Đời sống

Người lính trăm tuổi kể chuyện Điện Biên Phủ

Thứ Bảy, 27/07/2024 07:26:00 +07:00

(VTC News) - 100 tuổi đời, 70 tuổi Đảng, cựu chiến binh Nguyễn Văn Sực vẫn nhớ như in tháng ngày tham gia Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ “nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”.

Người lính trăm tuổi kể chuyện Điện Biên Phủ - 1

Trong Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, ông Nguyễn Văn Sực quê huyện Mỹ Hào (Hưng Yên) thuộc quân số Trung đoàn 141, Đại đoàn 312. Ở tuổi 100, trong trí nhớ của ông Sực vẫn hằn sâu hai địa danh: Him Lam và Mường Thanh. Đó là hai trận đánh ác liệt, ông tham gia trực tiếp và giữ chốt bảo vệ cho đến ngày địch đầu hàng.

Tại vị trí xuất kích, Đoàn văn công Đại đoàn 312 và Tổ văn công xung kích Tổng cục Chính trị do nhạc sĩ Đỗ Nhuận phụ trách, ra tận chiến hào biểu diễn. Giữa các tiết mục, bộ đội còn được nghe Thư Bác Hồ gửi động viên cán bộ, chiến sĩ.

“Đêm 13/3/1954, đơn vị tôi là chủ công, xung kích, tham gia đánh đồi Him Lam, trận mở đầu cho Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đó là một trận đánh ác liệt. Là người lính thì không ngại hy sinh, chúng tôi ra trận với quyết tâm bằng mọi giá phải đánh thắng, vì kiểm soát được Him Lam mới có thể tiến sâu vào Điện Biên Phủ. Lúc đó tôi 29 tuổi”, người lính già nhớ lại.

Người lính trăm tuổi kể chuyện Điện Biên Phủ - 2

 Các con cháu quây quần bên cụ Sực nghe kể chuyện về các trận đánh tại Điện Biên Phủ.

Trên hướng chủ yếu của Trung đoàn 141, cuộc chiến đấu diễn ra quyết liệt. Ở mỏm hai, do pháo địch bắn gần nên súng máy của Tiểu đoàn 428 bị đất vùi lấp không sử dụng được, ông Sực và đồng đội phải tập trung súng tiểu liên, lựu đạn diệt lô cốt số 1.  

Ổ đại liên ở lô cốt số 2 bắn ra dữ dội. Mặc dù bị nhiều vết thương, chiến sĩ Phan Đình Giót thuộc Đại đội 58, Tiểu đoàn 428 vẫn dùng súng tiểu liên, lựu đạn đánh kiềm chế hỏa điểm, nhưng địch vẫn bắn ra rất mạnh, xung kích của ta không tiến lên được, bị ùn lại.

Lúc này, chiến sĩ Phan Đình Giót đã bị thương rất nặng nhưng vẫn cố sức lê lại gần lô cốt, rồi bất ngờ xoay lưng lấp lỗ châu mai, dập tắt hỏa điểm lô cốt số 2 (mỏm hai). Xung kích chớp thời cơ xông lên, đánh tỏa ra các hướng. Tiểu đội thọc sâu của Nguyễn Ngọc Hỷ xông vào diệt lô cốt mẹ. Tiểu đoàn 428 làm chủ mỏm hai sau 3 giờ chiến đấu.

Tôi ở cùng Tiểu đoàn với Phan Đình Giót. Nếu không dập được hoả lực thì không thể tiến tiếp được nên anh Giót đã lao lên lấy thân mình lấp lỗ châu mai”, ông Sực nhớ lại.

23h30 ngày 13/3/1954, Đại đoàn 312 hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt cứ điểm Him Lam. Trung tâm đề kháng Him Lam bị tiêu diệt hoàn toàn. Tiểu đoàn 3/13 DBLE của thực dân Pháp bị xóa sổ, 200 tên địch bị bắt sống.

Người lính trăm tuổi kể chuyện Điện Biên Phủ - 3

Sau đòn tấn công mở màn thắng lợi, Ban chỉ huy Chiến dịch quyết định thực hiện nhiệm vụ giai đoạn 2. Trung đoàn 141 của ông Sực được giao nhiệm vụ cùng các đơn vị bạn đào chiến hào đánh lấn vào khu đồi E.

Tiểu đoàn 16 là lực lượng chính thực hiện nhiệm vụ này. Sau 4 ngày vừa đào hào, vừa đánh địch, vừa tổ chức chốt giữ phòng ngự, Tiểu đoàn 16 đã đào xong chiến hào bao vây đồi E, có chỗ chỉ cách địch 20m.  

Ở giai đoạn đầu của chiến dịch, ông Sực và các đồng đội có thể đào hào vào ban ngày. Buổi sáng, khi đi đào hào về, các chiến sĩ được anh nuôi phát cho một nắm cơm và ít mắm muối khô. Ăn xong lại tiếp tục mài cuốc, xẻng, chặt cọc gỗ, chuẩn bị cho việc đào hào diễn ra vào buổi chiều và tối.  

Về cuối chiến dịch, chiến trường ác liệt, việc đào hào diễn ra vào buổi tối và ban đêm. Khi trời chạng vạng, bộ đội mỗi người mang theo một bó ngụy trang, đào đến đâu ngụy trang đến đó.

Cán bộ trung đội đi trước, mang cuộn dây và bó cọc để căng dây lấy hướng, đóng cọc làm chuẩn và giao nhiệm vụ cho từng chiến sĩ. Việc phân chia thứ tự từng người vào vị trí đào giúp tránh ùn tắc, lộn xộn và đề phòng pháo cối của địch.

Bộ đội đào đến nỗi cuốc xẻng đã cùn mòn đến hơn một nửa. Bàn tay ai cũng chai sạn. Mồ hôi và máu đã đổ. Các chiến hào vươn dần đến cứ điểm của địch.

Người lính trăm tuổi kể chuyện Điện Biên Phủ - 4

Giấy khen của Bộ Tư lệnh Đại đoàn 312 tặng ông Nguyễn Văn Sực trong trận đánh đồi Him Lam và sân bay Mường Thanh.

“Nhờ có giao thông hào mà hạn chế được thương vong cho bộ đội. Suốt chiến dịch, chúng tôi ngày chiến đấu, giữ chốt, đêm đào hào, mỗi anh đào 2m hào. Đào sâu lút đầu, rộng 1m, sâu 2m, thành một đường đi. 56 ngày đêm có anh râu dài, chẳng tắm rửa gì, bẩn như trâu”, người cựu chiến binh kể.

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, sân bay Mường Thanh cũng là một trong những địa danh in hằn trong tâm trí ông Nguyễn Văn Sực. Cứ điểm 105 (Huyghét 6) là một trong những cứ điểm quan trọng, được thực dân Pháp bố trí ở phía Bắc sân bay Mường Thanh, bảo vệ và khống chế khu vực tương đối rộng, nhằm ngăn chặn các cuộc tiến công của ta.

Sau thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt, Tổng Quân ủy quyết định sử dụng một số trung đoàn của Đại đoàn 308 và Đại đoàn 312 tấn công cứ điểm 105. Ông Nguyễn Văn Sực tham gia trực tiếp trận đánh chiếm sân bay Mường Thanh. Sau đó, đơn vị ông được cấp trên giao nhiệm vụ cắm chốt và giữ sân bay.

“Hôm đó, quân ta tiêu diệt cứ điểm 105, chiếm giữ khu vực phía Bắc sân bay Mường Thanh. Hôm sau địch cho xe tăng đến chiếm lại. Đơn vị ra đánh bật hết xe tăng, bắn đổ nát xe tăng, bắt hết lính. Địch hoảng loạn. Sân bay mình vẫn giữ, máy bay địch không xuống được”, ông kể.

Người lính trăm tuổi kể chuyện Điện Biên Phủ - 5

 

70 năm nhìn lại, đó là những tháng ngày ác liệt nhưng tự hào nhất cuộc đời tôi.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Sực

Trung đội của ông Sực được phân công giữ chốt tại sân bay Mường Thanh cho đến khi giải phóng. 12h ngày 7/5/1954, Trung đoàn 141 xuất kích tiến về cầu Mường Thanh, sau Trung đoàn 209, dưới sự chi viện của pháo binh. Địch huy động lực lượng cản bước quân ta.

Đến 15h30, Trung đoàn 209 dũng cảm vượt qua cầu, đập nát các hỏa điểm của địch, đánh thọc sâu vào sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Quân ta từ nhiều hướng đánh thẳng vào trung tâm Mường Thanh. Trung đoàn 141 ào ạt vượt qua cầu tiếp sau Trung đoàn 209.

“17h30 ngày 7/5/1954, địch kéo cờ trắng đầu hàng. Thời điểm đó tôi vẫn chốt giữ tại sân bay Mường Thanh. Lúc đó Cờ đỏ Sao vàng mọc lên xung quanh đỏ chói. Bộ đội hoan hô. Thế là đánh thắng giặc Pháp. Chiến thắng Điện Biên lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, người cựu binh trăm tuổi kể, đôi mắt ánh lên niềm vui.

Mai Mai - Vân Trang
Bình luận
vtcnews.vn