• Zalo

Người giàu nhất Việt Nam: Buôn gỗ, làm bóng đá

Tổng hợpThứ Năm, 18/02/2010 01:46:00 +07:00Google News

Trong danh sách 100 người giàu nhất Việt Nam 2009, bầu Đức của HAGL dẫn đầu với khối tài sản 11.000 tỷ đồng, gấp đôi so với năm 2008…

Cuối năm 2009, tờ báo điện tử VnExpress đã công bố danh sách 100 người giàu nhất Việt Nam. Đứng đầu danh sách là ông Đoàn Nguyên Đức (chủ tịch CLB Hoàng Anh Gia Lai) với hơn 11 ngàn tỷ đồng, gấp đôi số tài sản năm ngoái. Chừng ấy tiền để nói chuyện nuôi một đội bóng ở V.League, xem ra cũng giống như người dân nuôi con gà, con vịt trong nhà.

Bầu Đức - Người có tài sản đồ sộ nhất Việt Nam. 

Song phàm là càng giàu, người ta càng tiếc từng đồng tiền của mình bỏ ra. Nó cũng như câu chuyện về ông Bill Gates xứ Mỹ rằng nhìn thấy đồng tiền 100 USD rơi ngay chân mình nhưng không thèm nhặt, vì thời gian cúi xuống lấy tờ bạc ấy chỉ chiếm vài giây nhưng cựu tỷ phú nước Mỹ có thể kiếm số tiền gấp nhiều lần mệnh giá 100 USD kia.

Cách đây không lâu, ngồi nói chuyện vui với ông Mai Liêm Trực - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục bưu điện, người cũng từng là Chủ tịch VFF khóa 4, ông Trực cũng đem chuyện Bill Gates ra nói: “Mọi người cứ nghĩ rằng giàu như Bill Gates rồi thì cần gì làm nữa, nhưng tôi nghĩ vấn đề của Gates không phải là chuyện kiếm ra bao nhiêu, bằng chứng là sau này, một phần lớn số tài sản khổng lồ ấy đã được tặng cho các hội từ thiện. Vấn đề ở đây làm đam mê, đam mê cống hiến cho xã hội, đam mê làm giàu…”.

Khi trở lại đề tài bóng đá, ông Trực khẳng định: “Người như anh Đức, với đam mê với bóng đá hoàn toàn có thể làm Chủ tịch VFF. Đôi khi những người làm việc không nghĩ đến tiền, thu lợi cho cá nhân lại chính là người đem lại lợi nhuận tốt nhất cho tổ chức. Ở mình, khi chọn lãnh đạo một tổ chức xã hội như VFF, cứ phải là một ông nào đó quan chức, có chuyên môn nhưng hỏi ngược lại là sẽ làm gì cho bóng đá thì rất mù mờ”.

Giờ đặt người giàu nhất Việt Nam với Bill Gates, bỗng nhiên cũng thấy nhiều tương đồng theo cách hiểu, cả hai không có trong tay lấy mảnh bằng Đại học nhưng họ là những sinh viên xuất sắc của Đại học Đời.

Nhưng chúng ta đang nói chuyện về bóng đá. Bóng đá chuyên nghiệp là tiền. Đó là định nghĩa ngắn nhất, chuẩn nhất. Thành tích mang lại danh tiếng, thương hiệu, tiền bạc. Tiền ấy lại xoay vòng mua cầu thủ giỏi, đầu tư vào CLB để lại sinh ra thành tích. Cứ như một vòng tròn khép kín. Vậy thì cần phải có thành tích trước hay tiền trước? Bầu Đức đã cho câu trả lời khi biến HA.GL từ chỗ gần như vô danh trên bản đồ bóng đá Việt Nam trở thành một thế lực. Sức mạnh ấy có được nhờ đôi cách đồng tiền.

Vậy thì lý giải tại sao, hai năm gần đây nhất, ông Đoàn Nguyên Đức luôn đứng đầu trong số những người giàu nhất Việt Nam thì thành tích của HA.GL có phần đi xuống? Một tỷ lệ nghịch mang tính bất thường trong kinh doanh. Ai dám ký cái roẹt cho một cầu thủ gốc Việt như Lee Nguyễn hưởng lương 10.000USD/tháng? Ai cùng lúc “bốc” hai cựu tuyển thủ Thái là Sakda, Nirut rồi "hô biến" họ trở thành người mang quốc tịch Việt Nam?

Với HA.GL, có lẽ vấn đề không phải là tiền mà sự chìm lắng tạm thời chính là cái giai đoạn mà CLB này từ bỏ khái niệm thành công “ăn xồi” với cung cách làm bóng đá chuyên nghiệp.

Suốt năm 2009, những từ người ta nghe thấy nhiều nhất là “khủng hoảng” thì bóng đá và V.League không tồn tại khái niệm ấy. Nếu lấy dấu mốc 10 năm, tính từ 2000 (khi V.League đầu tiên được tổ chức) thì tổng mức đầu tư cho tất cả các đội ở V.League đã gấp 10 lần, rơi vào khoảng trên 500 tỷ đồng. V.League là một cỗ máy ngốn tiền khổng lồ. Nhìn Thể Công - đội bóng đã chi tới hơn 70 tỷ cho một mùa giải nhưng cũng không thành công là một ví dụ.

Ông Đoàn Nguyên Đức rất yêu bóng đá. 

Nhìn lại khoản tiền 2 triệu USD thời điểm Strata còn nắm thương quyền V.League, mới thấy đó là con số hài hước, cho dù khi ấy, 2 triệu USD là “một cái gì đó thật khó hình dung”.

Xã hội thăng tiến vượt bậc, đến như một ông thầy còn dám tuyên bố mất trộm… 2 tỷ USD mấy năm trước thì tổng mức đầu tư của V.League tăng vùn vụt không phải là chuyện hoang đường.

Trở lại câu chuyện của những người giàu. Thời buổi bây giờ, con người ta (nhất là những người thành đạt) không thích nói đến quá khứ, kiểu như “40 năm trước, cậu bé Đoàn Nguyên Đức ngày ngày chăn trâu bên cạnh sân bay Phù Cát mơ ước ngày nào đó có… máy bay riêng”. Từ chuyện ngồi lưng trâu đến chuyện ngồi trên chiếc Beechcraft King Air 350 trị giá 7,5 triệu USD thì quả là một huyền thoại sống. Nhưng Ba Đức không nhìn về quá khứ để hưởng thụ mà nhìn vào tương lai, rằng không chỉ muốn làm người giàu nhất Việt Nam mà phải lọt vào danh sách của tạp chí Forbes - nơi chuyên điểm mặt những tỷ phú thế giới.

Chuyện ấy, nếu cứ đà tăng trưởng gần 100% hàng năm thì Forbes đến gõ cửa nhà ông ba Đức chẳng mấy hồi, nhưng NHM Việt Nam còn kỳ vọng xa hơn, rằng bao giờ thì HA.GL sẽ trở thành một trong những CLB hàng đầu Châu Á, và trở nên nổi tiếng thế giới? Rõ ràng đó là một câu chuyện dài.

Máy bay bầu Đức bị mất cắp?


Cuối năm rồi xuất hiện tin chiếc chuyên cơ Beechcraft King Air 350 trị giá 7 triệu USD của đại gia phố núi Đoàn Nguyên Đức bị một người lạ mặt rao bán trên trang web mua sắm. Tin nhắn có tiêu đề "Bán máy bay của Bầu Đức" với nội dung: "Máy bay thì oai, sài sang và tiện lợi, nhưng thời tiết xấu đành bó tay khỏi đi lại luôn. Đã thế cô bồ baby lại hay dỗi, thôi thì bán quách cho rồi. Ai mua bán rẻ đó. Hà 09832066**".

Cứ tưởng máy bay của bầu Đức bị mất cắp rồi bị… rao bán!

Tất nhiên, số điện thoại trên bỗng trở nên… vô chủ và liên tục trong trạng thái ngoài vùng phủ sóng, còn bầu Đức khi biết chuyện thì chỉ cười nhưng cũng muốn tìm hiểu nguyên nhân tại sao lại có chuyện đùa mà như thật này.

Theo Báo Thể thao 24h
Bình luận
vtcnews.vn