• Zalo

Người giúp điều tra ra nhiều tài sản của ông Trần Bắc Hà là ai?

Pháp đìnhThứ Sáu, 27/03/2020 08:45:00 +07:00Google News

Hai cựu Phó tổng giám đốc BIDV đều khai bị ông Trần Bắc Hà gây sức ép liên tục, một trong hai người đã tích cực hợp tác với CQĐT chỉ ra nhiều tài sản của ông Hà.

CQĐT Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ án lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và cá nhân ông Trần Bắc Hà.

Kết luận điều tra khẳng định ông Hà đã có những vi phạm về hoạt động ngân hàng trong việc cấp tín dụng cho Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà vay 1.459 tỷ đồng để thực hiện dự án chăn nuôi bò giống, bò thịt tại Hà Tĩnh dẫn đến mất vốn.

Tháng 3/2015, ông Hà lợi dụng chức vụ Chủ tịch HĐQT BIDV trực tiếp làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Tĩnh để xúc tiến đầu tư đề nghị chấp thuận chủ trương dự án nuôi bò.

Người giúp điều tra ra nhiều tài sản của ông Trần Bắc Hà là ai? - 1

  Dự án chăn nuôi bò giống và bò thịt tại huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh. (Ảnh: Internet)

Ông đề nghị cấp đất và áp dụng chính sách ưu đãi cho liên doanh giữa công ty sân sau của mình là Công ty CP Tập đoàn An Phú (do con trai ông thành lập) với Công ty CP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (công ty đang có dự án chăn nuôi bò hiệu quả tại Gia Lai).

Sau đó, ông Hà lại dùng ba cá nhân không có năng lực tài chính và không có kinh nghiệm nuôi bò để thành lập công ty sân sau là Bình Hà để xin vay vốn tại BIDV.

Cấp dưới bị gây sức ép liên tục

Liên quan đến việc này, bị can Trần Lục Lang (cựu Phó tổng giám đốc BIDV phụ trách quản lý rủi ro) khai trên cơ sở báo cáo thẩm định rủi ro, ông thấy rằng Công ty Bình Hà và dự án chăn nuôi bò giống, bò thịt do công ty này làm chủ đầu tư tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Dù vậy tổ thẩm định chung và ban quản lý rủi ro vẫn thẩm định và đề xuất cho vay với các điều kiện ưu đãi hơn so với chính sách của BIDV. Do dự án này cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, công nghệ cao Chính phủ khuyến khích. 

Ban đầu ông Lang phê yêu cầu bổ sung thêm vốn tự có và tài sản đảm bảo của chủ đầu tư hoặc bên thứ ba phải đảm bảo tối thiểu 30% và ba cổ đông của công ty này phải chứng minh được năng lực tài chính đủ điều kiện đáp ứng điều kiện của ngân hàng để đảm bảo việc dự án có hiệu quả. Nhưng sau đó cấp dưới báo cáo lại cũng như ông Hà nói thẳng là "phê như thế này thì làm sao cho vay được...". Theo đó, ông Hà cho rằng nhiệm vụ của ông chỉ là duyệt trình như tổ thẩm định đã đề xuất.

Ông Lang khẳng định lúc đầu biết Công ty Bình Hà là sản phẩm liên doanh của Công ty An Phú và Công ty CP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai của ông Đoàn Nguyên Đức.

Mãi đến năm 2018 khi gặp ông Đức, ông Lang mới biết Công ty Bình Hà và dự án chăn nuôi bò tại tỉnh Hà Tĩnh do Công ty Bình Hà làm chủ đầu tư là của ông Hà. Ông Hà đã sử dụng công ty sân sau là công ty do con trai mình làm chủ tịch để xin cấp giấy phép đầu tư và thành lập Công ty Bình Hà để thực hiện dự án.

Công ty CP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai chỉ tham gia ban đầu, sau đó ông Hà đẩy ra khỏi Công ty Bình Hà để toàn quyền quản lý và điều hành Công ty Bình Hà và dự án chăn nuôi bò.

Bị can Đoàn Ánh Sáng (cựu Phó tổng giám đốc BIDV phụ trách khách hàng doanh nghiệp) khai ký báo cáo đề xuất thẩm định chung về dự án trên là do ông Hà nhiều lần thúc ép và chỉ đạo ráo riết.

Cụ thể: "Dự án có thiếu điều kiện gì thì cấp có thẩm quyền HĐQT ra quy định sẽ quyết định, cứ ký đúng thực trạng tổ thẩm định trình là thiếu điều kiện đó"...

Khi dự án chăn nuôi bò của Công ty Bình Hà bắt đầu đổ vỡ, ông Sáng và ông Phan Đức Tú (Tổng giám đốc) làm việc với ông Hà, yêu cầu phải có trách nhiệm khắc phục hậu quả và hoàn trả tiền cho BIDV. 

Khi đó, ông Hà đề nghị BIDV cho tái cơ cấu lại khoản vay của Công ty Bình Hà thêm vài năm, gia hạn lãi suất và thời hạn trả nợ. Khi đó ông Hà sẽ lấy doanh thu từ hoạt động đầu tư nông nghiệp tại Lào và Campuchia để trả nợ cho BIDV khoảng 200 tỷ đồng/năm đến khi hết dư nợ.

Đến nghỉ hưu thì đòi rút vốn

CQĐT cho rằng đối với bị can Lang, gia đình có nhiều người có công, bản thân giữ nhiều vị trí quan trọng, có nhiều đóng góp cho BIDV và sự nghiệp ngân hàng.

Quá trình điều tra bị can này luôn có thái độ hợp tác thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Đồng thời, ông Lang có khai báo được nhiều tài sản của ông Hà để CQĐT xác minh phục vụ kê biên, phong tỏa (trong đó có việc ông Hà đầu tư 10 triệu USD vào LaoVietBank) với mong muốn giảm thiểu tối đa thiệt hại để được hưởng khoan hồng.

Quá trình điều tra, ông Lang khai trong thời gian được BIDV cử sang Lào giữ chức vụ chủ tịch HĐQT LaoVietBank, giữa năm 2015, LaoVietBank tăng vốn điều lệ từ 10 triệu USD lên 100 triệu USD và thêm cổ đông mới là Công ty TNHH Souk Houng Heang (SHH) nắm giữ 10% vốn điều lệ.

Đến khi ông Hà nghỉ hưu tại BIDV, ngày 31-8-2016, ông Hà gọi điện thoại cho ông Lang yêu cầu được rút vốn tại LaoVietBank.

Khi đó ông Lang hỏi ông Đoàn Việt Nam (cựu tổng giám đốc LaoVietBank giai đoạn Công ty SHH góp vốn lúc này đã được điều về Việt Nam giữ chức vụ giám đốc BIDV - Chi nhánh Sở Giao dịch I). Ông Nam cho biết Công ty SHH là công ty của ông Hà thành lập bên Lào, nhờ ông Hiền Chitruen (người Lào gốc Việt) đứng tên.

Giai đoạn Công ty SHH đàm phán tham gia góp vốn, ông Hà sử dụng quan hệ của mình tại Lào gây sức ép với Ngân hàng Nhà nước Lào và Ngân hàng Ngoại thương Lào ép tăng vốn và bán 10% vốn điều lệ của phía Lào cho Công ty SHH.

Ông Nam còn cho ông Lang biết toàn bộ tiền Công ty SHH góp vốn vào LaoVietBank đều là tiền mặt. Lúc đầu bị Ngân hàng Nhà nước Lào phản ứng vì sợ rửa tiền. Nhưng về sau Công ty SHH lại được chấp nhận góp vốn bằng tiền mặt như trên.

Video: Cận cảnh dự án chăn nuôi bò của công ty Bình Hà khiến con trai ông Trần Bắc Hà bị khởi tố

Bình luận
vtcnews.vn