• Zalo

Người đàn ông đi bộ qua cao tốc bị tông chết: Luật sư phân tích trách nhiệm hình sự

Thời sựThứ Ba, 15/01/2019 11:36:00 +07:00Google News

Trong trường hợp này nếu người đi bộ còn sống, và vụ tai nạn gây thiệt hại về tài sản hoặc tính mạng, sức khỏe được quy định tại điều 260 tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, thì người đi bộ phải chịu trách nhiệm hình sự.

Sáng 14/1, một xe ô tô chạy trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ theo hướng Hà Nội đi Hà Nam thì tông trúng một người đàn ông đang đi bộ qua đường. Cú tông mạnh khiến nạn nhân thiệt mạng trên đường đi cấp cứu. Tài xế ô tô sau đó đã đến cơ quan công an trình báo sự việc.
Bình luận về vụ việc này, luật sư Trần Xuân Tiền, Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội nhấn mạnh, cần phải có thái độ kiên quyết từ các cơ quan pháp luật và người dân để tránh luật bất thành văn là xe to đền xe bé, ô tô, xe máy đền người đi bộ khi xảy ra tai nạn.

"Ở nước ngoài họ phân xử đúng - sai rất rõ, nếu người đi bộ không đúng làn đường bị chết vì tai nạn giao thông, thậm chí gia đình người đó còn phải bồi thường thiệt hại cho người đi đúng làn đường đã không may đâm phải.

Còn ở Việt Nam thì luật cũng đã có quy định (Điều 220 Bộ luật Hình sự), nhưng việc xử lý đối với người đi bộ, đi xe đạp, xe máy vi phạm bị tai nạn thì… vẫn là câu chuyện khó", luật sư Tiền nói.

49844122_299520524035561_3596883158752034816_n

Hiện trường người đàn ông đi bộ qua cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ bị ô tô tông chết. (Ảnh: CTV)

Luật sư cho biết, trước đây vào năm 2009, TAND huyện Mỹ Hào (Hưng Yên) đã từng tuyên phạt một nữ sinh viên Trường Cao đẳng Bách khoa Hưng Yên 9 tháng tù giam và 18 tháng thử thách vì tội đi bộ, trèo qua hàng rào phân cách sang đường khiến một người điều khiển xe gắn máy đi đúng chiều không kịp xử lý, đâm vào lề đường và thiệt mạng. Tuy nhiên rất ít vụ việc được xử mạnh mẽ như vậy.

ppe1533372573

 

Ở nước ngoài họ phân xử đúng - sai rất rõ, nếu người đi bộ không đúng làn đường bị chết vì tai nạn giao thông, thậm chí gia đình người đó còn phải bồi thường thiệt hại cho người đi đúng làn đường đã không may đâm phải.

Luật sư Trần Xuân Tiền

"Cần phải có một hồi chuông cảnh báo mạnh mẽ cho những người tham gia giao thông không chấp hành nghiêm chỉnh luật pháp. Cần phải lên án chứ không thương xót. Người tham gia giao thông phải có ý thức tự giác, nghiêm chỉnh chấp hành quy tắc giao thông, giữ gìn an toàn cho mình và cho người khác”, luật sư Tiền nói.

Nói về trách nhiệm của tài xế ô tô trong vụ tai nạn trên, luật sư Tiền cho rằng, nếu cơ quan điều tra xác định lái xe ô tô tuân thủ nghiêm luật giao thông thì người này không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

"Nếu cơ quan điều tra xác định tài xế có giảm tốc độ và không vi phạm quy định an toàn giao thông và việc gây ra tai nạn hoàn toàn do lỗi của nạn nhân băng qua đường cao tốc, thì tài xế có thể thuộc trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự do sự kiện bất ngờ tại Điều 20, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017", luật sư Tiền cho hay.

Cũng theo luật sư, thời điểm tai nạn xảy ra có sương mù dày đặc có thể đã hạn chế tầm nhìn khiến lái xe ô tô không kịp xử lý. 

Nếu tài xế vi phạm các quy định về an toàn giao thông như đã uống rượu bia, không giảm tốc độ thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự và bồi thường dân sự.

Đồng quan điểm với luật sư Tiền, luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận định, trong trường này, nếu lái xe ô tô không vi phạm một số lỗi như nồng độ cồn, không có giấy phép lái xe... thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Ngược lại, nếu người đi bộ còn sống sau tai nạn sẽ phải bồi thường khi gây ra thiệt hại cho lái xe ô tô.

Thời điểm tai nạn xảy ra, trời dày đặc sương mù khiến tầm nhìn của mọi người tham gia giao thông bị hạn chế. Tuy nhiên, sương mù không phải xuất hiện đột ngột do đó lái xe có thể chủ động giảm tốc độ,  quan sát từ xa để cho xe chạy chậm lại.

“Khoản 11 Điều 5 Thông tư 91/2015/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải ngày 31/12/2015 quy định, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải giảm tốc độ thấp hơn tốc độ tối đa cho phép (có thể dừng lại một cách an toàn) trong trường hợp trời mưa; có sương mù, khói, bụi; mặt đường trơn trượt, lầy lội, có nhiều đất đá, cát bụi rơi vãi”, luật sư Bình cho biết.

Tuy nhiên, theo luật sư Diệp Năng Bình, vì đây là đường cao tốc - đường cấm người đi bộ hoặc các phương tiện thô sơ, xe gắn máy di chuyển nên người đi bộ phải tự chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm của mình.

“Trong trường hợp này nếu người đi bộ còn sống, thì hành vi này của người đi bộ đã vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ. Nếu xảy ra hậu quả dẫn đến thiệt hại về tài sản hoặc tính mạng, sức khỏe được quy định tại điều 260 tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, thì người đi bộ phải chịu trách nhiệm hình sự.

Do đó có thể khẳng định tài xế xe ô tô trong trường hợp này không phải chịu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, cơ quan điều tra vẫn phải làm rõ, khách quan sự việc, xác định xem tài xế có say rượu khi lái xe, có bằng lái không hay vi phạm các lỗi khác không”, luật sư Bình nói.

Khoản 4 điều 26 Luật giao thông đường bộ quy định: Người đi bộ, xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô và máy kéo; xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 70 km/h không được đi vào đường cao tốc, trừ người, phương tiện, thiết bị phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc.

Trường hợp người, phương tiện, thiết bị phục vụ quản lý, bảo trì cũng phải được cảnh báo bằng các tín hiệu giúp người tham gia giao thông phát hiện từ xa.

Mạnh Đoàn - Xuân Trường
Bình luận
vtcnews.vn