Tối 7/6, Thượng tá Nguyễn Văn Duân, Trưởng Công an huyện Lục Ngạn, Công an tỉnh Bắc Giang cho biết, toàn huyện Lục Ngạn đang bước vào thời điểm thu hoạch vải thiều chính vụ, dự kiến sản lượng đạt khoảng 150.000 tấn.
Trên địa bàn việc vận chuyển, mua bán vải thiều diễn ra tấp nập. Qua ghi nhận phản ánh của một số người bán vải thiều, tại một số điểm cân vải xuất hiện trình trạng ép giá, trừ lùi cân quá nhiều, gây tâm lý bức xúc, ức chế cho nhiều người.
Tuy nhiên, hoạt động mua bán vải thiều là hoạt động giao dịch dân sự, có sự thỏa thuận, thống nhất giữa bên mua và bên bán. Do vậy, việc xử lý vi phạm trong quá trình mua bán vải thiều rất khó khăn.
Công an huyện Lục Ngạn khuyến cáo người dân khi giao dịch, mua bán vải thiều cần chú ý là trước khi đi bán vải thiều cần bó vải sát cuống, cuống vải dài không quá 10cm, mỗi bó vải dao động từ 2,5 - 3 kg, loại bỏ hết những quả bị sâu, thối, lá vải; bó tròn, đẹp để tạo thương hiệu vải thiều Lục Ngạn. Người dân cần tự cân vải thiều bằng cân đủ tiêu chuẩn.
"Trước khi đưa vải thiều vào cân, cần thỏa thuận dứt điểm về giá cả, mức khấu trừ hao trọng lượng, yêu cầu người mua viết nội dung thỏa thuận ra giấy (phiếu) để cơ quan chức năng làm căn cứ xử lý nếu xảy ra vi phạm. Đối chiếu trọng lượng vải thiều khi cân ở nhà với trọng lượng tại điểm cân để xác định cân của người mua có đúng tiêu chuẩn hay không", Thượng tá Nguyễn Văn Duân nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Thế Thi, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cũng cho biết, hết ngày 7/6 tổng sản lượng vải thiều tiêu thụ của huyện đạt hơn 22.374 tấn, trong đó vải sớm là 21.433 tấn, vải thiều là 941 tấn.
Riêng ngày 7/6, sản lượng tiêu thụ vải thiều Lục Ngạn đạt 2.943 tấn, tập trung tại các xã Phượng Sơn, Hồng Giang, Giáp Sơn, Phì Điền, Mỹ An, Tân Mộc, Tân Quang, Đồng Cốc.
Giá vải thiều sớm dao động từ 13.000 - 32.000 đồng/kg, cao nhất là tại các điểm cân xã Tân Quang, Giáp Sơn, Phì Điền. Hiện, toàn huyện Lục Ngạn có 189 điểm cân vải cố định.
Theo ông Thi, năm nay, trước diễn biến của dịch bệnh COVID-19, UBND huyện Lục Ngạn xây dựng 2 phương án tiêu thụ vải thiều, bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch.
"Nếu dịch bệnh được kiểm soát, các hoạt động giao thương trở lại bình thường thì hình thức tiêu thụ vải tươi tại thị trường nội địa sẽ tập trung vào các trung tâm thương mại, chợ đầu mối lớn, các tập đoàn bán lẻ tại hệ thống siêu thị và sàn giao dịch thương mại điện tử, trên các trang mạng xã hội.
Nhưng trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn ra, dự kiến sẽ có 95.000 tấn vải thiều tươi được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Còn lại 25.000 tấn sẽ được sấy khô, bảo quản lạnh, ép nước và chế biến khác", ông Nguyễn Thế Thi nói.
Bắc Giang có hơn 28.000ha vải thiều. Theo kế hoạch, trái vải thu hái từ 2/3 diện tích đất trồng vải sẽ xuất khẩu sang Nhật, Mỹ, Trung Quốc. Trái vải những nơi này đều được kiểm soát trong quá trình chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.
Năm nay, vải thiều được mùa hơn so với năm trước. Sản lượng lớn trong khi dịch COVID-19 trên địa bàn Bắc Giang diễn biến phức tạp chắc chắn sẽ gây ra những khó khăn lớn cho tiêu thụ sản phẩm. Tính đến ngày 2-6, địa phương tiêu thụ được hơn 20.000 tấn.
Bắc Giang đã chủ động nhiều phương án, kịch bản tiêu thụ cho nông sản chủ lực này. Cụ thể, đã xây dựng vùng vải thiều an toàn không COVID-19. Ở đó, những đối tượng F1 đều được cách ly tập trung, tại vùng vải không có khu cách ly. Tỉnh lập các chốt kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện ra vào địa bàn để sớm khoanh vùng, ngăn chặn dịch bệnh; xét nghiệm COVID-19 nhanh đối với lái xe, lao động, thương nhân đến thu mua vải thiều...
Cùng với đó, tỉnh đã thành lập 2 tổ công tác tại cửa khẩu của 2 tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai để hỗ trợ thông quan xuất khẩu vải thiều sang Trung Quốc; kết nối với các tập đoàn phân phối, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại như Aoen, Central Retail, MM Mega MarKet, Lotte, Big C, Saigon Co.op, VinMart và VinMart+, Fivimart và Citimart, Vincom... nhằm đưa quả vải lên kênh phân phối này...
Bình luận