Một lần tình cờ xem mục “nhắn tìm đồng đội” trên truyền hình, anh Nguyễn Phước Hà ở tổ 8, thôn Bình Dương, xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình, Quảng Nam chợt nghĩ tại Nghĩa trang xã Bình Định Bắc vẫn còn nhiều liệt sĩ quê tứ xứ nằm lại đây chưa được gia đình mang hài cốt về quê an táng.
Giúp người để đời thanh thản
Anh Hà năm nay 43 tuổi, là nhân viên bảo vệ tại Trường tiểu học Trần Cao Vân của xã Bình Định Bắc. Tỏ vẻ dè dặt khi tiếp xúc với báo chí, chính xác là anh không muốn “nổi tiếng” với những việc mà anh đang làm.
Thuyết phục mãi với lý do truyền thông là chiếc cầu nối để nhiều thân nhân gia đình liệt sĩ biết đến và cần anh giúp sức, anh mới cho chúng tôi bắt chuyện.
Căn nhà cấp 4 của vợ chồng anh không có vật dụng gì đáng giá. Nhưng với anh, những bức ảnh được chụp cùng với thân nhân gia đình liệt sĩ khi vào đây mang hài cốt của cha, ông mình về quê được anh Hà trân trọng giữ gìn.
Anh Hà thắp hương cho anh linh các liệt sĩ ngày Tết đến, xuân về
Từ những thông tin có trên bia mộ, anh Hà đến Ủy ban xã để kiểm chứng, đối chiếu rồi gửi thư đến Ban Chỉ huy quân sự các tỉnh thành. Anh kể: “Có nhiều tên tuổi, quê quán liệt sĩ sai lệch nên tôi phải đến Ban Thương binh ở xã, huyện rồi tỉnh để xác minh lại.
Trong mỗi bức thư gửi tôi để lại địa chỉ, số điện thoại để thân nhân liên lạc”. Anh cho biết, quê quán các liệt sĩ nằm tại nghĩa trang này phần lớn từ gốc Bắc vào Nam chiến đấu và hy sinh tại đây.
Cùng với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, đến nay anh Hà cùng thân nhân đã đưa gần 100 bộ hài cốt về quê an táng. Anh là người trực tiếp cất bốc hài cốt, lo hương khói lễ cúng để đưa các anh về với đất mẹ một cách ấm cúng, thiêng liêng nhất.
Mới đây là trường hợp của liệt sĩ Nguyễn Văn Ba, nguyên quán Xuân Trường - Nam Hà (nay là tỉnh Nam Định).
Anh cho biết, năm 2008, sau nhiều lần gửi thư đến Ban Chỉ huy quân sự tỉnh Nam Định nhưng không thấy người thân liệt sĩ liên lạc. Vừa rồi có người cựu chiến binh tên Tiến quê mẹ ở Nam Định vào đây tìm mộ. Anh đưa thông tin về liệt sĩ Ba cho anh Tiến về quê báo tin giúp. Sau đó con cháu liệt sĩ tức tốc bắt xe vào Quảng Nam và gia đình đã đưa hài cốt liệt sĩ về quê.
“Những việc tôi làm đều xuất phát từ cái tâm. Tôi thấy day dứt, có lỗi khi chứng kiến bia mộ các liệt sĩ nằm tại đây nhưng người thân họ thì không hề hay biết. Giúp được ai cái chi tôi thấy đời mình thanh thản lạ…”, anh Hà bộc bạch.
Sổ sách về liệt sĩ được anh ghi chép cẩn thận
Công việc được anh ghi chép, đánh dấu cẩn thận vào danh bạ mộ chí. Hàng trăm tên tuổi liệt sĩ được người thân mang về quê an táng như liệt sĩ Nguyễn Văn Hoán (quê Hà Nam), Sái Văn Long (Sóc Sơn, Hà Nội), Đỗ Văn Hải (Đông Anh, Hà Nội), Bùi Văn Thành (Hải Dương)...
Tất tả ngược xuôi để đối chiếu danh tính, giấy tờ, anh xem đó như là một trách nhiệm lớn lao của thế hệ sau để tri ân những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì Tổ quốc. Hiện tại Nghĩa trang xã Bình Định Bắc có 1.001 ngôi mộ, trong đó đã quy tập được 752 mộ, còn 249 mộ chưa được quy tập.
Quản trang tự nguyện
Tự bỏ tiền túi, không nhận lấy tiền của thân nhân liệt sĩ dù chỉ một đồng, đó là nguyên tắc bất di bất dịch với anh. Thấu hiểu được việc anh làm, vợ anh sẵn sàng nhường xe máy.
Hiệu trưởng sẵn sàng cho nghỉ phép vài ngày để anh lo toan những việc làm phúc đức ấy. Nhiều thân nhân liệt sĩ khi tới gặp anh đều phải ồ lên, ngỡ ngàng vì… anh trẻ quá. Trong đầu họ mường tượng để làm những việc này chắc phải là người lớn tuổi, cao niên nhưng không ngờ anh chỉ mới ngoài 40.
Mỗi lần cất bốc hài cốt liệt sĩ là mỗi lần trong anh dâng trào những cảm xúc khó tả. Còn đó những kỉ vật như chiếc lược, thắt lưng, đồng hồ hay bức hình người yêu được cất giấu kĩ càng trong ví, và cũng không ít lần anh lặng người, bật khóc khi hài cốt chỉ còn là một nắm đất.
“Mỗi lần tự tay cất bốc hài cốt liệt sĩ là tôi không cầm lòng được. Vẫn còn đây nhiều ngôi mộ vô danh, tôi tự nhủ phải bằng mọi cách xác định được danh tính liệt sĩ để đưa các anh về với đất mẹ” - anh dặn lòng.
Anh Hà xem lại những bức hình chụp lưu niệm với các gia đình liệt sĩ
Theo số điện thoại của các thân nhân liệt sĩ để lại, chúng tôi liên lạc với nhiều gia đình được anh Hà giúp đỡ. Trong họ vừa cảm kích vừa vui mừng khôn tả. Anh Đỗ Văn Hằng ở Đông Anh, Hà Nội (cháu nội liệt sĩ Đỗ Văn Hải) xúc động: “Gia đình chúng tôi nhiều lần đi tìm mộ ông nội nhưng không thành. Khi được anh Hà báo tin cả nhà tôi liền vào đây để làm hồ sơ đưa ông về quê. Chúng tôi không biết nói gì nữa ngoài lời cảm ơn sâu sắc đối với anh Hà cũng như địa phương nơi đây”.
Anh Nguyễn Văn Cường ở Sóc Sơn, Hà Nội (con liệt sĩ Phạm Văn Ngọt) bày tỏ: “Vào đây chúng tôi được gia đình anh Hà tiếp đón nồng hậu, lo chỗ ăn chỗ ở. Anh ấy sắp xếp hết mọi việc, tạo điều kiện thuận lợi nhất để đưa hài cốt cha tôi về quê…”.
Đồng đội các liệt sĩ đưa danh sách nhờ anh tìm giúp
Giữa anh Hà và các gia đình được anh giúp đỡ vẫn giữ liên lạc thường xuyên. Tiền bạc, quà cáp anh không bao giờ nhận. Trong ngày thương binh liệt sĩ hằng năm, anh lại gom góp tiền ra Bắc để thắp cho anh linh các liệt sĩ. Cũng ngần ấy năm anh tự nguyện làm quản trang, hương khói, chăm sóc các phần mộ liệt sĩ.
Chị Lê Thị Thanh (hàng xóm anh Hà) cho biết: “Cứ đến mồng 1 hay ngày Rằm là anh Hà đem hương đến thắp. Những ngày lễ, Tết, tất niên anh ấy đều chuẩn bị một mâm cơm tới nghĩa trang để cúng”.
Ông Trà Tấn Túc, Chủ tịch UBND xã Bình Định Bắc nói: “Địa phương vô cùng cảm kích trước tinh thần đền ơn đáp nghĩa của anh Hà. Hiện tại khu nghĩa trang đang được nâng cấp và thời gian tới chúng tôi sẽ cử người đến chăm sóc khu nghĩa trang thay anh Hà”.
Cứ mỗi độ Tết đến, xuân về thì anh Hà lại đi tảo mộ, thăm viếng, hương khói cho các mộ liệt sĩ tại nghĩa trang quê nhà, thắp nén hương cầu nguyện cho các anh linh liệt sĩ mà thân nhân chưa tìm được...
Bình luận