Video: Người dân Thái Bình hiến đất làm đường xây dựng nông thôn mới
Thông tin với PV VTC News, ông Nguyễn Ngọc Nhường – Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình) cho biết, đến thời điểm hiện tại, Quỳnh Phụ là huyện có phong trào hiến đất làm đường cao nhất cả nước.
Cụ thể, mới chỉ tính riêng 2 tuyến đường ĐH78 và ĐH76 qua một số xã như An Thái, Quỳnh Ngọc, người dân đã hiến đất trị giá khoảng 30 tỷ đồng.
“Việc làm này giúp tiết kiệm cho ngân sách khoảng 30 tỷ đồng, tương đương mức đầu tư một công trình giao thông đường huyện”, ông Nhường phấn khởi chia sẻ.
'Chưa Tết nào vui như Tết này'
Chỉ tay ra tuyến đường khang trang, rộng rãi trước mặt, ông Phạm Văn Vạn (72 tuổi, thương binh 3/4, ở thôn Đông Châu, xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Phụ) cho biết, tuyến đường giao thông ĐH78 nối liền 3 xã Quỳnh Hoàng - Quỳnh Lâm - Quỳnh Ngọc (Quỳnh Phụ) trước đây chỉ rộng 4m, nhiều ổ gà, ổ trâu, rất khó đi.
Thực hiện chủ trương mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn, xây dựng nông thôn mới, cấp ủy Đảng, chính quyền xã Quỳnh Ngọc mở đợt vận động, tuyên truyền cho nhân dân tích cực hiến đất làm đường. Chủ trương này được đại đa số nhân dân ủng hộ.
“Chúng tôi thấy đây là việc làm rất tuyệt vời của thời đại mới. Mở mang đường giao thông nông thôn, xây dựng nông thôn mới, đường sá phải phong quang, sạch đẹp nên nhân dân đều đồng tình hiến đất làm con đường này chứ không hề đòi hỏi gì”, ông Vạn chia sẻ.
Ông Vạn cho biết, gia đình ông hiến hơn 100m2 đất thổ cư với giá trị khoảng 400-500 triệu, đất canh tác hơn 100m2. Ngoài việc hiến đất làm đường, người dân địa phương cũng được bồi thường, hỗ trợ thỏa đáng một số cây cối, công trình khác.
“Như gia đình bác Khuê đây, cả một dãy dài hàng chục mét mặt đường với bao cây cối nhưng đều hiến cho nhà nước mở đường chứ không đòi hỏi gì. Đợt này nhân dân chúng tôi rất phấn khởi, vui mừng khi nhà nước có chủ trương mở rộng đường xây dựng nông thôn mới. Đường giao thông liên huyện, liên tỉnh đều to đẹp, rộng hơn trước nhiều, đi lại thoáng đãng và giao thông an toàn”, ông Vạn nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Cường (SN 1950, ở thôn Tân Mỹ, xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Phụ) cho biết, trước đây tuyến đường này hai bên cỏ mọc um tùm, rãnh thoát nước hôi thối, bẩn thỉu. Hiện đường được mở rộng thành 9m, hai bên đều có hành lang, hệ thống thoát nước sạch sẽ.
Gia đình ông Cường có 5 suất đất mặt đường, chiều dài 100m. Nhà nước mở đường lấy vào 2m với tổng diện tích hơn 200m2 đất, tính giá cả thị trường ở thời điểm hiện tại lên đến 1,4 tỷ đồng.
“Đất là đất của nhà nước, nhà nước dùng đến thì hiến cho nhà nước, nhân dân cùng làm và cùng hưởng chung. Như gia đình tôi ở ngay mặt đường là được hưởng tiện lợi trước, để xe ô tô thoải mái. Cán bộ về đây vận động bà con nhất trí, hưởng ứng hết, không ai có ý kiến gì khác. Gia đình tôi may mắn có 5 suất đất mặt đường ở đây mới hiến chứ trong ngõ thì ai dùng mà hiến", ông Cường cười nói.
Theo ông Cường, hiến đất cho nhà nước thì người dân địa phương là những người đầu tiên được hưởng quyền lợi, thuận tiện đi lại và sinh hoạt.
“Chưa bao giờ chúng tôi có được cái Tết như năm nay. Anh em đi làm ăn xa về, xe cộ đi lại thông thoáng, bà con đều phấn khởi. Từ trước đến giờ người dân chúng tôi không nghĩ lại có con đường đẹp như thế này. Có bà con đi làm ăn xa 5, 7 năm, hoặc hơn 10 năm về thấy quê hương mình đổi mới thế này phấn khởi lắm. Nói chung Tết năm nay hơn hẳn mọi năm”, ông Cường vui mừng chia sẻ.
Ông Nguyễn Hữu Bằng (Chủ tịch Hội đồng mục vụ Giáo xứ Tân Mỹ, xã Quỳnh Ngọc) cho biết, Tân Mỹ là thôn gần như Công giáo toàn tòng. Sau khi có nghị quyết của Đảng bộ xã Quỳnh Ngọc, Cha xứ, Ban hành giáo đã tích cực tuyên truyền vận động bà con giáo dân hưởng ứng hiến đất mở rộng tuyến đường qua thôn.
Nhờ sự đồng thuận và triển khai rất nhanh chóng của bà con giáo dân đã giúp cho công việc mở rộng tuyến đường này được thuận tiện. Trong số 161 hộ dân hiến đất làm đường có 30 hộ thuộc Giáo xứ Tân Mỹ.
"Khi con đường đưa vào sử dụng, nó đã làm thay đổi diện mạo của thôn Tân Mỹ cũng như xã Quỳnh Ngọc và cũng sẽ làm cho kinh tế thôn Tân Mỹ sẽ phát triển đi lên", ông Bằng tin tưởng.
Sự lan tỏa của phong trào hiến đất làm đường
Thông tin với PV VTC News, ông Phạm Văn Tập – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Quỳnh Ngọc (Quỳnh Phụ, Thái Bình) cho biết, Quỳnh Ngọc là xã thuần nông, nằm xa trung tâm của huyện, sản xuất nông nghiệp là ngành kinh tế chủ lực, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, nguồn thu ngân sách xã hạn hẹp.
Vì vậy khi được UBND huyện thông báo quyết định đầu tư Dự án tuyến đường giao thông ĐH78 nối liền 3 xã Quỳnh Hoàng - Quỳnh Lâm - Quỳnh Ngọc tiếp giáp với đường tỉnh lộ 452, có tổng chiều dài 3,85km qua 3 thôn Quỳnh Lang, Đông Châu, Tân Mỹ (xã Quỳnh Ngọc), cán bộ, đảng viên và nhân dân rất phấn khởi.
Tuyến đường hoàn thành và đưa vào sử dụng là thời cơ để Quỳnh Ngọc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao tốc độ và chất lượng tăng trưởng. Song, nỗi lo của cấp ủy Đảng, chính quyền cũng không ít, trong đó giải phóng mặt bằng luôn là khâu tốn kém thời gian và kinh phí nhất trong các dự án đầu tư công từ trước đến nay trên địa bàn xã nói riêng và huyện nói chung.
"Đảng ủy, chính quyền xã xác định đây là chủ trương mới, việc làm mới, khó khăn, phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của người dân về tiền bồi thường giá đất theo quy định của nhà nước, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh trật tự tại cơ sở... do đó cần có sự tập trung vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị.
Mỗi cán bộ, đảng viên, trong đó vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền, sự vào cuộc Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; đoàn viên, hội viên phải được triển khai một cách đồng bộ, nhất quán, kịp thời là khâu chủ yếu quyết định thành công của dự án", Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Quỳnh Ngọc nói.
Theo ông Tập, để người dân hưởng ứng phong trào hiến đất làm đường, công tác thông tin, tuyên truyền được xã đặc biệt chú trọng. UBND xã giao cho Đài truyền thanh xã, Ban văn hóa thông tin tuyên truyền sâu rộng các chủ trương của huyện, trong đó chú trọng vận động nhân dân tự nguyện góp quyền sử dụng đất không đòi lại để thực hiện dự án.
Sau khi xây dựng kế hoạch cụ thể, đồng bộ, Đảng ủy xã chỉ đạo cho 3 chi bộ thôn có dự án đường đi qua tổ chức họp chi bộ kỳ bất thường ra nghị quyết chuyên đề để tổ chức thực hiện.
"UBND xã thành lập đoàn công tác xuống họp với các hộ, gặp gỡ trao đổi với 2 cơ sở tôn giáo có diện tích đất thuộc diện phải giải tỏa, để làm công tác vận động, tuyên truyền nhân dân, cơ sở tôn giáo, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Đồng thời, UBND xã phối hợp với Trung tâm Phát triển quỹ đất trích đo, trích lục bản đồ, lên danh sách diện tích của các hộ gia đình và cơ sở tôn giáo cần thu hồi", ông Tập chia sẻ.
Cụ thể, toàn xã có 161 hộ nằm trong diện phải giải tỏa với tổng diện tích là 4.236,2m2; trong đó có 82 hộ thuộc hạng đất ở, với 2.000m2; 79 hộ thuộc hạng đất khác với 1.973,8m2; 2 cơ sở tôn giáo là Giáo Xứ Tân Mỹ, Giáo Xứ Quỳnh Lang với diện tích 262,4m2 .
Với phương châm kiên quyết, kiên trì, bền bỉ, liên tục và xuyên suốt, đồng thời bảo đảm công khai, minh bạch, tăng cường vai trò trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, Chính quyền; huy động sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị đã làm chuyển biến sâu sắc trong nhận thức, ý thức, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Quỳnh Ngọc thực hiện chủ trương trên.
Từ 17/7/2021, việc kiểm đếm tài sản, cây cối hoa màu trên đất được thực hiện và chỉ sau 3 ngày, 100% hộ nhân dân đã đồng thuận, tự nguyện ký đơn hiến đất.
Tiêu biểu là gia đình ông Nguyễn Văn Cường cùng các con đã hiến trên 200m2 đất ở trị giá trên 600 triệu đồng, gia đình thương binh hạng 3/4 Phạm Văn Vạn, ông Bùi Xuân Thành đều hiến trên 200m2 đất, trong đó có hơn 50m2 đất ở, trên 150m2 đất nông nghiệp.
Ngoài ra, hàng chục hộ gia đình hiến diện tích đất nông nghiệp từ 100m2 đến trên 200m2… Giáo xứ Quỳnh Lang, Tân Mỹ cũng hoà trong phong trào chung của toàn xã hiến 262,4m2. Tổng tiền đất người dân hiến ước tính khoảng trên 10 tỷ đồng; tài sản trên đất khoảng 1,5 tỷ đồng.
“Có thể nói, cuộc vận động nhân dân tự nguyện góp quyền sử dụng đất cho nhà nước không đòi lại để mở rộng, nâng cấp đường giao thông trên địa bàn xã Quỳnh Ngọc đã thành công tốt đẹp.
Phong trào này đã góp phần làm thay đổi nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về quyền lợi và nghĩa vụ công dân của mình đối với việc thực hiện chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước; về sự chung sức, đồng lòng của nhân dân cùng với cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”, ông Tập đánh giá.
Ông Nguyễn Ngọc Nhường – Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Quỳnh Phụ cho biết thêm, ngoài hàng chục công trình nhân dân hiến đất đã và đang thi công thì hiện nay, phong trào hiến đất làm các công trình hạ tầng giao thông, công trình phúc lợi của các địa phương, nhân dân các xã cũng thi đua nhau viết đơn hiến đất gửi về Trung tâm Phát triển quỹ đất của huyện để được huyện cho phép chủ trương đầu tư.
Điển hình là nhân dân thôn Mai Trang, xã An Quý, đã hiến hàng nghìn m2 đất nông nghiệp và vài trăm m2 đất ở để thực hiện các công trình giao thông và công trình phúc lợi xã hội khác.
“Thông qua phong trào hiến đất làm đường xây dựng nông thôn mới nêu trên, một lần nữa chúng tôi khẳng định vai trò to lớn của nhân dân trong công cuộc xây dựng, kiến thiết quê hương, xây dựng nông thôn mới theo chủ trương của Đảng và Nhà nước”, ông Nhường nói.
Bình luận