Hiện nay, còn một bộ phận người lao động (NLĐ) gặp hoàn cảnh khó khăn thường muốn nhận bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần. Tuy nhiên, việc này là lợi bất cập hại vì vô hình chung họ đã tự loại bỏ đi những quyền lợi rất cơ bản của mình.
Về mặt lợi ích, có thể thấy tham gia BHXH để lúc về già được hưởng lương hưu bảo đảm cuộc sống và được cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí để chăm sóc sức khỏe. Đây là bản chất nhân văn của chính sách, hỗ trợ thiết thực cho người lao động.
Theo quy định của pháp luật, trong một số trường hợp, những người tham gia BHXH khi có yêu cầu sẽ được giải quyết BHXH một lần.
Tuy nhiên, BHXH Việt Nam hoàn toàn không khuyến khích cách làm này. Để bảo đảm quyền lợi lâu dài, bền vững cho người lao động trong bối cảnh số người nhận BHXH một lần có xu hướng tăng từ năm 2022, BHXH Việt Nam đã có công văn yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố đẩy mạnh truyền thông về ý nghĩa, giá trị của việc hưởng lương hưu hàng tháng.
Người dân cần hiểu, thời gian đóng BHXH chính là thành quả của quá trình lao động, là một khoản tích lũy của bản thân khi còn sức khỏe, còn thu nhập để dành khi về già.
Khi người lao động có lương hưu, đồng nghĩa với việc sẽ có nguồn thu nhập ổn định hàng tháng, bảo đảm cuộc sống khi về già, giúp người lao động tự chủ hơn trong cuộc sống của mình, không phải lệ thuộc vào gia đình và xã hội.
Cụ thể, với mức 22% tiền lương tháng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất thì một năm tổng mức đóng là 2,64 tháng lương; trong khi mức hưởng BHXH một lần cho mỗi năm đóng BHXH chỉ bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014 và bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.
Như vậy, nếu lĩnh BHXH một lần, NLĐ sẽ bị thiệt khoảng 1,14 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH trước năm 2014 và khoảng 0,64 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH sau năm 2014. Nếu so sánh với việc tích lũy thời gian để hưởng lương hưu, thì thiệt thòi là không tính hết được.
Ngoài ra, người lao động còn được cấp thẻ BHYT miễn phí với mức hưởng 95% chi phí khám, chữa bệnh (KCB) trong suốt thời gian hưởng lương hưu để được KCB.
Bên cạnh đó, để bảo đảm quyền lợi của người nghỉ hưu, Nhà nước luôn có sự điều chỉnh lương hưu định kỳ theo chỉ số giá tiêu dùng và mức tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, lương hưu luôn được bảo toàn giá trị, không bị rủi ro khi đồng tiền mất giá.
Cuối cùng, khi người lao động qua đời, người lo mai táng sẽ được hưởng trợ cấp mai táng (bằng 10 tháng lương cơ sở tại thời điểm mất) và thân nhân người lao động sẽ được hưởng trợ cấp tuất một lần hoặc trợ cấp tuất hàng tháng nếu đủ điều kiện theo quy định.
Nếu gặp khó khăn trước mắt, NLĐ hoàn toàn có thể bảo lưu thời gian đóng BHXH, khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc hoặc tham gia BHXH tự nguyện (được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng với các mức 10%-25%-30% trên mức đóng BHXH hàng tháng bằng mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn) để được cộng nối thời gian tham gia BHXH trước đó để hưởng chế độ hưu trí. Thời gian đóng BHXH càng nhiều thì mức hưởng sẽ càng cao.
Bình luận