Người đàn ông khuyết tật làm nghề cắt tóc nuôi ước mơ cho con vào đại học

Thời sựThứ Ba, 31/01/2017 11:52:00 +07:00

Dù mỗi bước chân đều phải nhờ vào 2 cây nạng gỗ, thế nhưng ông Hồng vẫn đi cắt tóc để nuôi gia đình, nuôi ước mơ cho con vào giảng đường đại học.

Dáng người nhỏ nhắn, mái tóc đã ngả màu, mỗi bước đi đều là mỗi khó khăn với ông Hoàng Văn Hồng (xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh). Thấy chúng tôi, ông nở nụ cười hiền lành, mời chúng tôi ngồi chơi, uống nước.

A3

Suốt 20 năm qua, vượt lên nỗi đau về thể xác, ông Hồng vẫn miệt mài cắt tóc để nuôi gia đình và nuôi 4 đứa con ăn học. 

Một tay cầm kéo, tay kia cầm cây nạng gỗ để di chuyển nhưng từng động tác cắt của ông vẫn rất thành thục và chuyên nghiệp.

Số phận không may

Cắt xong cho khách, ông ngồi tiếp chuyện với chúng tôi bên bàn uống nước, chậm rãi kể lại câu chuyện của mình. Năm đó (1983 - PV) ông đi bộ đôi về, trong một lần đi làm đồng với cha mẹ không may gặp tai nạn.

“Khi tỉnh lại, bác sỹ cho biết, tôi bị viêm cột sống, cứng khớp, cơ thể bị cứng, không thể đi lại được, phải nằm một chỗ” – ông Hồng chia sẻ.

Nhà nghèo, cha mẹ phải bán hết tài sản trong nhà mới có tiền để đưa ông đi chữa bệnh. Sau hai năm đi gần hết các bệnh viện từ trung ương tới địa phương, bệnh tình của ông vẫn không thuyên giảm. Gia đình đành đưa ông về nhà chăm sóc. Mọi sinh hoạt của ông đều phải nhờ cha mẹ chăm lo, từ miếng ăn đến ly nước.

IMG_1410

Dù đi lại khó khăn nhưng ông Hồng vẫn cắt tóc rất thuần thục và an toàn. 

Từ một người thanh niên mạnh khỏe, nhiều hoài bão trở thành gánh nặng cho gia đình, ông Hồng nhiều lần tìm đến cái chết để giải thoát. Nhưng rồi nhờ sự động viên của cha mẹ, khao khát sống trong ông lại trỗi dậy.

Kể từ đó, hằng ngày ông kiên trì tập đi với đôi nạng gỗ. Những ngày đầu tập đi, nhiều lần ông muốn bỏ cuộc, xương khớp trong cơ thể cứng lại, việc đi lại là điều gần như không thể. Phải mất 4 năm tập luyện, ông mới có thể tự đ những bước đầu tiên.

Từ ngày đi lại được, ông có thể tự lập, không phụ thuộc quá nhiều vào gia đình. Đến năm 1996, ông lập gia đình, rồi lần lượt sinh được 2 người con.

Nhưng trớ trêu thay, người vợ khi thấy hoàn cảnh gia đình khó khăn đã ra đi, bỏ lại 2 đứa con thơ cho ông nuôi nấng.

Đến năm 2008 ông gặp được người vợ thứ 2. Vợ thứ 2 của ông, bà Võ Thị Nghĩa, là người thấu hiểu những đau khổ, mất mát của ông, về sống chung với ông dưới một mái nhà.

Cắt tóc nuôi vợ, nuôi con

Ông Hồng cho biết, ông đến với nghề năm 1997, khi mới lập gia đình với người vợ đầu để kiếm thêm thu nhập, giúp đỡ cho vợ con một phần nào đó.

Chia sẻ về những khó khăn lúc mới hành nghề cắt tóc, ông nói: “Ngày đầu mới mở quán cắt tóc, khách ít lắm chú ạ, họ thấy tôi đi lại với chiếc nạng nên sợ tôi cắt không được, không an toàn nên ít người đến lắm. Cũng may là có hàng xóm, bạn bè thân thiết đến ủng hộ nên cũng có đôi đồng”.

3

Nhiều vị khách dành nhiều lời khen ngợi cho tài nghệ cắt tóc của ông Hồng 

Đến nay, ông đã gắn bó với nghề cắt tóc hơn 15 năm trời, mặc dù chưa làm giàu được cho gia đình, nhưng nó cũng giúp ông san sẻ gánh nặng, khó khăn với vợ con. Trung bình mỗi ngày ông Hồng cắt từ 5 – 7, chủ yếu là những người trung tuổi, các em nhỏ.

Thu nhập bình quân hàng ngày của ông khoảng 70 – 100 ngàn đồng. Mặc dù không nhiều nhưng cũng tạm đủ chi tiêu cho cả gia đình.

Ông Trần Văn Em, hàng xóm của ông Hồng chia sẻ: “Chúng tôi rất nể phục bác Hồng, mặc dù đi lại khó khăn nhưng bác ấy đã chăm lo cuộc sống cho vợ và con cái đến nơi đến chốn. Bác Hồng cắt tóc cẩn thận, an toàn, giá cả lại rẻ hơn các quán khác, vì thế chúng tôi thường xuyên ủng hộ để bác có đồng ra đồng vào lo cho gia đình.

A2

Vượt qua nỗi đau về thể xác, nghị lực của ông Hồng được nhiều người nể phục và noi gương

Ông nói với chúng tôi, trong cuộc đời mình, điều ông hối tiếc nhất có lẽ là việc hai đứa con đầu không được học lên cao hơn. Vì vậy quãng đời còn lại, ông sẽ quyết tâm cho 2 đứa còn lại học đến nơi đến chốn, có thể bước được vào giảng đường đại học, không phải thiệt thòi như 2 anh chị nó."

Cơn mưa chiều càng thêm nặng hạt, đôi tay ông vẫn thoăn thoắt hàng tiếng đồng hồ chưa nghỉ. Có lẽ những khó khăn về thể xác chỉ là rào cản nhất thời với người chồng, người cha tận tuỵ này đến với mơ ước cho con cái tới gần hơn với giảng đường đại học.

Video: Nghị lực của người cha tàn tật, 20 năm chống nạng cắt tóc nuôi con

Ngọc Thắng
Bình luận
vtcnews.vn