Tiến sĩ Nguyễn Ái Việt bắt đầu câu chuyện với những suy nghĩ trăn trở: “Ngày xưa điều kiện còn nhiều thiếu thốn nhưng như thời của ông cụ nhà tôi và biên tập viên của các nhà xuất bản làm việc hết sức nghiêm túc. Rất ít lỗi sai về chính tả. Nhưng hiện nay, ở nhiều ấn phẩm tái bản việc sai lỗi chính tả là không ít, thậm chí ngay cả với những nhà xuất bản lớn. Vậy đâu là vai trò của biên tập viên, của cả một đội ngũ các cán bộ xuất bản? “.
Nói rồi ông lấy ra rất nhiều dẫn chứng về các lỗi phổ biến làm người sử dụng ngày càng khó phân biệt đúng sai. Nếu như cách đây 20-30 năm, học sinh phổ thông khó lòng viết sai chính tả những từ như “bổ sung”, “xử lý”, “cọ xát”,… thì ngày nay các chuyên viên hành chính ở các cơ quan nhà nước đã mắc các lỗi này ngày một phổ biến. Thậm chí nhiều văn bản công đã ban hành cũng mắc lỗi chính tả. Ông Việt cũng đưa ra nhiều con số khiến chúng ta phải giật mình. Theo kết quả nghiên cứu trên các đối tượng khác nhau, nhiều trường hợp cách sử dụng sai lại chiếm hơn 70%, trong khi đó cách sử dụng từ đúng chưa tới 30%. Điều này cũng khiến chúng ta giật mình, hoang mang tự đặt câu hỏi là liệu đâu mới là cách sử dụng đúng, theo phần đông xã hội dùng (70%) hay theo từ điển có uy tín trong nước (30%). Tiến sĩ Việt tỏ ra lo lắng về tình hình sử dụng tiếng Việt hiện nay.
Tiến sĩ Nguyễn Ái Việt, người từ bỏ mức lương triệu đô để về sửa lỗi tiếng Việt |
Một công trình Xếp hạng văn bản tiếng Việt sẽ được công bố trong ngày hôm nay, 28/7 trước toàn thể công chúng và các cơ quan truyền thông. Công trình đặc biệt này thực hiện bởi bộ sản phẩm Công cụ Việt - chương trình phần mềm xử lý tiếng Việt được ông Việt và các cộng sự sáng tạo và hoàn thiện trong suốt ba năm qua. “Chúng tôi thực hiện rà soát lỗi chính tả trên hệ thống văn bản của 200 đơn vị. Kết quả khá bất ngờ và choáng váng. Nơi sai nhiều nhất lại rơi vào một bộ quan trọng bậc nhất. Báo chí cũng sai khá trầm trọng, có những tờ báo sai trên 20%”, tiến sĩ Việt nói.
Ý tưởng làm một bộ công cụ hỗ trợ việc đọc và viết tiếng Việt được tiến sĩ Nguyễn Ái Việt ấp ủ từ gần 20 năm trước. “Năm 1991, gia đình tôi chuyển từ Hungari sang Mỹ. Ở đấy, tiếng Việt đang dần xa lạ với các thế hệ Việt kiều trẻ. Vì thế mà cảm thấy xa lạ với quê hương. Tôi chợt nghĩ nếu có một công cụ gì đó giúp bà con đọc, viết và dịch tiếng Việt đúng và thuận tiện thì sẽ rất có ích”.
Ông bắt đầu thực hiện ý tưởng về công cụ hỗ trợ tiếng Việt cho Việt kiều ở Mỹ. Trong thời gian này, ông trở thành kỹ sư trưởng của Siemens (Mỹ) với mức lương lên tới 6 con số, cùng các điều kiện sống đầy đủ. Năm 2004, ông nhận lời mời trở về Việt Nam làm việc tại Bộ Bưu chính Viễn thông, từ bỏ mức lương cao ngất ở Mỹ.
Bộ công cụ Việt do TS Việt và các cộng sự thiết kế |
Năm 2007, ông bắt đầu thực hiện dự án đã ấp ủ từ cách đó 16 năm: “Không chỉ hỗ trợ Việt kiều, ngay cả người dân trong nước cũng cần được hỗ trợ để viết tiếng Việt cho chuẩn”.
“Ai cũng biết lỗi chính tả hiện nay rất trầm trọng. Ai cũng nói tiếng Việt đang bị loạn. Đều chỉ là nói chung chung. Nhưng không ai nghĩ rằng công việc sửa lỗi sai chính tả là việc của mình. Mỗi cá nhân có ý thức trong việc viết đúng chính tả thì vấn đề sẽ được giải quyết.” Ông Việt tâm sự.
Tiến sĩ Nguyễn Ái Việt cho biết, định kì vài tháng một lần, ông sẽ cho công bố bảng xếp hạng văn bản tiếng Việt mới nhất để mọi người ý thức hơn trong việc sử dụng đúng tiếng Việt.
Phạm Thịnh
Bình luận