Đến sáng 7/10, các địa phương ở miền Tây vẫn đang tiếp nhận nhiều người dân trở về từ TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An sau khi các tỉnh, thành này nới lỏng giãn cách xã hội.
Hỗ trợ chi phí cách ly xét nghiệm
Trả lời VTC News, ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, mặc dù những ngày qua, người dân tự phát di chuyển về quê với số lượng lớn và đột ngột nhưng lực lượng chức năng và các tổ chức đoàn thể trong tỉnh đã kịp thời phối hợp, phản ứng nhanh để tổ chức tiếp nhận, cách ly y tế bảo đảm an toàn theo quy định.
Địa phương cũng kịp thời huy động các nguồn lực để bố trí đầy đủ các điều kiện ăn, nghỉ cho người dân tại các cơ sở cách ly.
Theo ông Đoàn Tấn Bửu, dù địa phương còn nhiều khó khăn nhưng vẫn miễn phí toàn bộ chi phí xét nghiệm, cách ly với những người trở về từ TP.HCM, Bình Dương, Long An và Đồng Nai trong thời gian này.
“Trong thời gian cách ly tỉnh sẽ lo cho bà con. Tỉnh sẽ miễn phí xét nghiệm, miễn phí tiền ăn uống khoảng 80.000 đồng/ngày và nhu yếu phẩm 40.000/ngày. Địa phương sẽ cố gắng lo các chi phí và vận động xã hội hoá”, ông Đoàn Tấn Bửu thông tin.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp khuyến cáo nếu không thật sự cần thiết, người lao động nên ở lại các tỉnh chờ khôi phục lại sản xuất.
UBND TP Cần Thơ vừa có tờ trình gửi Thường trực Thành ủy về việc ban hành Kế hoạch tổ chức tiếp nhận, cách ly người dân Cần Thơ về từ vùng dịch.
Theo tờ trình, tất cả người dân về từ vùng dịch được hưởng các chính sách hậu cần theo quy định và các chính sách của thành phố, được xét nghiệm COVID-19 miễn phí trong thời gian cách ly.
Người phải điều trị, cách ly tập trung được hỗ trợ tiền ăn trong thời gian điều trị cách ly tập trung với mức 80.000 đồng/người/ngày theo thời gian thực tế cách ly, điều trị. Ngoài ra còn được hỗ trợ chi phí điều trị, chăm sóc y tế tại cơ sở điều trị, cơ sở cách ly theo quy định.
Còn người thực hiện cách ly tại nhà được hỗ trợ gạo với mức 15kg gạo/người. Hỗ trợ khẩn cấp với mức 500.000 đồng/người.
An Giang không để người dân thiếu đói
An Giang là một trong các địa phương ở miền Tây có số người lao động trở về đông nhất trong những ngày qua. Các trường hợp xét nghiệm âm tính được địa phương cho phép cách ly tại nhà.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo thành lập Ban Tổ chức tiếp nhận công dân An Giang từ các tỉnh, thành phố tự phát trở về.
Đồng thời, yêu cầu các địa phương khi cách ly người dân tại nhà, phải dán bảng cảnh báo căng dây phía trước để người dân biết, giám sát; giao tổ dân phố, khóm, ấp theo dõi hàng ngày.
Đối với những hộ dân có hoàn cảnh khó khăn, lãnh đạo tỉnh An Giang yêu cầu các địa phương phải vận động nguồn lực hỗ trợ, không để người dân thiếu đói. Kêu gọi sự hỗ trợ của xã hội, chung tay chăm lo cho người dân tha hương trở về.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các hội, đoàn thể các cấp ở An Giang cũng nỗ lực chăm lo, nấu cơm nấu cháo, mì gói, bánh mì, cung cấp nước uống, thuốc men... để người dân yên tâm, cảm thấy ấm lòng khi được quê hương đùm bọc.
Theo UBND tỉnh An Giang, ở những nơi điều kiện nhà ở không đảm bảo cách ly y tế tại nhà, nhiều chủ nhà trọ, nhà nghỉ, khách sạn sẵn sàng dành chỗ để bà con cách ly miễn phí.
Còn tại Bến Tre, ông Ngô Văn Tán, Giám đốc Sở Y tế tỉnh cho biết, ngành chức năng đã tiếp nhận hơn 4.000 người dân Bến Tre từ TP.HCM và các tỉnh lân cận tự phát trở về địa phương. Địa phương cũng vừa tổ chức thêm 1 đợt đón 600 công dân từ TP.HCM về theo diện đăng ký có kế hoạch.
Theo ông Ngô Văn Tán, người dân về quê tự phát vẫn còn khá nhiều, nguy cơ lây lan dich bệnh có thể xảy ra. Việc kiểm soát chặt chẽ người về nhằm tránh làm lây lan dịch bệnh rất quan trọng. Đối với công dân từ địa phương khác trở về tỉnh sẽ cách ly tập trung 7 ngày, cách ly tại nhà 7 ngày.
“Địa phương tranh thủ tối đa nguồn xã hội hóa để lo cho bà con, bảo đảm an toàn, không để bà con thiếu thốn hay xảy ra nguy cơ lây nhiễm chéo trong khu cách ly. Chi phí cách lỵ cụ thể địa phương chưa bàn tới, ưu tiên công tác cách ly đúng quy định đảm bảo an toàn cho bà con trước đã”, ông Ngô Văn Tán thông tin.
Bình luận