Người đất cảng bí ẩn đứng sau những vụ 'lật kèo' nổi tiếng V-League

Bóng đá Việt NamThứ Hai, 06/07/2020 12:53:00 +07:00
(VTC News) -

Lịch sử V-League không thiếu những vụ “lật kèo” trên thị trường chuyển nhượng và trong số đó được đạo diễn bởi một người bí ẩn ở đất cảng.

Người đất cảng bí ẩn đứng sau những vụ 'lật kèo' nổi tiếng V-League  - 1
Người đất cảng bí ẩn đứng sau những vụ 'lật kèo' nổi tiếng V-League  - 2

Căn nhà số 200 đường Cầu Đất, thành phố Hải Phòng lâu nay vốn là cửa hàng sửa chữa máy tính. Ông chủ cửa hàng ấy là Trần Hoài Nam – con trai của HLV lão làng Trần Văn Phúc.

Giống như cha, Hoài Nam từ bé đã mê bóng đá và nuôi mộng trở thành cầu thủ. Lên 5 tuổi, anh phải phẫu thuật đắp xương. Biến cố này khiến con đường trở thành cầu thủ của Hoài Nam trở nên mờ mịt. Phải đến năm 17 tuổi, với niềm đam mê cháy bỏng cùng quyết tâm không từ bỏ, anh mới được theo tập bài bản ở trung tâm. Nhưng một lần nữa, chấn thương cổ chân gần vết mổ năm xưa buộc Hoài Nam phải giã từ giấc mơ cầu thủ.

Nghỉ tập bóng đá, anh về theo học ngoại ngữ rồi bén duyên với nghề công nghệ thông tin. Cuộc sống tưởng như gắn mãi với con chuột, bàn phím và các linh kiện… thì bất ngờ Hoài Nam nhận được lời mời giúp người bạn vừa đảm nhận vị trí Giám đốc điều hành CLB bóng đá Xi măng Hải Phòng (sau khi nhà máy Xi măng Hải Phòng tiếp quản đội bóng Vạn Hoa Hải Phòng vừa thăng hạng) trong việc tìm kiếm, chiêu mộ ngoại binh.

“Tôi không có chút kiến thức nào về chuyển nhượng cầu thủ. Bằng đam mê, cộng với việc hay đi xem bóng đá, đọc báo, tôi kết nối với một số người bạn làm báo, làm cầu thủ để tạo dựng các mối quan hệ cho công việc mới. Tất nhiên, cái gì lần đầu cũng bỡ ngỡ nhưng phải nói thật, tôi bắt nhịp khá nhanh nhờ có đam mê mãnh liệt", anh Trần Hoài Nam kể về con đường đến với công việc “săn ngoại binh” cho đội bóng đất cảng.

Người đất cảng bí ẩn đứng sau những vụ 'lật kèo' nổi tiếng V-League  - 3

Anh Trần Hoài Nam, người từng lo việc tuyển ngoại binh cho CLB Hải Phòng. (Ảnh: Ngọc Anh)

Người đất cảng bí ẩn đứng sau những vụ 'lật kèo' nổi tiếng V-League  - 4

Hải Phòng trở lại sân chơi V-League năm 2008 sau một mùa thi đấu ở Hạng Nhất. Lúc đó, CLB chỉ có Ngọc Thanh là tiền đạo đúng nghĩa. Đặng Văn Thành vẫn là cầu thủ trẻ, năng lực chưa có gì xuất sắc. Điều này bắt buộc Xi măng Hải Phòng phải có sự bổ sung tiền đạo ngoại.

“Tôi đặt lên bàn cân giữa Philani Kubheka và Elenindo De Jesus. Nhưng đưa Philani về Hải Phòng thời điểm ấy thực sự quá khó nên tôi quyết định chọn De Jesus”, anh Nam hào hứng nói về thương vụ đầu tiên của mình.

“Elenindo De Jesus lúc đó là người của Cảng Sài Gòn và cùng với Helio Da Silva Assis là hai ngoại binh chất lượng của đội bóng này. Bởi vậy, Cảng Sài Gòn rất hi vọng bộ đôi cầu thủ người Brazil sẽ tiếp tục cống hiến cho đội bóng vài ba năm nữa. Thông qua kênh cá nhân, tôi liên hệ được với Mauro, người đại diện của hai ngoại binh Cảng Sài Gòn, đồng thời cũng là Chủ tịch đội bóng Matsubara của Brazil”, anh Nam kể tiếp.

Đến đây, anh dừng lại, giới thiệu cho chúng tôi rõ hơn về Mauro – người trước khi là một siêu cò tại thị trường Việt Nam chỉ là dân buôn gỗ.

“Mauro là người Brazil gốc Nhật, có nhiều năm sống tại Brazil. Sau khi lấy vợ, sang Việt Nam làm kinh doanh, thấy thị trường chuyển nhượng ở đây màu mỡ, béo bở, nên trở về, Mauro sử dụng đội bóng Matsubara là trạm chung chuyển cầu thủ”, anh Nam chia sẻ.

“Mauro nói với tôi rằng, kết thúc mùa bóng trước, cả Jesus và Helio đều đã ký hợp đồng ghi nhớ với Cảng Sài Gòn. Họ sẽ trở lại để gia hạn hợp đồng sau kỳ nghỉ. Thấy được “điểm nhạy cảm” này, tôi nhờ một bạn nói thẳng với Mauro về việc muốn chiêu mộ Jesus cho Hải Phòng với điểm nhấn “giá cả không thành vấn đề” khi được lãnh đạo đội bóng “bật đèn xanh”.

Người đất cảng bí ẩn đứng sau những vụ 'lật kèo' nổi tiếng V-League  - 5

De Jesus trong màu áo Hải Phòng. (Ảnh: Quang Minh)

Giá của Jesus lúc ấy khoảng 40.000 đến 50.000 USD, cộng với lương khoảng 5.000 USD nữa. Mauro là dân buôn, thấy trả giá cao thì gật đầu ngay. Nhưng ông ta cũng rất quái. Khi biết Hải Phòng chỉ muốn có De Jesus, ông ta ra điều kiện phải lấy cả Helio mới đồng ý.

Chúng tôi cũng chấp nhận luôn vì đằng nào Hải Phòng chưa có cầu thủ ngoại, nay được cả 2 cầu thủ chất lượng thì còn gì bằng. Vấn đề còn lại làm sao chốt được hợp đồng khi cả Mauro, De Jesus và Helio vẫn đang ở Brazil nghỉ phép.

Tôi tư vấn ban lãnh đạo thảo sẵn một hợp đồng chuyển nhượng (cầu thủ Nam Mỹ trước đây thường có bên thứ ba nắm một phần quyền sở hữu) fax sang Brazil để Mauro ký vào rồi gửi ngược trở lại. Mọi thứ mất thêm 1 tuần. Khi cầm được hợp đồng trong tay rồi mà chúng tôi vẫn sợ tuột mất. Chúng tôi được lệnh tuyệt đối không tiết lộ thông tin ra ngoài. Phải đến khi Helio và De Jesus sang, chúng tôi đưa xe lên sân bay đón về khách sạn rồi ký tiếp bản hợp đồng cuối cùng giữa cầu thủ với CLB, mọi thứ mới thở phào”, anh Nam kể.

Khi De Jesus và Helio cùng đặt bút ký gia nhập Hải Phòng cũng là lúc báo chí biết đến vụ chuyển nhượng đình đám này. Cảng Sài Gòn tất nhiên ngã ngửa.

Sau Elenildo De Jesus và Helio Da Silva Assis, với quy trình kể trên, Hải Phòng lấy thêm được Bernard Achaw - trung vệ ngoại hay nhất V-League lúc bây giờ từ SHB Đà Nẵng. Và cũng bởi thương vụ Bernard Achaw mà đội bóng sông Hàn coi Hải Phòng là đối thủ “không đội trời chung”.

Mở màn V-League 2008, Hải Phòng đụng ngay Đà Nẵng ở Chi Lăng – sân đấu mà đội bóng đất cảng toàn thua kể từ khi có V-League. Nhưng mùa bóng năm ấy, Hải Phòng giành chiến thắng nhờ có bộ đội trung vệ ngoại Fabio và Bernard Achaw khóa chặt “hung thần” Almeida.

Cũng từ trận đấu này, HLV Vương Tiến Dũng có một bước thay đổi quan trọng về chiến thuật. Và đây chính là tiền đề để Leandro – người về đất cảng dưới bàn tay đạo diễn đầy bất ngờ của anh Trần Hoài Nam - bước ra ánh sáng.

… Còn nữa

Hà Thành - Ngọc Anh
Bình luận
vtcnews.vn