Ông Nguyễn Văn Tuấn năm nay đã 59 tuổi, là thương binh hạng 1/4. Năm 1992, ông được Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang xử phúc thẩm thắng kiện, theo đó ông sẽ được UBND xã Phú Phong trả số tiền 3.200 đồng. Tuy nhiên từ đó đến nay, dù đã qua nhiều đời chủ tịch UBND xã nhưng vẫn không ai giải quyết.
Lần giở xấp hồ sơ dày cộm, ông Tuấn thở dài mệt mỏi: “Số tiền 3.200 đồng đó là tiền mồ hôi nước mắt của vợ chồng tôi nên tôi quyết phải đòi cho được. Ông Nguyễn Văn Tuấn -Ảnh: V.TR.
Vả lại chính quyền là người nợ tôi nên tôi càng phải đòi, vì hơn ai hết chính quyền phải là người đi đầu trong việc thực thi pháp luật, thực hiện công lý trong xã hội”.
Án tòa đã tuyên
Phải cưỡng chế thi hành án Luật sư Nguyễn Trường Thành, trưởng văn phòng luật sư Vạn Lý (TP Cần Thơ), cho biết trong trường hợp bản án đã có hiệu lực pháp luật mà UBND xã Phú Phong không tự nguyện thi hành thì ông Nguyễn Văn Tuấn cần làm đơn yêu cầu Chi cục Thi hành án dân sự huyện Châu Thành có biện pháp cưỡng chế thi hành. Cấp thẩm quyền có thể khống chế tài khoản và yêu cầu UBND xã trả số tiền nói trên cho ông Tuấn. |
Năm 1980, ông Tuấn làm xã đội trưởng Phú Phong. Vợ ông ở nhà bán tạp hóa chắt chiu từng đồng nuôi con. Do UBND xã yêu cầu không được kinh doanh cá thể mà phải chuyển hết hàng hóa vào hợp tác xã (HTX) để làm ăn tập thể, nên tháng 6-1985 vợ chồng ông góp 52.000 đồng vào HTX mua bán Phú Phong.
Theo lời ông kể, từ lúc góp vốn cho đến tháng 11-1985, HTX không chia tiền lãi, không trả lương và cũng không công khai tài chính cho vợ chồng ông biết. Bức xúc, ông Tuấn xin rút vốn, nhưng UBND xã chỉ cho rút 2.000 đồng (tương đương 20.000 đồng tiền cũ - tính theo thời điểm đổi tiền ngày 14-9-1985).
Đến tháng 6-1986, ông Tuấn xin rút tiếp 3.200 đồng. Lúc làm đơn xin rút tiền, ông Tuấn ghi rõ 3.200 đồng quy đổi tương đương 1.700kg lúa). Tuy nhiên yêu cầu này không được UBND xã chấp thuận. Khiếu nại hoài không có kết quả, ông Tuấn kiện ra TAND huyện Châu Thành. Tòa xử ông thắng kiện.
HTX mua bán Phú Phong kháng cáo. Lúc này HTX đã giải thể vì làm ăn thua lỗ, tài sản đưa về UBND xã quản lý và thanh lý để trả nợ.
Ngày 16-12-1992, TAND tỉnh Tiền Giang đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm, bác kháng cáo. Án ghi rõ buộc “UBND xã Phú Phong, huyện Châu Thành phải trả cho hộ anh Nguyễn Văn Tuấn số tiền 3.200 đồng (thời điểm 1985) tương đương 1.700kg lúa. Thời gian giao trả một lần khi án có hiệu lực pháp luật”.
UBND xã làm ngơ
Thấy UBND xã làm ngơ việc thi hành án, ông Tuấn đã gửi đơn khiếu nại tới các cơ quan chức năng. Ngày 6-9-2007, Ban chỉ đạo thi hành án dân sự huyện Châu Thành có văn bản đề nghị UBND xã Phú Phong tích cực có biện pháp để thi hành phần nghĩa vụ của mình theo nội dung bản án của TAND tỉnh Tiền Giang.
Việc làm này cũng đáp ứng quyền lợi hợp pháp, chính đáng của ông Nguyễn Văn Tuấn - một thương binh nặng đang hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước. Thế nhưng, bốn năm qua UBND xã Phú Phong vẫn phớt lờ.
Trao đổi với phóng viên, ông Võ Văn Tuấn, chủ tịch UBND xã Phú Phong, xác nhận xã có nợ ông Tuấn. Tuy nhiên xã chưa thi hành án được là do ngân sách địa phương eo hẹp.
Chúng tôi hỏi: “Vì sao chỉ có 3.200 đồng mà qua 4-5 đời chủ tịch, bí thư xã vẫn không giải quyết được?”. Ông Võ Văn Tuấn nói: “Cái này thuộc về quá khứ, chúng tôi cũng không tỏ tường lắm. Do trải qua thời gian dài nên bây giờ muốn giải quyết phải coi lại”.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết trước đây Đảng ủy - UBND xã Phú Phong đã mời lãnh đạo xã qua các thời kỳ họp bàn cách trả nợ cho ông Nguyễn Văn Tuấn.
UBND xã đã thống nhất giao miếng đất công diện tích 4,5m x 8m ngay phía sau nhà ông Tuấn để cấn trừ nợ, theo đề nghị của ông. Tuy nhiên khi kiểm tra lại thì phát hiện thửa đất này đã được UBND xã giao cho người khác. Thế là việc trả nợ cho ông Tuấn tiếp tục rơi vào ngõ cụt và im lặng cho đến nay.
Ông Nguyễn Văn Tuấn cho biết ông yêu cầu UBND xã Phú Phong thi hành đúng phán quyết của TAND tỉnh Tiền Giang trả cho ông 1.700kg lúa.
Giá lúa trung bình trên thị trường hiện nay là 9.000 đồng/kg, nhân cho 1.700kg thì số tiền chỉ có 15,3 triệu đồng. Ngoài ra, theo đúng quy định, UBND xã phải chịu phần lãi suất do chậm thi hành án từ ngày tòa tuyên án đến nay.
Ông Tuấn tâm sự: “Thời điểm năm 1986, với số tiền 3.200 đồng tôi có thể mua vài ba công đất để sản xuất. Bây giờ lấy 1.700kg lúa bán thì chỉ mua được vài mét đất mà thôi. Tôi không thể hiểu nổi vì sao chính quyền nợ dân dai dẳng và người dân đòi nợ chính quyền lại vất vả như vậy. Nhưng cho dù khó đến đâu tôi cũng theo đuổi tới cùng”.
Theo Quang Vinh/ TTOL
Bình luận