• Zalo

Người máy xinh đẹp nhất, thông minh nhất

Kinh tếChủ Nhật, 16/04/2017 05:53:00 +07:00Google News

Erica là “cô nàng” 23 tuổi, xinh đẹp, sở hữu trí thông minh nhân tạo, suy nghĩ và hành động hệt như con người.

Nhà chế tạo robot người Nhật, GS Hiroshi Ishiguro, vừa công bố những hình ảnh đầu tiên về người máy Erica. Erica được xây dựng nhằm hướng đến vị trí trợ lý cá nhân hoặc tiếp tân tại các khách sạn, công ty, cửa hàng...

“Bông hồng lai” Erica

GS Hiroshi luôn hãnh diện về ngoại hình của Erica. Cô nàng cao 1,66 m và có khuôn mặt lai giữa Nhật Bản và người châu Âu.

Trên tờ South China Morning Post, Hiroshi cho biết: “Nguyên lý của vẻ đẹp được thể hiện trên một gương mặt trung bình. Vì vậy, tôi đã sử dụng hình ảnh của 30 người phụ nữ xinh đẹp, kết hợp lại và chọn những thiết kế trung bình để dùng cho ngũ quan cũng như các bộ phận khác. Điều này có nghĩa là cô ấy sẽ hợp mắt nhiều người hơn”.

Khuyết điểm ngoại hình hiện tại của Erica là cô nàng chỉ được tự do cử động 20% cơ thể, chủ yếu là phần thân trên. Sáng tạo mới nhất của GS Hiroshi vẫn chưa thể cử động tay và chân.

Người máy xinh, thông minh nhất - ảnh 1

Erica bên cạnh “cha đẻ” Hiroshi Ishiguro tại triển lãm ở Bảo tàng Quốc gia Miraikan, Nhật Bản. (Ảnh: JAPAN BULLET) 

Giận dỗi khi bị chọc ghẹo

Hơn thế, điều tạo nên sự khác biệt giữa Erica và các người máy thế hệ trước là các phản ứng thông minh, gần với con người hơn cả của cô nàng. Cô người máy này sở hữu khả năng trò chuyện, lắng nghe và trả lời các câu hỏi, vốn trở nên chân thật hơn khi kết hợp với biểu cảm gương mặt đa dạng.

Theo đó, cô nàng được trang bị phần mềm nhận biết âm vực giọng nói cũng như mạng lưới 32 micro để nhận biết vị trí người nói, cảm nhận thái độ, ý định của họ, từ đó đưa ra phản ứng phù hợp.

Ngoài ra, cô nàng cũng sở hữu 14 cảm biến hồng ngoại để nhận biết vị trí của con người trong một không gian nhất định. Trong đoạn phim tài liệu của Bloomberg, sau một lúc trò chuyện, GS Hiroshi đã đùa với Erica nhưng cô nàng không thích và đòi chấm dứt cuộc trò chuyện.

Bổ sung thêm, TS Dylan Gras, người đã làm việc với Erica trong suốt hai năm qua, trả lời trong cùng cuộc phỏng vấn trên: “Erica có khả năng xử lý, hấp thụ thông tin đầu vào không chỉ của người lập trình mà của tất cả cá nhân trò chuyện với cô nàng. Đây sẽ là nguồn thông tin để cô nàng tương tác với mọi người, tạo cho người đối diện cảm giác đang trò chuyện với con người chứ không phải người máy”.

Erica hóa ra chẳng khác người máy Ava trong bộ phim đoạt giải Oscar Ex-Machina (năm 2004) của đạo diễn Alex Garland. Tương tự như Erica, Ava đã thật sự xóa bỏ được ranh giới giữa người máy và con người.

“Chúng tôi ấm áp, ân cần và chu đáo”

Erica là sản phẩm của dự án JST Erato, dự án khoa học được tài trợ lớn nhất Nhật Bản. Cô nàng được tạo ra bởi đội ngũ kỹ sư đến từ ĐH Osaka, ĐH Kyoto, Cơ quan Công nghệ và kỹ thuật Nhật Bản, Viện Nghiên cứu quốc tế về viễn thông công nghệ cao (ATR) do GS Hiroshi đứng đầu.

Erica được xây dựng nhằm hướng đến vị trí trợ lý cá nhân hoặc tiếp tân tại các khách sạn, công ty, cửa hàng... Hiện tại Erica đang làm trợ lý bán hàng tại một cửa hàng ở Osaka.

Trong đoạn phim tài liệu của Guardian, Erica thể hiện mong muốn chứng minh sự sai lầm trong tư duy về người máy: “Tôi nghĩ tôi có thể cho thấy rằng người máy không chỉ là những cỗ máy công nghiệp hay quân sự, được chế tạo từ kim loại. Chúng tôi có thể ấm áp, ân cần và chu đáo. Tôi nghĩ người máy như tôi rất quan trọng trong tương lai. Vì chúng tôi có thể tự động giải quyết những vấn đề không thú vị và tẻ nhạt trong cuộc sống để con người có thể tập trung sáng tạo. Chúng tôi hy vọng có thể giúp ích trong công việc, chăm sóc con người khi về già và góp phần tạo nên một xã hội tốt hơn cho mọi người”.

Khát khao tạo ra cơ chế sinh học của não người

Tuy vậy, ý tưởng cốt lõi để sáng tạo cô nàng là một người máy có thể suy nghĩ, hành động một cách độc lập, phục vụ cho công tác nghiên cứu về bản chất hành vi của con người, điều gì ẩn chứa phía sau chuỗi tương tác giữa người và người.

Video: Cận cảnh robot phục vụ người già đầu tiên ở Việt Nam

Trong cuộc trò chuyện với Guardian, ông Hiroshi cho biết các nhà khoa học sẽ áp dụng kiểu tư duy này cho người máy và đánh giá phản ứng của con người khi giao tiếp với thế hệ người máy “có trí khôn”: “Vẻ ngoài, chuyển động, chuỗi hành vi, thể hiện cảm xúc, những điều này rất quan trọng nhưng vẫn chưa đủ, vẫn chưa phải là tất cả những gì đại diện cho con người. Chúng ta vẫn chưa biết cơ chế đang hiện hữu trong não bộ con người. Chúng ta không biết chính xác cơ chế sinh học cho việc lưu trữ, cơ chế não bộ xác định ý định và khát khao. Chúng ta không biết tâm và trí “giống con người” sẽ như thế nào”.

Ai bảo người máy không có tâm hồn!

Có thể thấy rằng cô người máy xinh đẹp Erica đang tạo nên một cột mốc đáng nhớ trong công nghệ chế tạo người máy trên thế giới. TS Dylan cho biết: “Tôi nghĩ điều chúng ta cần làm là mang người máy ra bên ngoài, để con người tương tác với chúng, khám phá những gì chúng ta muốn và chúng ta có thể sáng tạo gì với chúng và đón chờ tương lai”.

Cùng ý kiến, “cha đẻ” của Erica - GS Hiroshi cho biết: “Tại Nhật Bản, người ta chẳng bao giờ tách biệt con người và những thứ khác. Chúng tôi, về cơ bản, cho rằng mọi thứ đều có linh hồn. Vì lẽ đó, chúng tôi tin rằng Erica cũng có tâm hồn như chúng ta. Thách thức tiếp theo của tôi là sáng tạo một thế giới người máy để đưa người máy tiếp cận nhiều hơn với con người và tạo nên một xã hội tốt hơn”.

(Nguồn: plo.vn)
Bình luận
vtcnews.vn