Người J’Rai sinh sống chủ yếu sinh sống ở Gia Lai, Kon Tum, phía bắc tỉnh Đắk Lắk và phía tây tỉnh Phú Yên. Dân tộc J’Rai theo chế độ mẫu hệ, con cái theo họ mẹ nên người phụ nữ làm chủ trong gia đình, người chồng được bên nhà vợ cưới về cho con gái mình.
Để cưới chồng cho con gái, nhà gái phải chuẩn bị từ 3 - 5 con trâu, con bò làm của hồi môn và mổ thịt đãi buôn làng. Với gia đình giàu có thì lễ vật sẽ nhiều hơn và ăn uống kéo dài trong nhiều ngày. Sau khi lấy vợ, người đàn ông phải ở bên nhà vợ, không được thừa kế tài sản. Trái lại, con gái lấy chồng lần lượt tách khỏi cha mẹ ra ở riêng, được phân chia một phần tài sản.
Người J’Rai sống chủ yếu bằng nghề trồng trọt và đi rừng, lúa tẻ là cây lương thực chính, ngoài ra còn chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà phát triển. Xưa kia, khi rừng còn nhiều, người J’Rai còn thuần dưỡng và nuôi voi.
Cũng như các dân tộc khác trên dải đất hình chữ S, người J’Rai có một đời sống tinh thần và truyền thống văn hóa rất phong phú. Mỗi năm người J’Rai có nhiều lễ hội, trong đó có nhiều nghi lễ quan trọng như: lễ mừng lúa mới, lễ bỏ mả, lễ tạ ơn…
Tuy nhiên, người J’Rai không ăn Tết Nguyên đán vào đầu tháng giêng âm lịch như người Kinh. Thay vào đó, vào thời điểm mùa mưa vừa chấm dứt (từ tháng 11 năm trước đến hết tháng 4 dương lịch năm sau), khi mùa màng đã thu hoạch xong, người J’Rai ở tỉnh Gia Lai tổ chức Lễ bỏ mả (hay còn gọi là Pơ thi).
Lễ bỏ mả là lễ hội lớn nhất, đặc sắc và dài ngày bậc nhất của người J’Rai. Trong suốt thời kỳ bỏ mả, bà con trong buôn làng hầu như không làm, kéo nhau đến từng nhà để thưởng thức của ngon vật lạ. Mỗi khi nghe tiếng trống, cồng vang lên ở ngoài nghĩa địa là báo hiệu Lễ bỏ mả bắt đầu.
Theo quan niệm lâu đời của dân tộc này, người khi sống có hồn, khi chết hồn biến thành ma. Mục đích của lễ hội chính là tiễn đưa các “ma mới” về với thế giới tổ tiên, về với "ma cũ". Chỉ sau khi làm Lễ bỏ mả thì người chết mới đi về với thế giới tổ tiên, chấm dứt mọi ràng buộc giữa người sống với người chết.
Ngày xưa người J’Rai tổ chức lễ hội bỏ mả trong 7 ngày, nay chỉ còn 4 ngày, lần lượt là: ngày vào hội, ngày vỡ hội, ngày rửa nồi và ngày giải phóng cho người goá bụa.
Điều không thể thiếu trong Lễ bỏ mả của người J’Rai chính là việc đốn cây to làm hàng rào quanh mồ và dùng gỗ để đẽo tượng dựng quanh nhà mồ. Hiện nay kiến trúc nhà mồ, điêu khắc tượng nhà mồ trở thành những giá trị văn hóa, nghệ có một không hai của Việt Nam.
Lễ bỏ mả thường diễn ra vào buổi chiều, sau khi già làng làm lễ cúng xong, thân nhân của người quá cố vào nhà mồ khóc than lần cuối với người đã chết. Khi tiếng cồng chiêng, tiếng trống nổi lên cũng là lúc đoàn đưa tiễn gồm những người đánh trống, cồng chiêng, người đeo mặt nạ, người trình diễn những con rối, phụ nữ thì múa, họ đi vòng quanh nhà mồ biểu diễn những động tác theo tiếng nhạc.
Những người tham gia Lễ hội đều phải mặc những trang phục truyền thống lâu đời đậm nét trang nghiêm và sặc sỡ của dân tộc mình.
Những năm gần đây, cùng với sự phát triển vượt bậc của kinh tế cũng như độ phủ của truyền thông, người J’Rai tại Tây Nguyên cũng đã bắt đầu ăn Tết Nguyên đán như người Kinh. Tuy nhiên, việc đón Tết này rất đơn giản, không cầu kỳ và đặc sắc như những lễ hội trong suốt mùa xuân mà người J’Rai đã giữ nhiều thế kỷ nay.
Bình luận