh Nguyễn Văn Tuồng). Sau khi lấy nhau, chị theo anh về sinh sống trong 1 con hẻm nhỏ ở quận Bình Tân.
Lấy nhau được 5 năm, vợ chồng anh chị mới có tin vui, Hòa chào đời trong niềm hân hoan, hạnh phúc của 2 bên nội, ngoại.
Khi sinh ra, Hòa như bao đứa trẻ khác, lành lặn và bụ bẫm. Nhưng cũng từ đó, chị Kép phát hiện mình bị suy tim nặng, sức khỏe yếu đi khiến chị thường xuyên phải nằm viện. Hòa được gửi cho 2 bác gái chăm sóc một thời gian thay mẹ, trong khi bố đi làm.
Chị Nguyễn Thị Cúc, người trực tiếp chăm sóc Hòa những ngày còn đỏ hỏn, kể: “Sau khi từ bệnh viện về nhà, đêm nào Hòa cũng khóc, nhưng cả nhà nghĩ cháu quấy thôi”.
Không biết vì sao cháu khóc liên tục, chị Cúc nghe nhiều người khuyên đi tìm những tờ giấy hình ông cọp thường được dán trước cửa nhà vào mỗi dịp Tết, để lên đầu giường, nhưng Hòa vẫn quấy khóc mỗi đêm. Lúc này, cả nhà quyết định đưa Hòa đi khám thì nghe bác sĩ thông báo Hòa bị bại não.
“Lúc nghe tin đó tôi suy sụp lắm, khóc hoài, nhưng số phận vậy mà, mình biết làm sao”, chị Kép buồn rầu chia sẻ.
Không chấp nhận nổi sự thật trớ trêu, anh chị ôm con đi khắp các bệnh viện, gặp các bác sĩ để cầu cứu. Có khoảng 2 năm, anh chị đưa Hòa đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 để làm vật lý trị liệu, với hy vọng mong manh con mình sẽ bớt được phần nào căn bệnh quái ác. Thế nhưng, sau quãng thời gian dài chữa trị, bệnh tình của Hòa không có dấu hiệu thuyên giảm.
Đến lúc đã bán hết nhà cửa, đất đai, không còn biết lấy chi phí đâu mà theo đuổi việc trị liệu, anh chị ngậm ngùi đưa con về nhà chăm sóc, nương nhờ gia đình chị gái suốt nhiều năm nay.
Bất hạnh nhân đôi
Sau 5 năm chăm sóc con trai đầu nằm một chỗ, người thân trong gia đình khuyên anh chị nên sinh thêm để được nương tựa lúc về già. Rồi chị cũng mang thai, mỗi ngày trôi qua, anh chị cầu nguyện cho đứa con sau sẽ khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác. Nhưng một lần nữa, sự nghiệt ngã của số phận không buông tha anh chị.
“Sinh bé sau ra, mẹ chồng tôi sợ nó giống thằng anh (Hòa – PV) nên đưa về nuôi. Nhưng được 3 năm vẫn chưa thấy biết đi với biết nói, đi khám bác sĩ nói em nó bị chậm phát triển não”, chị Kép nhớ lại.
Nhận lại cô con gái sau 3 năm gửi mẹ chồng chăm sóc, anh chị gần như tuyệt vọng vì tương lai mù mịt.
Chị Kép ngậm ngùi kể: “Một phần suy nghĩ quá nhiều, một phần lao lực nên có lúc anh Chín phải nằm viện điều trị. Cả nhà 4 người bị bệnh cả, giai đoạn ấy tôi tuyệt vọng muốn chết đi. Nhưng thương 2 con, thương chồng nên tôi lại tự động viên, thôi vợ chồng cùng cố gắng”.
Ước mơ được sống để chăm con
Dù đã ở cái tuổi đôi mươi, nhưng cả Hòa và Thanh đều như những đứa trẻ sơ sinh, không thể đi, không thể nói… Nếu như Thanh có thể di chuyển được xung quanh nhà bằng cách bò thì Hòa chỉ nằm im một chỗ. Thỉnh thoảng, Hòa lại đập đầu xuống nền nhà như bức bối điều gì đó.
Vì Hòa thường xuyên đập đầu xuống nền nhà, nên chị Kép phải ngồi canh chừng, để sẵn gối bên dưới đầu con. Nhưng thỉnh thoảng chị không chú ý, Hòa lại lôi gối vứt đi rồi đập đầu xuống nền lia lịa, thế nên phần sau đầu của em bị móp hẳn vào trong chứ không còn tròn trịa như bình thường.
May mắn hơn anh, Thanh có thể ngồi và biết thể hiện chút cảm xúc ít ỏi. Những lúc vui Thanh cười rất tươi, nụ cười hồn nhiên lấy đi bao nhiêu nước mắt của bố mẹ em. Khi buồn hay không hài lòng điều gì, em lại gầm gừ và nói “không” liên tục, đó cũng là chữ duy nhất em có thể phát âm.
Sinh được 2 con nhưng chưa một lần anh Chín chị Kép được nghe con gọi tiếng “bố, mẹ”, điều tưởng đơn giản nhưng lại khó thành sự thật.
Mỗi ngày, anh Chín lại ra ngoài từ sớm làm phụ hồ, tranh thủ buổi chiều về sớm, anh chạy thêm vài cuốc xe ôm để kiếm tiền thuốc thang cho vợ và 2 con.
“Tôi bị bệnh nên không làm được gì, mỗi ngày chỉ quanh quẩn trong nhà trông 2 đứa nhỏ, lau chùi vệ sinh cũng hết ngày. Thỉnh thoảng, ai nhờ việc gì nhẹ nhàng tôi cũng làm để có thêm chút tiền phụ chồng”, chị Kép chia sẻ.
Mỗi lần nhìn 2 con, chị Kép lại thấy như có ai bóp lấy tim mình. Nhưng chị đã không còn nước mắt để khóc. “20 năm nó cũng cạn rồi, giờ tôi chỉ mong được sống để chăm các con cho anh Chín yên tâm đi làm”, chị Kép chia sẻ.
Được biết, chị Kép bị bệnh tim rất nặng, mỗi ngày chị cùng 2 con tốn khoảng 200 ngàn tiền thuốc, gần bằng tiền công 1 ngày mà anh Chín kiếm được.
Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng mỗi khi tích góp được chút tiền, anh chị lại đi dò hỏi nơi có thầy giỏi để đưa cô con gái sau đến chữa trị với chút hy vọng mong manh.
Chia sẻ về hoàn cảnh gia đình chị Kép, ông Lại Phú Bảy – Trưởng ban công tác mặt trận khu phố 4 (phường Bình Trị Đông) nói: “Vợ chồng chị Kép rất khổ, một mình anh Chín nuôi 3 người bệnh tật. Địa phương cũng đã hỗ trợ bất cứ lúc nào có thể, tuy nhiên cũng chỉ được phần nào chứ không thể quan tâm được nhiều.
Mọi người ở đây ai cũng thương gia đình anh chị, nhưng không giúp được nhiều. Qua đây tôi cũng mong ai biết đến hoàn cảnh của gia đình anh Chín có thể giúp đỡ ít nhiều để 3 mẹ con chị Kép được chữa trị…”.
Mọi sự ủng hộ của độc giả cho gia đình chị Liêu Thị Kép xin gửi về:
Báo điện tử VTC News: Số TK: 0021.0002.48991, Ngân hàng Vietcombank – Chi nhánh Hà Nội.
Nội dung ủng hộ xin đề rõ: Đóng góp giúp đỡ gia đình chị Liêu Thị Kép (khu phố 4, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TP.HCM).
Toàn bộ số tiền ủng hộ sẽ được VTC News chuyển đến cho nhân vật sớm nhất!
Độc giả cũng có thể ủng hộ trực tiếp cho vợ chồng chị Liêu Thị Kép theo địa chỉ: Khu phố 4, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TP.HCM. Số điện thoại: 0122 896 8463.
Bình luận