Xã Bình Dương, huyện Thăng Bình (Quảng Nam) có hơn 150 người khuyết tật, thì trong đó có nhiều người tàn tật vì tai nạn giao thông.
Người câm điếc
Trong căn nhà vắng lặng, một người đàn ông tuổi gần 50, ngồi trên võng đong đưa, chúng tôi gọi hỏi nhà, nhưng ông có vẻ không nghe thấy. Một người đàn bà bước ra mở cửa. Bà Đỗ Thị Chín, 47 tuổi, xót xa: “Ông ấy nghe không rõ đâu, có hỏi ông cũng không nói được. Từ ngày bị tai nạn giao thông rồi câm luôn”. Người đàn ông đó là chồng bà Chín, ông Phan Tỵ.
Ba năm trước, một buổi tối, trên đường chạy xe máy đến người cháu cùng xóm, ông Tỵ bị mất lái va phải trụ cột bên đường. Vì chủ quan gần nhà nên ông Tỵ không đội mũ bảo hiểm. “Truyền những 7 bịch máu, phía bên trái đầu ông bị bể, bác sĩ phải phẫu thuật gắp xương ra, khiến đầu ông bây giờ bị sụt lõm.
Nhiều nạn nhân của tai nạn giao thông đều nằm trong tuổi lao động |
Nhưng cũng từ đó, ông không thể nói được nữa, đôi khi chỉ ú ớ vài từ. Tôi phải dạy đếm từng con số, cũng chẳng thể đếm tới 10 được”, bà Chín kể. Từ ngày về nhà, ông Tỵ uống hết thuốc tây rồi thuốc bắc vẫn không thể phục hồi khả năng nói. Ông được xã liệt vào danh sách khuyết tật.
Đau đớn nhất vẫn là bà Chín, khoảng 4 ngày sau vụ tai nạn của người chồng, bà tiếp tục chứng kiến người con rể đầu bị tai nạn giao thông, rồi con gái đầu bị sảy thai. “Thằng rể lái xe cho công ty trên đường từ Huế vào Đà Nẵng thì bị mất lái, đâm vào tấm bia trên đường, xe bị lật. Người ta không cứu được nó, tôi chỉ thương con gái tôi, mất chồng, mất con trong chốc lát”, bà Chín bật khóc.
Kẻ điên khùng
Bà Phạm Thị Dề, 78 tuổi (thôn 6, xa Bình Dương) một mình nuôi đứa cháu nội Hà Văn Hoàng, nay đã 19 tuổi. Hoàng trở nên điên dại từ sau một vụ tai nạn giao thông. Bà Dề kể lại, hồi Hoàng học lớp 8, một lần đạp xe đi chơi với bạn bè thì bị xe tông phải.
Sau khi phẫu thuật về, Hoàng như người điên, suốt ngày lang thang ngoài đường, nhiều lúc cả ngày không về nhà, không biết ăn uống gì. Con đường học tập tất nhiên chấm hết. Con trai bà số phận cũng thậm khổ. Nhà có 3 anh em, Hoàng là con út, mẹ Hoàng mất khi nó mới biết ngồi.
Năm đó, mẹ và ba nó đang đi làm khoai ở ngoài đồng, mẹ nó đột nhiên ngã ra giữa đồng rồi chết luôn như người bị tai biến. Giờ đây trong căn nhà tình nghĩa vắng lặng, chỉ mình bà Dề chăm Hoàng thay cho người cha phải làm lụng trả tiền nợ chồng chất.
Tại thôn 2 Bình Dương, lâu nay bà Nguyễn Thị Hà, 66 tuổi, lầm lũi nuôi người con trai Huỳnh Ngọc Chúc, 28 tuổi, tàn tật vì tai nạn giao thông. Anh Chúc lang thang ngoài đường, đến tối mới về. Bà Hà lặng lẽ đi theo, nói với các chủ quán cứ bán cho nó đến cuối tháng bà trả tiền. Cứ thế, lưng người mẹ chồng chất những gánh nặng.
Năm năm trước, anh Chúc thử việc công nhân tại một công ty ngoài Đà Nẵng, mới được 3 tháng, một tối đi làm về thì gặp tai nạn. Sau 3 lần phẫu thuật, giờ anh Chúc như đứa con nít, không nhớ được gì. Chỉ 1 năm sau đó, chồng bà tai biến qua đời đột ngột. Con gái bà lấy chồng, nhưng cũng nghèo. Bệnh càng lâu, càng tái phát, cặp mắt anh Chúc chỉ nhìn thấy được một bên, nhưng cũng chỉ 20%. Giờ bà trông vào mớ rau, mảnh ruộng, đói nghèo vây bủa.
Tất cả những nạn nhân của tai nạn giao thông đều nằm trong tuổi lao động. Ông Đặng Văn Hùng, Phó chủ tịch xã Bình Dương, nhận định: “Những vụ tai nạn giao thông đều để lại mất mát, những thanh niên, trụ cột gia đình, những người nằm trong độ tuổi lao động sau tai nạn, thân thể không lành mạnh, không lao động được nữa, gia đình phải nuôi chăm sóc, đó là gánh nặng lên kinh tế gia đình”.
Video: Tai nạn giao thông ngã tư Sở Sao Bình Dương
Nguồn: Tiền Phong
Bình luận