• Zalo

Người dân Nam Sơn đề nghị chuyển hàng cây hoa sữa ra khỏi khu dân cư

Tin nhanh 24hThứ Sáu, 30/10/2020 21:37:36 +07:00Google News
(VTC News) -

Người dân sinh sống gần Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn đề nghị cơ quan chức năng phun thuốc diệt muỗi và di chuyển cây hoa sữa ra khỏi khu dân cư.

Chiều 30/10, tại UBND huyện Sóc Sơn, Phó bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong chủ trì Hội nghị đối thoại thường trực thành ủy Hà Nội với người dân 3 xã Hồng Kỳ, Nam Sơn, Bắc Sơn (huyện Sóc sơn) liên quan đến những vấn đề ở bãi rác Nam Sơn.

Tại Hội nghị, ông Phạm Văn Minh - Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn báo cáo khái quát về dự án Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn và kết quả về công tác giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, người dân ở 3 xã này tiếp tục có các kiến nghị, đề xuất với thành phố về vấn đề môi trường, giải phóng mặt bằng cũng như bồi thường cho các hộ dân bị ảnh hưởng.

Cụ thể, người dân đề nghị phun thuốc diệt muỗi và di chuyển cây hoa sữa ra khỏi khu dân cư.

"Người dân phản ánh việc phun thuốc diệt ruồi muỗi trong Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn chưa đạt chất lượng, phun qua loa. Đồng thời, người dân trong khu vực này cũng đề nghị di chuyển hàng cây hoa sữa trồng dọc đường vào Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn vì mùi hoa sữa ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân" - ông Phạm Văn Minh cho hay.

Được biết, vào tháng 7/2019, gần 100 cây hoa sữa ở phố Trích Sài (quận Tây Hồ, Hà nội) được di chuyển và trồng tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn).

Người dân Nam Sơn đề nghị chuyển hàng cây hoa sữa ra khỏi khu dân cư - 1

Ông Phạm Văn Minh - Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn báo cáo tại Hội nghị.

Cùng với đó, người dân 3 xã mong muốn xem xét nâng mức hỗ trợ vùng ảnh hưởng môi trường do mức hỗ trợ hiện nay thấp, đồng thời tăng bán kính hỗ trợ vùng ảnh hưởng do bãi rác nâng quá cao và quá tải.

Thêm vào đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quy trình vận hành của Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn theo quy định, nếu có sai phạm phải xử lý nghiêm trách nhiệm của lãnh đạo Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn và các đơn vị liên quan.

Đối với vấn đề về giải phóng mặt bằng (GPMB), người dân đề nghị UBND thành phố sớm ra quyết định đầu tư xây dựng khu tái định cư xóm Ninh Liệt (thôn 9, Hồng Kỳ, Sóc Sơn, Hà Nội) và công khai mức giá khu tái định cư với người dân.

Trong quá trình chờ đợi đầu tư tái định cư, người dân đề nghị sớm phê duyệt phương án đền bù theo biên bản đã kiểm đếm và chi trả cho các hộ dân. Đề nghị cho người dân tạm cư tại chỗ. Khi nào UBND thành phố bàn giao tái định cư cho người dân thì người dân sẽ nộp tiền sử dụng đất vào khu tái định cư.

Hiện nay Nhà nước đền bù cho người dân giáp đường tỉnh lộ theo vị trí từ 0-200 m theo vị trí 1,2,3,4. Từ 201 m2 trở lên được đền bù theo giá đất nông thôn. Người dân đề nghị thành phố áp dụng khung giá đất khu tái định cư cách tỉnh lộ trên 201 m2 trở lên theo giá đất nông thôn.

Ngoài ra, các hộ đang sinh sống ổn định trên các thửa đất không phải là đất ở, người dân đề nghị UBND thành phố hỗ trợ 1 suất tái định cư tối thiểu bằng 120 m2.

Người dân cũng đề nghị UBND TP Hà Nội áp dụng khung giá đất mới 2020 - 2024 (tăng 10%) và nhân với hệ số k đã và đang thực hiện (tăng giá đất). Đồng thời, đề nghị thành phố nghiên cứu, xem xét chính sách, áp dụng chế độ đặc thù đối với dự án di dân vùng ảnh hưởng môi trường, giải quyết các nội dung bất cập hiện nay trong công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo quyền lợi cho người dân di chuyển, tránh tái nghèo sau di chuyển.

Phát biểu tại buổi đối thoại, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong chia sẻ những khó khăn, vất vả với người dân sống quanh các bãi rác trên địa bàn 3 xã Nam Sơn, Bắc Sơn và Hồng Kỳ thuộc huyện Sóc Sơn.

"Đây là sự hy sinh rất lớn của người dân để đóng góp chung vào công tác vệ sinh môi trường của Thủ đô. Trên tinh thần thẳng thắn, dân chủ, tại buổi đối thoại này, chúng tôi mong muốn lắng nghe ý kiến của người dân và cán bộ địa phương. Trên cơ sở đó, dựa trên thẩm quyền cho phép, trong khuôn khổ của pháp luật giải quyết dứt điểm vụ việc", Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội nói.

Người dân Nam Sơn đề nghị chuyển hàng cây hoa sữa ra khỏi khu dân cư - 2

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu tại buổi đối thoại.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng thông báo một số kiến nghị của người dân đã được thành phố giải quyết để đảm bảo quyền lợi cho người dân như: cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người dân ngoài khu vực chịu ảnh hưởng 1.000 m; giải quyết nhu cầu nước sạch cho các hộ dân qua việc đầu tư mở rộng 3 trạm cấp nước tại Vân Trì (Đông Anh).

Đồng thời, TP chấp thuận về mặt chủ trương các phương án đền bù cho một số hộ dân theo đúng sổ đỏ có diện tích vượt quá quy định, các trường hợp này sau đó sẽ chuyển cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát, nếu vi phạm quy định của pháp luật sẽ xử lý. Thực tế cũng có trường hợp người dân Sóc Sơn trả lại tiền được đền bù.

Theo Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, việc người dân kiến nghị là hoàn toàn bình thường và hợp pháp. Thông qua những kiến nghị này, các cơ quan chức năng của thành phố sẽ giải quyết. Tuy nhiên, việc người dân tổ chức chặn xe rác là hành vi vi phạm pháp luật, thành phố sẽ xử lý vi phạm.

Dự án Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn được quy hoạch đến năm 2020 với quy mô 157 ha, đến năm 2030 là 257 ha và đến năm 2050 là 280 ha tại các xã Bắc Sơn, Nam Sơn và Hồng Kỳ. Giai đoạn 1 được đầu tư xây dựng và hoạt động từ năm 1999 với quy mô 83,83 ha.

Năm 2011, UBND TP Hà Nội phê duyệt dự án đầu tư giai đoạn 2 với diện tích 73,73 ha và được Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo các đơn vị, các xã tích cực thực hiện.

Đến nay hoàn thành giải phóng mặt bằng (GPMB) khu phía Nam (xã Hồng Kỳ, Nam Sơn 36,26 ha), còn 37,47 ha thuộc xã Bắc Sơn huyện đang tiếp tục thực hiện công GPMB.

Tháng 10/2016, Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn giai đoạn 1 được phủ vải bạt đóng bãi, bắt đầu đổ rác sang ô chôn lấp của giai đoạn 2.

Sau hơn 20 năm hoạt động, đến nay, Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn tiếp nhận rác với công suất lên đến trên 5.000 tấn/ngày, đêm. Xử lý chất thải sinh hoạt cho 17/31 quận, huyện, chiếm 77% lượng rác toàn thành phố.

Lượng nước rỉ rác thu được từ các ô chôn lấp rác hiện nay khoảng trên 2.000m3/ngày đêm và lượng nước tồn đọng chưa kịp xử lý vẫn còn. Hàng ngày có khoảng 550 xe chở rác lên Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn của 27 đơn vị vận chuyển trên thành phố. Xe chạy nhiều vào thời gian từ 19h đến 23h hàng ngày.

Tùng Lâm
Bình luận
vtcnews.vn