Thị trường chứng khoán Việt Nam mở màn năm Đinh Dậu 2017 với nhiều tín hiệu khả quan khi chỉ số VN-Index tăng khá mạnh. Các cổ phiếu đại gia dù tăng nhẹ hơn thị trường nhưng cũng giúp những người giàu nhất thị trường có thêm hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng. Trong đó, ông Trịnh Văn Quyết, người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam được “lì xì” 620 tỷ đồng nhờ cổ phiếu ROS và FLC.
Sau 2 phiên giao dịch đầu năm mới, cổ phiếu ROS tăng 2.000 đồng/CP lên 131.500 đồng/CP. Vốn hóa thị trường công ty cổ phần xây dựng Faros có thêm 860 tỷ đồng. Giá trị cổ phiếu ROS thuộc sở hữu của ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần tập đoàn FLC tăng 579 tỷ đồng lên 38.077 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, cổ phiếu FLC cũng đi lên khi tăng 360 đồng lên 5.510 đồng/CP. Điều đáng nói, FLC tăng trần trong phiên 3/2. Giá trị cổ phiếu FLC do ông Trịnh Văn Quyết nắm giữ tăng 41 tỷ đồng lên 629 tỷ đồng.
Như vậy, trong 2 phiên đầu năm Đinh Dậu, ông Trịnh Văn Quyết được thị trường chứng khoán Việt Nam “mở hàng” 620 tỷ đồng. Tại thời điểm cuối ngày 3/2, giá trị tài sản của ông Quyết đã đạt 38.697 tỷ đồng (khoảng 1,7 tỷ USD).
Với khối tài sản khổng lồ như vậy, ông Trịnh Văn Quyết đang vững vàng ở vị trí người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Chênh lệch tài sản giữa ông Quyết và ông Phạm Nhật Vượng ngày càng được nới rộng hơn khi tài sản của ông Vượng “đứng im” sau 2 phiên đầu tiên của năm Đinh Dậu 2017.
Với 1 phiên tăng 500 đồng/CP và 1 phiên giảm 500 đồng/CP, sau 2 ngày 2/2 và 3/2, cổ phiếu VIC của công ty cổ phần Tập đoàn Vingroup dừng ở mức không đổi 42.000 đồng/CP. Vì vậy, giá trị tài sản trên thị trường chứng khoán của ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vingoup và tài sản của hai Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Vingroup là bà Phạm Thu Hương và bà Phạm Thúy Hằng lần lượt dừng ở mức 30.410 tỷ đồng, 5.240 tỷ đồng và 3.501 tỷ đồng.
Trước khi năm Đinh Dậu bắt đầu, công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát khiến cổ đông hài lòng khi công bố những khoản lợi nhuận khủng. Thông tin này giúp cổ phiếu HPG khởi đầu năm mới với nhiều thuận lợi.
Sau 2 phiên giao dịch, cổ phiếu HPG tăng 900 đồng/CP lên 43.200 đồng/CP. Nhờ đó, tài sản trên thị trường chứng khoán của ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hòa Phát tăng 191 tỷ đồng lên 9.157. Ông Long vẫn đứng ở vị trí thứ 3 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam, ngay sau ông Phạm Nhật Vượng.
Cuối năm ngoái, Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam chứng kiến nhiều biến động lớn. Bên cạnh việc ông Trịnh Văn Quyết, vượt qua ông Phạm Nhật Vượng để trở thành người giàu nhất, sự kiện ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va vượt qua nhiều đại gia Việt để đứng ở vị trí thứ 4 cũng nhận được sự quan tâm lớn từ giới đầu tư chứng khoán.
Hiện tại, ông Bùi Thành Nhơn vẫn đứng ở vị trí thứ 4. Trong những ngày đầu năm Đinh Dậu, ông Nhơn được thị trường chứng khoán “lì xì” 38 tỷ đồng khi cổ phiếu NVL tăng 300 đồng/CP lên 60.900 đồng/CP. Hiện tại, ông Nhơn đang sở hữu khối tài sản trị giá 7.685 tỷ đồng.
Trong năm 2016, MWG của công ty cổ phần Thế giới di động nằm trong danh sách các mã tăng mạnh nhất năm. Có vẻ, đà tăng đó được duy trì trong những ngày đầu năm Đinh Dậu 2017. Sau 2 phiên “mở hàng”. Cổ phiếu MWG tăng 8.000 đồng/CP lên 168.000 đồng/CP.
MWG giúp tài sản trên thị trường chứng khoán của ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Thế giới di động tăng 184 tỷ đồng lên 3.864 tỷ đồng. Ông Tài đang là người giàu thứ 6 trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Không tham gia điều hành kinh doanh nhưng nhờ nắm giữ lượng cổ phiếu khổng lồ trong các công ty do chồng là Chủ tịch Hội đồng quản trị nên cả bà Lê Thị Ngọc Diệp và bà Vũ Thị Hiền đều lọt vào Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Đầu năm mới, bà Lê Thị Ngọc Diệp, vợ ông Trịnh Văn Quyết chứng kiến khối tài sản của mình tăng 40 tỷ đồng lên 2.630 tỷ đồng. Trong khi đó, tài sản của bà Vũ Thị Hiền, vợ ông Trần Đình Long tăng 55 tỷ đồng lên 2.653 tỷ đồng.
Trong Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam, bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần Vĩnh Hoàn là người duy nhất kém may mắn khi cổ phiếu VHC sụt giảm. Chốt phiên 3/2, cổ phiếu VHC dừng ở mức 55.900 đồng/CP sau khi giảm 600 đồng/CP. VHC khiến giá trị cổ phiếu VHC thuộc sở hữu của bà Khanh giảm 27 tỷ đồng.
Bình luận