• Zalo

Người lao động gửi 10.000 câu hỏi, kiến nghị về lương, nhà ở tới Thủ tướng

Đời sốngChủ Nhật, 12/06/2022 10:59:12 +07:00Google News
(VTC News) -

Gần 10.000 câu hỏi, kiến nghị, đề xuất của cán bộ, đoàn viên công đoàn và công nhân lao động cả nước đối với 126 vấn đề được gửi đến Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Sáng 12/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính có cuộc gặp gỡ, đối thoại với công nhân trong chương trình có chủ đề “Công nhân Việt Nam với khát vọng phát triển đất nước”. Chương trình có 4.500 công nhân lao động tại điểm cầu chính tỉnh Bắc Giang và 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố và Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ).

Người lao động gửi 10.000 câu hỏi, kiến nghị về lương, nhà ở tới Thủ tướng - 1

Thủ tướng thăm gia đình công nhân đang thuê trọ và làm việc tại Bắc Giang. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, đến nay, Tổng LĐLĐ Việt Nam nhận được gần 10.000 câu hỏi, kiến nghị, đề xuất của cán bộ, đoàn viên công đoàn và công nhân lao động cả nước đối với 126 vấn đề gửi đến người đứng đầu Chính phủ.

Qua tổng hợp, ông Ngọ Duy Hiểu cho hay, các câu hỏi, kiến nghị, đề xuất tập trung chủ yếu xung quanh 10 nhóm vấn đề lớn là về tăng lương tối thiểu vùng, hướng tới lương đủ sống, có tích lũy đối với người lao động và chính sách tiền lương mới theo tinh thần Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp; việc rà soát, sửa đổi toàn diện pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo đảm quyền lợi của công nhân lao động, hạn chế tình trạng công nhân lao động rút bảo hiểm xã hội 1 lần, hệ quả là công nhân không có lương hưu trong tương lai.

Câu hỏi, kiến nghị của người lao động cả nước hướng tới việc cần tập trung chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đôn đốc giải quyết chế độ, chính sách, các gói hỗ trợ công nhân lao động.

Ngoài ra, người lao động còn gửi kiến nghị các vấn đề quy hoạch, dành quỹ đất và tháo gỡ cơ chế, chính sách để triển khai xây dựng nhà ở, nhà trẻ, trường học, nơi khám chữa bệnh, nơi sinh hoạt văn hóa cho công nhân lao động, nhất là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; chính sách hỗ trợ tín dụng cho công nhân lao động, giúp công nhân tiếp cần nguồn vốn hợp pháp để giải quyết khó khăn, hạn chế tình trạng công nhân lao động mắc bẫy "tín dụng đen".

Trong 10 nhóm vấn đề còn có công tác đào đào tạo nghề; các chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để công nhân lao động tham gia học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tăng cường kiểm tra, tranh tra, giám sát, xử lý nghiêm tình trạng vi phạm pháp luật của người sử dụng lao động đối với người lao động; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là tại các bếp ăn tập thể, các chợ dân sinh, đảm bảo cho công nhân lao động được tiếp cận nguồn thực phẩm an toàn, phù hợp với thu nhập; tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh trật tự tại nơi làm việc, nơi ở của công nhân lao động; bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại các khu công nghiệp vào giờ cao điểm.

Người lao động còn quan tâm vấn đề giá nhà trọ, giá điện, giá nước sinh hoạt bị một bộ phận chủ nhà trọ đẩy lên cao; việc tăng giá sách giáo khoa; vấn đề con công nhân khó tiếp cận các trường học công trên địa bàn do không có hộ khẩu thường trú; việc cấp bách phải hình thành các điểm chợ gần khu công nghiệp và gần các doanh nghiệp đông công nhân.

Cũng theo ông Ngọ Duy Hiểu, đây là dịp để Thủ tướng lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ, truyền thông điệp động viên, khích lệ công nhân lao động cả nước, phát huy truyền thống, vượt mọi khó khăn, chung sức, đồng lòng thi đua lao động sản xuất với năng suất cao hơn, chất lượng tốt, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và thực hiện khát vọng dân tộc.

Người lao động gửi 10.000 câu hỏi, kiến nghị về lương, nhà ở tới Thủ tướng - 2

Thủ tướng tìm hiểu đời sống sinh hoạt, thu nhập, công việc của gia đình công nhân tại khu trọ. (Ảnh VGP/Nhật Bắc)

Phát biểu mở đầu tại cuộc đối thoại, Thủ tướng bày tỏ sự chia sẻ, cảm thông đối với những mất mát, nhọc nhằn, khó khăn, vất vả mà anh chị em công nhân, người lao động phải chịu đựng trong hơn 2 năm qua do dịch COVID-19. Chính phủ, Thủ tướng thấu hiểu và sẽ nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi nhất để anh chị em sớm vượt qua những khó khăn, trở lại lao động, làm việc, ổn định đời sống. 

“Phải nói đời sống nhiều công nhân còn rất vất vả. Tôi vừa đi thăm khu nhà trọ công nhân tại Bắc Giang và thời gian qua cũng đi nhiều nơi để gặp gỡ, tìm hiểu đời sống công nhân. Chúng ta cùng đối thoại để tìm ra giải pháp phù hợp điều kiện, hoàn cảnh đất nước ta, phù hợp với nguyện vọng anh chị em công nhân và phù hợp với tình hình thực tiễn”, Thủ tướng nói. 

Văn Chương - Nguyễn Huệ
Bình luận
vtcnews.vn