• Zalo

Người dân Lạng Sơn ứa nước mắt vì hoa hồi rớt giá

Kinh tếThứ Ba, 15/11/2016 14:21:00 +07:00Google News

Giá bán hoa hồi giảm một nửa so với những năm niên 90 khiến người dân huyện Văn Quan (Lạng Sơn) chật vật trong việc duy trì những cánh rừng hồi từng được ví như "mỏ vàng xanh".

Lạng Sơn được coi là nơi có diện tích và sản lượng hồi lớn nhất cả nước. Chất lượng hoa hồi xứ Lạng không những nức tiếng trong nước mà còn được thế giới biết đến. Nhưng từ nhiều năm qua, người dân nơi đây phải sống chật vật để duy trì những cánh rừng hồi từng được ví như "mỏ vàng xanh".

15050003_344571545919582_1122278562_n

Cảnh mua bán hồi ế ẩm ở chợ Bãi, huyện Văn Quan, Lạng Sơn. 

Ông Nguyễn Văn Sáng -Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Văn Quan cho biết, huyện Văn Quan có tổng diện tích trồng hồi lớn nhất tỉnh Lạng Sơn và có lẽ cũng lớn nhất cả nước, với 11.000 ha rừng hồi, trong đó có 8.000 ha đang cho thu hoạch. Nhưng nhiều năm gần đây, đầu ra cho hồi rất khó khăn, giá thành thấp nên người trồng hồi cũng không mấy mặn mà.

Hiện nay, giá bán rất thấp, mỗi kg hồi tươi có giá 7.000 – 8.000 đồng, loại khô có giá khoảng 35.000 đồng/kg. Chính vì vậy, người trồng ngại thu hái, kẻ mua cũng chẳng buồn thu gom.

Theo chị Phùng Thị Thanh (sống tại Chợ Bãi, Văn Quan) cho biết, những năm 90, mỗi kg hồi tươi bán giá hơn chục nghìn đồng, người dân thi nhau hái, tiểu thương thi nhau mua. Cuộc sống người dân vùng núi đỡ vất vả, khấm khá hơn cũng nhờ hồi.

“Bây giờ sản phẩm không có đầu ra, giá thì rẻ ứa nước mắt”, chị Thanh nói.

Không chỉ riêng Văn Quan, các huyện khác trên địa bàn Lạng Sơn như Bắc Sơn, Bình Gia, Cao Lộc, Văn Lãng… đều chung cảnh tượng ảm đạm như trên.

Đi tìm nguyên nhân hồi bị lãnh đạm, chị Lô Thanh Thúy, 45 tuổi, phố Điềm He 2 là người có hơn chục năm thu mua hồi cho biết, sản phẩm từ hồi chủ yếu do Trung Quốc thu mua nên đầu ra không ổn định. Thương lái Trung Quốc thì thường xuyên giở chiêu trò ép giá, nhưng nếu không bán cho họ thì cũng không biết bán cho ai.

Để tìm lối thoát cho hồi, người dân cũng chuyển từ bán hồi tươi, khô, hồi nguyên liệu sang chưng cất tinh dầu.

15058778_344570659253004_907613032_n

Sản phẩm tinh dầu của người dân chủ yếu được nấu thủ công nên chất lượng chưa thuyết phục được thị trường nước ngoài. 

Ông Nông Văn Tú (56 tuổi, thôn Nà Hấy, xã Bình Phúc, huyện Văn Quan, Lạng Sơn) kể, ngày trước các hộ dân thấy bán hồi nguyên liệu không được giá nên chuyển sang nấu tinh dầu. Giai đoạn đầu thương lái Trung Quốc thu mua giá cao, nhưng sau đó họ lại dìm giá khiến người dân lao đao.

"Trên thế giới, hồi rất được coi trọng, thương lái Trung Quốc mua tinh dầu do dân ta nấu về đóng mác, gắn thương hiệu của họ và xuất sang nước thứ 3, lợi nhuận tăng gấp nhiều lần”, ông Tú ngậm ngùi.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề đầu ra tinh dầu hồi, ông Sáng cho biết, hiện nay công nghệ tinh chế của người dân vẫn còn thủ công nên khó đưa sản phẩm xuất khẩu được.

15049865_344571575919579_

Người dân Lạng Sơn khốn đốn vì không tìm được đầu ra cho "mỏ vàng" của mình.

Để có thể xuất khẩu tinh dầu thì việc quan trọng nhất vẫn là kiểm soát được chất lượng sản phẩm. Theo đó, các hộ sản xuất nhỏ lẻ phải kết hợp lại, thành lập hợp tác xã, doanh nghiệp, có đăng ký kinh doanh, địa điểm rõ ràng. Đặc biệt, việc chiết xuất phải chia lô hàng để tạo niềm tin với đối tác cũng như có thể truy nguyên nguồn gốc sản phẩm khi gặp các vấn đề liên quan.

Thị trường trong nước cũng rất tiềm năng, song cần phải tạo thương hiệu và quảng bá cho sản phẩm.

Nhìn những cánh rừng hồi bạt ngàn, tỏa hương bát ngát mà chúng tôi thấy tiếc cho một “mỏ vàng” bị lãng quên. Ngoài giá trị kinh tế mà cây hồi mang lại, nó còn đang góp phần giữ rừng, giữ đất, phòng chống thiên tai.

Người dân trồng hồi ở Lạng Sơn đang rất cần sự phối hợp, hướng dẫn từ cơ quan chức năng trung ương đến địa phương, nhà khoa học và sự đầu tư tài chính để sản phẩm từ hồi phát huy tác dụng, để những cánh rừng ngạt ngào hương thơm luôn xanh mãi.

Công dụng của hoa hồi

Hoa hồi dùng làm gia vị thực phẩm, dùng trong đông y, chữa trị các triệu chứng tiêu chảy, buồn nôn, tiêu đàm, hôi miệng, cảm lạnh và chữa lành các vết thương, tím bầm.

Tinh dầu hồi còn được dùng để chiết xuất nước hoa, nấu bia, rượu, làm bánh kẹo. Ngoài ra, tinh dầu hồi còn có tác dụng chống lại sự phát triển của vi khuẩn lao.

Theo nghiên cứu mới đây, axit shikimic được chiết xuất từ hoa hồi có tác dụng chữa H5N1 ở gia cầm.

Video: Sự thật về "xoài nhân tạo ruột nilon" xuất xứ Trung Quốc

 
Đức Thuận - Thế Hoàng
Bình luận
vtcnews.vn