• Zalo

Người lớn đi... mẫu giáo

Tổng hợpThứ Hai, 28/11/2011 01:53:00 +07:00 Google News

Mới 5 tuổi, đi học mẫu giáo đã phải có vệ sĩ đi kèm. Đó là chuyện lạ lùng không phải ở chốn Tây, Tàu xa xôi mà ở ngay tại Hà Nội.

Mới 5 tuổi, đi học mẫu giáo đã phải có vệ sĩ đi kèm. Đó là chuyện lạ lùng không phải ở chốn Tây, Tàu xa xôi mà ở ngay tại Hà Nội.

Những câu chuyện kể dưới đây được ghi lại tại một trường mẫu giáo tư thục đẳng cấp ở Hà Nội với tất cả sự khôi hài, lố bịch của nó.
Vài năm lại đây, hiện tượng trẻ em được sinh vào những năm được coi là may mắn, là "heo vàng, rồng vàng" tăng một cách đột biến và vô hình trung đang tạo nên một cơn sốt giáo dục cao cấp bậc mầm non, mẫu giáo dành cho các gia đình khá giả ở những thành phố lớn. Sự cạnh tranh theo nghĩa đen bắt đầu từ những ngày đầu tiên trong cuộc đời mỗi người, dường như các bậc phụ huynh đã từng một thời gian khó đều không muốn con mình bị bỏ lại phía sau, họ chạy đua với nhau để con họ được vào học ở những trường mẫu giáo được cho là tốt nhất.
Trẻ mẫu giáo. (Ảnh minh họa). 

Không cần phải chen chân xếp hàng cả đêm đợi nộp đơn xin học vào những trường công lập có tiếng, đối với nhóm phụ huynh rủng rỉnh này chiếc chìa khóa sẵn có để đưa con nhập học vào là nhan nhản mẫu giáo tư thục hạng sang, cơ sở vật chất hoành tráng với mức học phí ngất ngưởng cao gấp nhiều lần trường thông thường, với đơn vị tính thường là đôla Mỹ. Tất nhiên trong một quần thể phụ huynh khá giả có học thức hoặc sắp có, hay lẫn lộn những vị "bỗng dưng" giàu sụ một cách giật mình thì cách ứng xử, can thiệp thô bạo, thể hiện sự giàu sang "văn minh" biến trường mẫu giáo của con như nhà mình mà người viết bài từng được chứng kiến thì theo cách cảm thán hiện đại người ta hay than là "bó tay chấm com".
Cháu ruột tôi đang được gửi tại một trường mẫu giáo tư thục có chủ đầu tư là công ty nước ngoài thuộc dạng tiêu chuẩn cao và khá tên tuổi, học phí một năm của cháu chị tôi nhấm nháy cho biết nghe đâu quy đổi từ USD chợ đen sang ngang thì tương đương 2 năm lương tiền đồng của tôi. Lớp của cháu dành cho học sinh lứa 3 - 4 tuổi và nó rất đặc biệt bởi có thêm 2 "cháu" nữ tròm trèm thiếu nữ, họ là những người giúp việc của một gia đình đã có điều kiện lại còn dư nhân lực.
Đều đặn sáng sớm ôtô xịn tài xế riêng của gia đình kể trên đưa cả cụm 3 cháu, 2 lớn 1 bé đến lớp mẫu giáo. Nghe đâu do quý tử không ai cho ăn được lại có thói quen phải có người nhà bên cạnh mới yên tâm ngồi bô ngoài các chị giúp việc nên nhà trường thời đại kinh tế mở đành chiều khách hàng hết sức tạo điều kiện. Giờ các cháu sinh hoạt, học tập hát múa với các cô, hai chị lớn bê ghế tựa dành cho trẻ con ra góc, mỗi chị một cái điện thoại Nokia màn hình đen trắng tý toáy khúc khích nhắn tin với bạn ở quê. Các chị "đi học" vào đến lớp là xách balô đi thay đồ mặc ở nhà.
Hãi nhất mùa hè, cái tuổi đang lớn phốp pháp diện "cả cành" đồ ngủ vải Trung Quốc lẽo nhẽo tung tăng, giờ các cháu đi ngủ thì các chị cũng vác gối ôm "thửa" hiên ngang trấn giữa cửa chỗ gần điều hòa mát lạnh, tiếng thở đều đều, "phụ kiện" tung tóe. Đã từng có phụ thân một bé nhà có việc đón con đột xuất, giữa trưa gặp cảnh các chị ngủ như tiên mà đứng tần ngần không biết nên vào hay đứng ngoài hành lang đợi đón con. Sau có nhiều phụ huynh phản đối, gia đình điều kiện này đành miễn cưỡng "giảm biên chế" xuống còn một chị, các cháu cũng đỡ phân tâm hơn trước bởi những vô duyên "hí hí" tuổi 17 khi nhận được tin nhắn.
Đầu hành lang là một lớp khác và cũng đặc biệt bởi có một "cháu lớn" phụ trội, hoành tráng của một gia đình đại gia siêu giàu cẩn thận cắt cử riêng anh vệ sĩ quanh năm đeo kính đen như phim Mỹ đứng khoanh tay ngoài cửa lớp. Thi thoảng anh ta đảo động tác nghiêng người rất chuyên nghiệp ngó qua cửa kính "check" đứa bé con thân chủ đang bi bô với các bạn đồng lứa. Thân chủ và vệ sĩ như hình với bóng từ cửa lớp tới nhà vệ sinh. Giờ học bơi sáng thứ năm, "vệ sĩ" tay vắt khăn tắm lững thững đứng cạnh hồ bơi trông chừng cậu chủ nhỏ. Khổ nhất các cô dạy trẻ mặc đồ bơi dù kín đáo cũng không thể hình dung được đường đi ánh mắt đằng sau đôi mắt kính đen kia đang hướng đi đâu, vừa khó chịu lại vừa ngượng.
Cha mẹ nên để cho giáo viên giúp trẻ nhỏ tự lập, hoàn thiện năng lực khi học mầm non. (Ảnh minh họa). 

Lương giáo viên tại các trường tư thục thường cũng tương xứng với học phí nên chuyện ý kiến để phụ huynh phiền lòng là một vấn đề khó có thể cất thành lời. Đã có trường hợp một học sinh tại trường mẫu giáo này đi học muộn, phụ huynh đưa "gia bảo" vào tận lớp, thằng cu lững thững bước vào chẳng nói chẳng rằng thì bị cô giáo nhắc ngay là: "Con phải chào các cô đã chứ". Thế là vị phụ huynh như thể được dịp giải tỏa ức chế vì việc bị tắc đường, tức tốc lao vào giữa lớp sấn sổ mắng cô giáo "mày thế nọ tao thế kia", tay chỉ con giáo huấn rằng con không phải chào ai cả ngoài ông bà và bố mẹ ở nhà. Chưa dừng lại đó, vị phụ huynh "đáng kính" chủ một chuỗi cửa hàng cầm đồ khắp Hà Nội còn cẩn thận gọi tiếp hiệu trưởng tới tận nơi khiếu kiện về việc cô giáo gây khó dễ cho con họ khi đi học.
Tại nhiều trường tư thục giảng dạy theo mô hình giáo dục nước ngoài, để giúp các bé vượt qua cú sốc thời gian đầu tiên khi tới trường, họ rất cởi mở để phụ huynh cùng hợp tác với giáo viên trong việc biến lớp học thành "ngôi nhà thứ hai" của bé. Nhưng việc biến ngôi nhà thứ hai thành "thô thiển" nhà mình phản giáo dục như không ít trường hợp tôi kể trên thì nó lại là những điều thật khó chấp nhận. Có thể một phần do học phí cao nên nhiều bậc phụ huynh luôn muốn đồng tiền mình bỏ ra xứng đáng và con cái được hưởng dịch vụ tốt nhất.
Trong lúc rảnh ngồi nói chuyện với cô giáo dạy lớp cháu tôi, cô rưng rưng nhắc lại chuyện còn có những phụ huynh kéo thêm vài chị bạn nhiều kinh nghiệm bếp núc đến bất chợt lao vào bếp thô bạo bới tung đồ ăn của các con từ dưới lên trên chỉ để kiểm tra chất lượng tươi héo của thịt, rau củ quả. Có phụ huynh còn "kỹ tính" một cách khoa học đến mức không cho phép cô giáo lấy đồ hứng khi con của mình trớ, họ cẩn thận dặn dò nhà trường để cho cháu được phép trớ ra sàn lớp một cách tự nhiên để tránh cho "Cháu nó mất phản xạ"... Những ngày trái nắng trở trời thì ngoài việc trông trẻ cô giáo sẽ được "khuyến mãi" biến thành nàng Lọ Lem như trong cổ tích với việc cần mẫn cọ sàn nhà vài lần trong ngày.
Thường tại những trường tư thục cao cấp, mỗi cô phụ trách vài cháu thay vì tới hơn 10 cháu như những nơi khác chưa kể còn có giáo viên dạy ngoại ngữ, họa, thể thao, âm nhạc riêng biệt. Nhưng để tránh cho con trẻ trêu đùa rồi va chạm với nhau thì cũng là việc gian nan. Cháu nào cũng thuộc diện "hoàng tử công chúa" bé cả, sứt mẻ một vết nhỏ thì giáo viên cũng phải giải trình với phụ huynh và nhà trường miết mải.
Gần đây nhất tại trường cháu tôi xảy ra một vụ việc ái ngại dẫn đến gia đình tôi quyết định chuyển cháu nhỏ học chỗ khác cũng bắt nguồn từ việc sự can thiệp quá thô bạo của phụ huynh học sinh. Từ việc con trẻ chơi đùa rồi lao vào "chiến đấu", đen cho kẻ thắng cuộc là bố mẹ của bé bị một vết cắn lại thuộc thành phần "thích nói chuyện bằng chân tay". Thế là buổi sáng hôm sau trường mẫu giáo văn minh đẳng cấp cao có chứng nhận quốc tế biến thành nơi cho vài kẻ hiếu chiến đòi "nợ máu" cho vết cắn trẻ con lộn xộn từ trong trường đến ngoài vỉa hè.
Trong bài viết ngắn, tôi chỉ mạn phép kể lại một số câu chuyện không đẹp xảy ra nơi cháu tôi đã từng theo học như một chia sẻ. Sự can thiệp quá sâu của cha mẹ như "đi học mầm non" cùng con khi tới trường về mặt nào đó vô hình trung đẩy những đứa trẻ bị tiếp nhận những ứng xử dị biệt không đáng có của tuổi thơ trong môi trường giáo dục chung.
Phải nói rằng, ngoài những phương pháp giáo dục tân tiến theo chuẩn quốc tế thì ưu điểm vượt trội của các trường tư thục cao cấp là cơ sở nhà trường thường được xây dựng dành riêng cho mục đích giáo dục mầm non. Với không gian rộng rãi, thoáng mát, trong lành và yên tĩnh cùng với cơ sở vật chất hiện đại được thiết kế đặc biệt theo phong cách mới, mỗi lớp học hầu hết đều được trang bị máy lạnh, lò sưởi và các thiết bị cao cấp trong công tác giáo dục. Nhưng quan trọng hơn cả như lời một tiến sĩ xã hội học tại Hà Nội cho rằng: "Văn hóa ứng xử là một trong những điều kiện để xây dựng nên con người văn hóa. Ở giai đoạn này, cha mẹ cần quan tâm, đầu tư nhiều nhất vào văn hóa ứng xử, thay vì ý nghĩ nhất thiết phải đưa con em mình vào các trường điểm với phương pháp giảng dạy quốc tế".
Theo CAND
Bình luận
vtcnews.vn