• Zalo

Người lớn nhiễm sởi: Nguy cơ viêm màng não cao hơn trẻ

Sức khỏeThứ Ba, 22/04/2014 04:08:00 +07:00Google News

(VTC News) – Phó Giám đốc BV bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết: Nếu sởi xuất hiện trên người lớn, nguy cơ biến chứng viêm màng não cao hơn ở trẻ.

(VTC News) – Phó Giám đốc BV bệnh Nhiệt đới Trung ương Nguyễn Hồng Hà cho biết: Nếu sởi xuất hiện trên người lớn, nguy cơ biến chứng viêm màng não cao hơn ở trẻ em.

Tại BV bệnh Nhiệt đới Trung ương, tính đến ngày 14/4, có 316 bệnh nhân phải điều trị nội trú. Trong đó, đặc biệt có 2 người lớn bị biến chứng viêm não do sởi.

Đến ngày 17/4, con số này tăng lên là 334 ca nội trú. Trong đó có 23 trẻ em dưới 15 tuổi bị sởi biến chứng viêm phế quản phổi; 24 bệnh nhân trên 15 tuổi bị sởi biến chứng phế quản phổi.

Theo một thạc sỹ điều dưỡng tại BV bệnh Nhiệt đới TW, từ đầu năm đến nay, đã có tổng số 458 bệnh nhân đến khám và nội trú được xét nghiệm có kết quả dương tính với virus sởi tại bệnh viện này.

sởi
Bệnh nhân sởi tại BV bệnh nhiệt đới. Ảnh: VNN

Trao đổi với VTC News, Phó Giám đốc BV bệnh Nhiệt đới Trung ương Nguyễn Hồng Hà cho biết: Nếu sởi xuất hiện trên người lớn, nguy cơ biến chứng viêm màng não lớn hơn ở trẻ em.

Sởi là bệnh lây qua đường hô hấp, dễ lây hơn cả cúm. Siêu vi sởi có ở mũi và cổ họng của bệnh nhân. 90% những người tiếp xúc với bệnh nhân sẽ bị lây sởi nếu chưa chích ngừa.

Người mang virus sởi có người phát bệnh, có người không. Nếu người có miễn dịch sẽ không bị bệnh nhưng người không có miễn dịch thì rất dễ mắc bệnh sởi.

Dù đã 15 tuổi, cháu bé này vẫn bị sởi và thủy đậu tấn công. Ảnh: Nguyễn Tâm 
Do đó, người không được tiêm phòng tức không có miễn dịch thì dễ bị mắc sởi không lúc này thì lúc khác. Thậm chí, ở người đã được tiêm phòng, nguy cơ nhiễm bệnh vẫn chiếm tỷ lệ 5%.


“Và bệnh sởi trên cơ thể người trưởng thành chưa được miễn dịch sẽ là bệnh sởi không điển hình và tiến triển dễ bị nặng”, ông Hà nói.

Ở người lớn, cơ chế gây bệnh không khác trẻ em. Khi bệnh nhân ho, hắt xì, hay nói chuyện, những giọt nước nhỏ xíu có chứa siêu vi sẽ bắn ra không khí và người khác có thể hít vào. Hoặc những giọt nước bọt có thể rơi xuống một nơi nào đó như mặt bàn, điện thoại… nếu sờ vào những nơi này và đưa tay lên mũi hay miệng, người đó rất dễ bị lây bệnh.

Khi siêu vi sởi tấn công vào người bệnh, nó sẽ khu trú trong tế bào ở cổ họng và phổi, sau đó lan khắp cơ thể kể cả hệ hô hấp và da.

Bác sỹ Hà nhấn mạnh, ở cả người lớn bệnh cũng có thể tiến triển và biến chứng nặng. Khoảng 10 tới 12 ngày sau khi tiếp xúc với siêu vi sởi, và trước khi phát ban, người bệnh viêm long đường hô hấp rất mạnh như sốt, ho khan, chảy nước múi, mắt đỏ... rất rõ.

Thầy thuốc có kinh ngiệm, có thể phát hiện ra bệnh nhân mắc sởi sớm trước khi xuất hiện ban trên cơ thể. Khi đó, bác sỹ quan sát sẽ thấy trong miệng bệnh nhân có những nốt nhỏ với trung tâm màu xanh trắng. Những nốt này có tên là đốm Koplik.

Sau khi sốt khoảng 3 – 4 ngày, nốt ban mới xuất hiện từ đầu, mặt, sau gáy rồi lan xuống ngực, bụng rồi tay chân.

Có thể chẩn đoán sởi sớm ở giai đoạn viêm long qua xem xét nghiệm và các yếu tố dịch tễ. Sau khi phát ban, bệnh nhân có thể xét nghiệm máu để tìm ra virus sởi.

Phó giám đốc BV bệnh Nhiệt đới cho rằng, điều quan trọng là phải chẩn đoán được bệnh để có cách xử lý. Vì bệnh sởi nếu lành tính thì sẽ tự khỏi nhưng nếu biến chứng thì rất nguy hiểm.

Bệnh sởi được xếp vào những bệnh virus gây tử vong cao nhất khi có tổn thương hệ hô hấp. Sởi là bệnh gây suy giảm miễn dịch nên bệnh nhân dễ mắc bệnh khác.

Virus sởi thuốc họ Paramyxoviridae, virus hình cầu, đường kính 120 – 250nm, sức chịu đựng yếu, dễ bị diệt với các thuốc khử trùng thông thường.

Ánh sáng mặt trời, sức nóng… Ở nhiệt độ 56 độ C bị diệt trong 30 phút.
Lý giải về 2 ca bệnh bị biến chứng do sởi, ông Hà cho biết:

“Biến chứng do phản ứng miễn dịch cơ thể, có thể  đó là bệnh viêm màng não. Nhiều người lớn, khi khỏi sởi rồi, ra viện hết ban rồi mới bị viêm não.


Sau khi ra viện, nếu bệnh nhân có dấu hiệu bất thường tự nhiên ít nói, bần thần, nhìn vào một chỗ, mắt không tinh nhanh, chậm chạp thì thường là bị biến chứng viêm màng não.

Nếu nặng nữa thì co giật, khi được điều trị sớm, bệnh nhân bị biến chứng sẽ có cơ hội tiến triển tốt”.

Đối với bệnh sởi biến chứng viêm phổi, ở trẻ em thường xảy ra nhiều hơn người lớn. Có 2 khả năng biến chứng phổi do virus sởi. Trong quá trình phát ban bị phổi. Và nguy hiểm hơn là viêm phổi xuất hiện muộn khi ban đã bay, khi đó dễ bị bội nhiễm.

Biểu hiện trên những bệnh nhân này thường là nặng, sốt cao khó thở, khám phổi có ran phế quản và ran. X quang có hình ảnh phế quản phế viêm. Bạch cầu tăng, neutro tăng. Đây thường là nguyên nhân gây tử vong trong bệnh sởi, nhất là ở trẻ nhỏ.

Hiện nay, bệnh nhân có thể đến khám tại BV bệnh nhiệt đới  TW và làm xét nghiệm sởi với chi phí 220 ngàn đồng.

Cách điều trị người mắc sởi chủ yếu là điều trị triệu chứng – săn sóc và nuôi dưỡng.
- Hạ sốt: phương pháp vật lí, thuốc hạ sốt thông thường (Paracetamol).
- An thần.
- Thuốc ho, long đờm
- Kháng histamin: Dimedron, Pipolphen.
- Sát trùng mũi họng: nhỏ mắt nhỏ mũi bằng dung dịch Chloromycetin, Argyrol…
- Kháng sinh chỉ dùng khi có bội nhiễm và dùng cho trẻ dưới 2 tuổi, và trẻ suy dinh dưỡng.
- Khi có biến chứng: viêm thanh quản, viêm não, sởi ác tính thì dùng kháng sinh và corticoid.
- Các biện pháp hồi sức tùy theo triệu chứng của bệnh nhân: hồi sức hô hấp khi có suy hô hấp (thở O2, hô hấp hỗ trợ…) hồi sức tim mạch…
- Chế độ ăn uống tốt.
» Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thị sát dịch sởi
» PGĐ viện Nhi: Ngành y nên công nhận dịch sởi
» Tử vong do sởi, chủ yếu ở trẻ dưới 10 tuổi
» Căn bệnh kỳ quái làm biến dạng khuôn mặt
» Giúp con bạn tránh mắc sởi
» Không tiêm phòng sởi, bé gái nguy hiểm tính mạng
» 200.000 trẻ sẽ được tiêm vaccine sởi
» Đã 3 trẻ tử vong, Hà Nội quyết dập nhanh dịch sởi

Nguyễn Tâm

Bình luận
vtcnews.vn