• Zalo

Người đàn ông "mũi điếc" sông Kim Ngưu

Bạn đọc viếtThứ Tư, 13/04/2011 04:34:00 +07:00Google News

(VTC News) - "Trở thành công nhân Công ty thoát nước là một trong những quyết định sáng suốt nhất của đời tôi."

(VTC News) - Hội chứng sợ “Trâu vàng” là câu nói đùa của không ít người mỗi khi nhắc đến sông Kim Ngưu - “con sông chết” đang bị ô nhiễm nặng của Hà Nội. Ấy thế mà có rất nhiều “mũi điếc” thầm lặng gắn bó tâm sức mình với lòng sông đen ngòm, bốc mùi ấy, đến nỗi chẳng may bị ốm nằm nhà vài hôm, lại thấy… nhơ nhớ vị tanh của rác sông, như “Mũi điếc” Trịnh Hữu Vân thổ lộ.

 

Cơ duyên được báo trước

 

14 năm trước, anh công nhân Trịnh Hữu Vân đã khiến gia đình, bạn bè mình được phen bất ngờ khi quyết định thôi việc tại nhà máy phân lân Văn Điển (Hà Nội), để chuyển sang làm công nhân Công ty thoát nước Hà Nội (đơn vị quản lý lòng sông). Công việc của anh ở nhà máy lúc ấy rất được, thu nhập ổn định hơn rất nhiều so với mức lương ít ỏi ở Công ty thoát nước. Thế nhưng, mỗi lần đi qua sông Kim Ngưu, anh lại không dằn được cảm giác nuối tiếc về dĩ vãng thơ mộng của con sông có cái tên rất điển tích ấy.

 

Sinh ra và lớn lên ở một làng ven đô, tuổi thơ anh cũng như những người bạn hàng xóm tràn đầy những kỷ niệm khó quên với sông Kim Ngưu mỗi lần đi học về.

 

Anh mơ màng kể: Ngày ấy đây là con sông trong lành, tối tối mọi người đi dạo vừa rất vui vẻ, vừa có nét gì đó rất thơ. Rồi đất nước mở cửa, nền kinh tế thị trường như một cơn lốc cuốn mọi người vào guồng quay năng động. Mải mê với những công việc riêng, nhiều người không nhận ra rằng sông Kim Ngưu đang ngày càng bị ô nhiễm hóa. Rác rưởi, các chất thải độc hại từ các nhà máy, xí nghiệp, từ các hộ dân cư xả ra ngày một nhiều... Để rồi có một Kim Ngưu hôm nay với lịch sử huy hoàng một đi không trở lại...

 

Anh Vân xót xa nhìn dòng sông Kim Ngưu giờ gần như là “dòng sông chết”... 

“Trở thành công nhân Công ty thoát nước là một trong những quyết định sáng suốt nhất của đời tôi. Bởi tôi muốn làm sông Kim Ngưu sạch hơn. Mỗi ngày cùng các anh em xí nghiệp vớt rác rưởi, phế tạp ở nơi đã thân thuộc với mình từ bé, tôi thấy lòng mình dấy lên nhiều cảm xúc rất khó tả”.
Nói đến đây, anh đưa mắt nhìn thật lâu con sông Kim Ngưu ở ngay trước mặt chúng tôi.

 

Nhìn vào đôi mắt rưng rưng của anh, tôi cảm tưởng những chuyện mấy chục năm về trước như một dòng sông ký ức, lúc êm đềm, khi dữ dội tràn về, thẩm thấu từng tế bào xúc cảm trong anh. Mỗi người đều có những cơ duyên nhất định trong cuộc đời và có nhiều khi chúng ta không thể biết trước được chúng. Tuy nhiên, cơ duyên bầu bạn cùng sông Kim Ngưu của anh quả thật được báo trước, bởi tình cảm sâu nặng mà anh dành cho nó.

Anh Vân chùng giọng: “Tuy sông Kim Ngưu ngày càng bị ô nhiễm nặng, thậm chí bị gọi là sông thối, nhưng tôi vẫn yêu quý nó như thủa nào. Sông thối chỉ vì nó phải hứng chịu hậu quả của nhiều hành vi vô ý thức của con người, chứ bản thân nó chẳng có tội gì cả. Tôi rất đau lòng khi đêm xuống, nhiều người còn chực mang hàng đống rác ra tống hết xuống sông, rồi phóng uế bừa bãi. Đau lòng hơn nữa là giờ đây mọi người không còn gần gũi sông Kim Ngưu như thế hệ tôi ngày trước. Một số bạn trẻ còn tưởng nó là mương bẩn, chứ không biết đây là con sông từng nức danh một thời”.

 

“Mũi điếc” không sợ rác 
 

Với nhiều cụ già đi tập thể dục, nhiều người hay đi lại ở hai bên bờ sông Kim Ngưu, hình ảnh các công nhân Công ty thoát nước Hà Nội thật quen thuộc. Dù ngày mưa hay nắng, dù sáng hay chiều, những con người khoác trên mình màu áo xanh kẻ vàng ấy vẫn cần mẫn làm sạch cho sông bằng các phương pháp thủ công như: đứng trên hè sông, trên thuyền dùng cây sào có móc sắt vớt rác, dùng tay lôi móc các bao bì nilông đen ngòm từ các miệng cống để khơi thông dòng chảy...

   Anh Vân vớt rác sông một cách thuần thục

Anh Vân chia sẻ: “Thời gian đầu mới bắt tay vào công việc, tôi khá sốc vì không nghĩ sông Kim Ngưu có lắm thể loại rác thế. Từ những bao tải rác đầy ngất với chăn màn, giẻ rách tới bình gas, hộp xốp, rồi cành cây, phân tươi. Lúc ấy tôi như sắp lả đi vì mùi hôi thối ngập ngụa, hắc nồng đến nôn nao ruột gan, nhất là những khi gặp xác súc vật tới giai đoạn phân hủy. Mũi như nghẹt thở, đầu óc choáng váng. Khi tháo khẩu trang ra, cảm giác mùi hôi thối vẫn còn sực nức trong mũi mình”.

 

Rồi anh cười buồn: “Tới nay, mũi tôi gần như không phân biệt được nhiều mùi khác nhau nữa. Nhiều lúc vợ tôi hỏi tôi mùi này mùi nọ, tôi chịu. Chắc do mũi tôi đã quen với cơ chế tiếp xúc mùi rác rồi. Anh em cùng xí nghiệp thường gọi đùa tôi là “Vân mũi điếc”. Mới đầu tôi hơi khó chịu vì cái tên mới chả giống ai này, nhưng nghe nhiều quá thành quen. Mấy tháng trước có thằng bé Hải quê Ninh Bình vào làm cùng đội tôi. Lính mới nên nó gọi tôi là chú Vân, tôi cứ tưởng nó gọi ai chứ không phải mình nữa”.

 

Nghe anh kể thực sự thấy xót xa. Thực tế, lâu nay ai cũng biết công nhân vệ sinh môi trường ở các dòng sông ô nhiễm khắp Hà Nội đều dễ bị mắc các bệnh nghề nghiệp về mũi, phổi, mắt, các bệnh ngoài da, chứng thấp khớp... Nhiều người trong số họ vì không chịu được sự khắc nghiệt, nhất là về khía cạnh sức khỏe nên đã lần lượt bỏ nghề.

 

Đất nước ngày càng phát triển, “Vì môi trường Xanh – Sạch – Đẹp” là khẩu hiệu tràn lan khắp thành phố. Ấy thế mà vẫn còn nhiều dòng sông ô nhiễm như sông Kim Ngưu; vẫn còn quá nhiều người, nhiều nhà máy xí nghiệp kém ý thức; vẫn còn nhiều “giải pháp treo” thiếu tính đồng bộ. Vậy nên vẫn còn rất nhiều những người công nhân môi trường phải chịu các thiệt thòi nghiêm trọng không đáng có.

 

Thế nhưng, khi tôi nói những lời cảm thông với chiếc mũi tội nghiệp của anh, anh cười tươi xoa dịu: “Mũi tôi không phân biệt tốt các mùi khác nhau cũng có cái hay. Nhiều hôm mấy anh em trong đội đều đeo khẩu trang kín mít, chỉ mình tôi là để mặt trơ vậy. Vợ tôi lắm lần giục tôi đi khám, nhưng lần lữa mãi. Tới đợt vừa rồi Công ty tổ chức thăm khám sức khỏe cho anh em, bác sĩ khuyên tôi không nên làm cái nghề này nữa. Tôi ừ à, cũng nghỉ ở nhà một thời gian tính làm nghề khác như mọi người bảo, nhưng rồi lòng dạ bứt rứt không chịu được. Thế là tôi đi vớt rác trở lại. Mà nghĩ xem, mình không làm công việc khó xơi này thì ai làm cho. Âu cũng là mỗi người một nghề, một số phận. Đành chịu vậy. Cũng may mỗi năm Công ty đều tổ chức khám sức khỏe cho anh em, rồi cấp thuốc men điều trị, chính sách bảo hiểm khá tốt. Rồi quần áo, mũ, găng tay, giày lao động cũng được chú trọng. Ví như mũ bảo hiểm tôi đội đây, ngày trước nó dày mà bí lắm, che hết cả tai, rất khó chịu. Sau khi anh em kiến nghị thì giờ hai tai anh em chúng tôi cũng được hít khí trời rồi, thoải mái hẳn”.

 

Ngóng theo dáng anh lầm lũi đẩy xe rác cao ngút về khu tập kết rác cách sông 100m, tôi lại nhìn xuống dòng sông trước mặt đang dần đổi sang màu trắng đục loang lổ quyện chặt với lượng rác vừa tiếp tục đổ ra, rồi ngước lên nhìn cơ man không biết bao nhiêu khuôn mặt đeo khẩu trang hai bên bờ sông Kim Ngưu, chợt thấy sống mũi mình cay cay. Biết đâu, “mũi điếc” như anh Vân lại chẳng hạnh phúc hơn?! Bất chợt tôi nhớ tới hai câu thơ của nhà thơ Huy Cận:

 

“Một câu hỏi lớn không lời đáp

Cho đến bây giờ mặt vẫn chau”…

 

Quỳnh Anh

Bình luận
vtcnews.vn