• Zalo

Người lái đò và lời nguyền nghiệt ngã trên sông Son

Thời sự Thứ Tư, 31/07/2013 01:45:00 +07:00Google News

Chưa có người nào bị chết khi qua sông nhưng đã có 7 người làm nghề lái đò chết từ năm 2007 đến nay.

Chưa có người nào bị chết khi qua sông nhưng đã có 7 người làm nghề lái đò chết từ năm 2007 đến nay.

Chỉ riêng từ năm 2007 đến nay, trên sông Son thuộc xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) đã có đến 7 người lái đò bị chết đột ngột trước 50 tuổi không lý giải được nguyên nhân. Nhiều người cho rằng, những ai làm công việc lái đò trên dòng sông này đều vướng phải một “lời nguyền” nghiệt ngã… 

Nhưng bất chấp “lời nguyền”, bao nhiêu năm nay, những người lái đò trên sông Son vẫn tận tụy bám sông mưu sinh, đảm bảo giao thông cho người dân, học sinh, giáo viên...

Thảm thương phận lái đò

Dòng sông Son từ lâu vốn là tuyến đường thủy huyết mạch của xã Sơn Trạch. Đây là nguồn sống quý giá của nhiều người dân, dùng để trồng trọt trên bãi bồi, lấy nước tưới cho nông nghiệp, chở du khách tham quan du lịch... 
Trên chiếc thuyền du lịch ngược sông Son trong xanh, chúng tôi thấy hai bên bờ hoa màu tốt tươi, nhà cửa san sát. Nhưng khi thuyền đến bến đò trước cửa động Phong Nha (nằm trong quần thể di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng) thì dòng nước trở nên vẩn đục, réo lên hung dữ.

Trời xế chiều cũng là lúc hàng trăm học sinh và người dân tập trung tại bến đò để qua bờ bên kia về thôn Trằm Mé. Ông Phan Xuân Thẩm (56 tuổi, trú thôn Trằm Mé) – một người lái đò cho biết: “Từ khi có làng Trằm Mé đến nay, người dân chỉ sống tự cung tự cấp, tách biệt với bên ngoài, muốn đi đâu chỉ còn cách sang đò. Mùa mưa lũ, nước sông chảy xiết, đục ngầu thì không thể đi lại được. Chưa có người nào bị chết khi qua sông nhưng đã có 7 người làm nghề lái đò chết từ năm 2007 đến nay”.

lời nguyền, người lái đò, xây cầu, sông son
Học sinh thôn Trằm Mé hằng ngày phải lụy đò để đến trường. Ảnh: T.M 

Chúng tôi rùng mình khi nghe ông Thẩm kể về những cái chết thương tâm của những người lái đò: Ông Đức, ông Đại, ông Vui, ông Linh, ông Thành, ông Đào, ông Nam… Tất cả đều là người của thôn Trằm Mé và đều chết đột ngột trước 50 tuổi. Ông Thẩm mới lái đò thay ông Võ Việt Đức (đã chết hơn hai năm nay) và là người duy nhất còn sống khi đã qua 50 tuổi.

Ông Thẩm nói tiếp: “Không ai biết rõ nguyên nhân gì khiến những người chết ở đây. Chúng tôi chỉ biết rằng, phía trước cửa động Phong Nha trước đây, do chiến tranh nên xác chết nhiều vô kể, máu nhuộm đỏ cả khúc sông và hiện tại vẫn còn rất nhiều oan hồn vẩn vơ. Mọi người đồn rằng, ai làm khuấy động sông nước, nơi yên nghỉ của oan hồn sẽ gánh chịu hậu quả. Tui và mọi người đều rất sợ, nhưng vì miếng cơm manh áo phải chịu khó bám sông nước kiếm cái ăn”.


Có lẽ vì “lời nguyền” đó nên khi làm hợp đồng đưa đò với UBND xã,  vợ của ông Thẩm phải đứng tên trong hợp đồng coi như chồng mình không liên quan. Cuộc sống của gia đình ông Thẩm và những người lái đò rất cơ cực khi mỗi năm chỉ nhận được 1 tạ lúa của xã; phí qua đò mỗi người chỉ có 500 đồng/lượt, 8kg lúa/năm đối với học sinh. Và tất nhiên, giáo viên, cán bộ hoặc người quen trong làng thì được... miễn phí khi qua đò.

Chúng tôi cùng hơn chục người không mặc áo phao qua chiếc đò tròng trành để vào thôn Trằm Mé. Đi tiếp lên phía thượng nguồn sông Son đến bến đò Trằm, nhìn vào phía bờ bên kia thấy người lái đò già đang sắp xếp hàng chục học sinh và ba giáo viên lên đò để chở sang bờ bên này.


Tất cả đều không có áo phao. Sau 20 phút vật lộn với dòng sông rộng, nước sâu hun hút, ông lái đò tên Ngô Văn Nhàn cũng chèo được qua bờ bên này. Đã ở cái tuổi 70, ông Nhàn vẫn miệt mài đưa đò chở giáo viên, học sinh và người dân đi lại qua sông. Ngày nào ông cũng dậy từ 5 giờ sáng, tận tụy chèo đò đến tối mịt mới về.

Khi hỏi về khó khăn, nguy hiểm và cái chết của những người lái đò, ông Nhàn thống kê: “Ở bến đò Trằm này, đã có 2 người chết là ông Tạo và ông Trương trong vòng 15 năm nay. Họ chết đều không rõ nguyên nhân. Người dân trong thôn sợ… cái chết nên chẳng mấy ai dám chèo đò. Tui cũng sợ chết nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn, thân phận già cả không có việc gì khác làm nên phải bám lấy đò để kiếm sống. Hơn nữa, thấy giáo viên, trẻ em đến trường nhọc nhằn quá, tui xin chèo đò. Lúc nào ốm đau không đi làm được thì bảo con cái chèo thay, kẻo học sinh lỡ buổi học thì tội nghiệp”.

Cần lắm một cây cầu

Người dân Trằm Mé nói rằng, những cái chết thương tâm của người lái đò sẽ không xảy ra nếu nơi đây có một cây cầu. Ông Nguyễn Văn Thông -Trưởng thôn Trằm Mé cho biết: “Cực chẳng đã, họ mới làm nghề lái đò. Ai làm nghề này không chỉ rất khó kiếm sống bằng nghề mà còn đối diện với hiểm nguy, lời nguyền nghiệt ngã. Đa số người dân Trằm Mé sống nhờ vào việc buôn bán cho khách du lịch ở trước cửa động Phong Nha, động Tiên Sơn... 
Thôn đã nghèo lại chẳng có cầu đi lại nên cuộc sống cơ cực lắm. Đã có nhiều người bị bệnh chết vì chẳng được đưa đi cứu chữa kịp thời. Tình trạng trẻ em thất học thì nhiều lắm, nguyên nhân do cách trở đò giang và phần nhiều các em theo cha mẹ đi làm du lịch”.

Bao đời nay, người dân thôn Trằm Mé phải đi lại nguy hiểm trên những chuyến đò tròng trành. Đặc biệt, hàng trăm học sinh muốn đến trường phải lụy đò... 3 lần; những giáo viên miền xuôi không có thời gian, điều kiện qua đò thì đành “cắm bản” để dạy học. Căn phòng nhỏ hẹp ở điểm lẻ Trường Tiểu học Sơn Trạch ở thôn Trằm Mé là nơi nội trú của hai cô giáo Cao Thị Hương Giang (22 tuổi) và Đặng Thị Lệ Vinh (21 tuổi).

Tuổi trẻ, tình yêu nghề đã khiến những cô gái trẻ miền xuôi này tình nguyện lên miền núi “cắm bản” công tác. Cô Đặng Thị Lệ Vinh chia sẻ: “Xa nhà, xa quê, cuộc sống thiếu thốn, khổ cực nhưng tụi em cũng chấp nhận vượt qua tất cả. Chỉ mong sao người dân nơi đây có được cây cầu để đi lại, học sinh không phải bỏ học đi mưu sinh...”.


Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Công Trứ - Chủ tịch UBND xã Sơn Trạch cho biết: “Thôn Trằm Mé cùng với bản Rào Con là hai thôn nghèo nhất của xã. Trằm Mé có 199 hộ dân với gần 1.000 người, trong đó có 70% hộ nghèo; cuộc sống người dân chủ yếu tự cung tự cấp, nhờ vào việc buôn bán ở khu du lịch động Phong Nha, động Tiên Sơn. Cái khổ nhất của thôn vẫn là đường giao thông.

Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị, xin với cấp trên xây một cây cầu qua Trằm Mé, nối tuyến đường Nguyễn Văn Trỗi (6km) với động Phong Nha. Như thế vừa phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống người dân; vừa nâng cao giá trị văn hóa, lịch sử và thúc đẩy sự phát triển của dịch vụ, du lịch. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có một dự án xây cầu nào. Nếu xây cầu bêtông kiên cố, dự kiến khoảng 7 tỉ đồng. Số tiền này thì xã không thể lo nổi”.


Chính quyền và người dân Sơn Trạch phải mòn mỏi chờ đến bao giờ sẽ có một cây cầu bắc qua sông Son ở trước cửa động Phong Nha-Kẻ Bàng? Bao giờ thì “lời nguyền” nghiệt ngã nhắm vào những người lái đò trên sông Son mới có cơ hội được xóa bỏ?


Theo Lao động
Bình luận
vtcnews.vn