Đó là trường hợp của anh N.V.B (43 tuổi, TP.HCM), một người làm dịch vụ thông hầm cầu, nghẹt cống và thường sử dụng loại bột thông cống không rõ nguồn gốc lúc hành nghề.
Theo lời kể của nạn nhân, ngày 6/7, anh được thuê đi thông cầu, cống nghẹt. Lúc này vừa đổ bột thông cống xuống, bọt nước bất ngờ văng lên trúng tay trái, vai và cổ, làm anh B. bị bỏng. Thậm chí, chiếc áo đang mặc trên người của anh cũng bị bột thông cống ăn rách.
Nạn nhân sau đó đi khám tại một cơ sở y tế. Anh được rửa sạch hóa chất trên người và cho thuốc kháng viêm.
Tuy nhiên, khi về nhà, do chủ quan vết thương nhẹ nên anh không uống thuốc. Do đó, 4 ngày sau, vết thương ở vai anh B. nặng dần, sưng tấy và dần hoại tử. Trước tình trạng này, bệnh nhân đến Bệnh viện Trưng Vương (TP.HCM) cầu cứu.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Hiếu, khoa Bỏng – Tạo hình thẩm mỹ của BV cho biết, bệnh nhân bị bỏng ở tay, vai và cổ. Trong đó, vết bỏng ở vai bị nhiễm trùng, có dấu hiệu ăn sâu vào bên trong. Sau khi giảm bớt tình trạng viêm, bệnh nhân sẽ được phẫu thuật cắt lọc phần da hoại tử.
“Bột thông cống có 2 thành phần chính là sodium silicat và hydrogenperoxide, có khả năng ăn mòn rất cao. Nếu bị hóa chất văng vào mắt có thể làm hư mắt. Bệnh nhân không tuân thủ điều trị ban đầu, bỏ uống thuốc và không chăm sóc vết thương nên vết bỏng sâu vì thế càng nặng thêm và bị hoại tử” – bác sĩ điều trị phân tích.
Từ trường hợp này, bác sĩ cảnh báo người dân, nhất là chị em phụ nữ hay làm việc nhà nên cẩn thận khi sử dụng hóa chất thông hầm cầu; nên chọn sản phẩm thông hầm cầu có thương hiệu, nhãn mác rõ ràng.
Nếu chẳng may bị bỏng, cách xử trí tốt nhất là rửa vết thương dưới vòi nước từ 20 – 30 phút rồi nhanh chóng đưa đến BV.
Bình luận