Phát hiện bệnh tình vào năm 2004, gia đình anh Đạt (ngụ xã Hậu Thành, huyện Cái Bè, Tiền Giang) quyết định bán hết ruộng vườn, đồ đạc có giá trị trong nhà để đưa anh lên TP.HCM chữa bệnh.
Và rồi, chị Huỳnh Thị Triều (vợ anh Đạt) cứ thế một mình chạy đôn chạy đáo hết các bệnh viện lớn nhỏ, từ bệnh viện Sư Vạn Hạnh đến bệnh viện Đại Học Dược, rồi qua bệnh viện Pháp Việt,…với mong ước có một phép màu giúp chồng vượt qua căn bệnh quái ác.
Nhưng sau 3 năm chữa trị, lỗ nhỏ ban đầu trên mặt anh Đạt ngày càng ăn mòn rộng và sâu hơn vào xương thịt. Đến năm 2007, khi nhà không còn gì để bán, không thể xoay xở, chị Triều phải đưa anh về nhà rồi tự chăm sóc.
Cũng từ đó, khuôn mặt anh Đạt dần biến dạng nặng hơn, anh bắt đầu mặc cảm về bản thân. Anh tìm nhiều cách che lại, không cho người ngoài nhìn thấy, anh sợ họ sẽ kỳ thị anh.
Video: Người đàn ông mắc bệnh lạ bị ăn hết khuôn mặt khiến ai cũng phải xót xa
Gạt nước mắt, chị Triều nghẹn ngào tâm sự: “Cái hồi bệnh còn nhẹ, mặt hơi đỏ bầm là anh ấy đã bắt đầu mặc cảm rồi. Những lần có việc phải ra ngoài, anh đều dùng cái mũ chống nắng mà tôi hay dùng để đi làm đồng, che hết mặt, chỉ để lộ hai con mắt, rồi đội lên mới dám ra ngoài.
Bà con hàng xóm thấy tôi đưa anh Đạt đi viện suốt thì cũng biết anh ấy bị bệnh vậy thôi, chứ không ai biết bệnh anh như thế nào. Anh không cho tôi nói với ai về bệnh tình của anh, vì sợ người ta sẽ xa lánh, sợ ảnh hưởng tới con cái khi có một người cha mang “mặt quỷ” như vậy”.
Chị Triều cũng cho biết, từ khi anh Đạt bị bệnh, mọi công việc lớn nhỏ trong gia đình đều một mình chị gánh vác. Từ đồng áng đến việc nhà, một mình chị sắp xếp, xoay xở.
Theo chị Triều kể, đỉnh điểm mà anh Đạt bắt đầu giấu mình hẳn, không bước ra khỏi nhà là năm 2010. Đó là trong một lần bạn của con anh chị đến nhà chơi, anh Đạt không biết nên vẫn đi lại trong nhà, bất ngờ để cháu bé đó trông thấy. Lúc đó, cháu bé đã giật mình khi thấy lỗ thủng trên mặt anh Đạt.
Rồi hai đứa kéo nhau ra ngoài nói chuyện, vô tình anh Đạt nghe được câu “Bệnh gì mà sao thấy lạ với ghê quá” mà bé đó nói với con trai anh. Sau đó, anh vào giường nằm khóc một mình, rồi nói với chị Triều từ nay anh sẽ giấu mình, tránh mặt mọi người, không để bất kỳ ai nhìn thấy anh.
“Anh ấy nói, nếu không tránh mặt, lỡ để bạn các con nhìn thấy sẽ sợ rồi xa lánh, chẳng ai dám chơi cùng nữa thì tội con. Rồi hàng xóm nữa, họ cũng sẽ giật mình giống bé đó, rồi sợ hãi và chẳng dám qua lại khi thấy khuôn mặt anh”, nói đến đây, chị Triều nước mắt rưng rưng.
Từ hôm cháu bé đó vô tình nhìn thấy mặt anh Đạt, hai đứa con của chị đi học hay đi ra ngoài đều bị bạn bè ùa lại hỏi: "Cha bị bệnh gì mà nghe nói ghê lắm à?". Bị bạn bè hỏi nhiều, hai đứa con nhà chị cũng ít ra ngoài, ít giao lưu với bạn bè hơn trước.
Từ lần đó, anh Đạt nói chị Triều đi mua giúp anh tấm vải che kín chiếc giường lại, để người ở ngoài nhìn vào không thấy anh đang nằm bên trong. Và cũng từ lần đó, anh bắt đầu giấu mình.
Cuộc sống của anh Đạt dần thu mình trong bốn tấm vải xanh căng xung quanh giường. Khi có khách tới nhà thì chị Triều tiếp, còn anh vẫn nằm trong chiếc giường được che kín mít.
Nếu ai tới có việc quan trọng, cần tìm hay hỏi ý kiến của anh thì họ đứng bên ngoài nói, còn anh sẽ trả lời vọng ra, chứ không cho ai nhìn mặt mình.
"Không phải chỉ người lạ, mà em gái ruột của anh ấy, anh còn không chịu gặp mặt. Có lần cô ấy qua, biết bệnh tình anh nên muốn vào giường nhìn mặt anh bị bệnh như thế nào, nhưng nói mãi anh vẫn nhất định không cho mở tấm vải ra”, chị Triều nghẹn ngào.
Gạt nước mắt, chị Triều kể tiếp: “Sống mãi với cảnh giấu mình, anh nói anh cảm thấy xấu hổ vì làm gánh nặng cho gia đình. Có lần anh đòi tuyệt thực, anh em họ hàng khuyên mãi anh ấy mới chịu nghe. Từ hôm đó, anh ấy cũng bắt đầu nghĩ mọi việc thoáng hơn.
Đến giữa năm 2015, có chú Tư (hàng xóm) qua thăm, thấy hoàn cảnh quá khó khăn nên động viên anh, để chú chụp tấm hình vận động mọi người ủng hộ. Ban đầu anh không chịu, nhưng nghĩ cho vợ con nên anh đồng ý. Cũng từ đó, anh dần mới cho mọi người thấy mặt, và mọi người cũng mới biết bệnh tình của anh trầm trọng đến thế”.
Bình luận