• Zalo

Người dân Huế "sốt vó" vì dịch sốt xuất huyết

Thời sự Thứ Bảy, 14/08/2010 02:23:00 +07:00Google News

(VTC News)- Bệnh dịch sốt xuất huyết đang làm cho người dân Huế “đứng ngồi không yên" khi ngày ngày đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cao.

(VTC News) - Dịch sốt xuất huyết đang lan nhanh với tốc độ chóng mặt. Bệnh dịch sốt xuất huyết đang làm cho người dân Huế “đứng ngồi không yên" khi ngày ngày đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cao. 

Bệnh viện quá tải

Dịch sốt xuất huyết ở tỉnh Thừa Thiên Huế đang có dấu hiệu báo động với lượng bệnh nhân nhập viện mỗi ngày từ 5-10 người khiến cho các bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải nghiêm trọng. Và theo đó, tâm lý người dân các huyện, thành phố, thị xã ở tỉnh Thừa Thiên Huế đang “nơm nớp” nỗi lo về nguy cơ mắc dịch.


Chị Hải, trú tại Thành phố Huế cho biết: “Tôi sống ở gần hồ Tịnh Tâm nên muỗi rất nhiều. Xung quanh nhà tôi nhiều cây bụi, đặc biệt là khu vực lòng hồ có rau muống nên kể cả buổi ngày muỗi cũng bay từng đàn o o khiến tôi không dám cho con nhỏ ra khu vực sân chơi. Bạn bè tôi cũng có mấy người mắc bệnh nên tôi rất lo lắng trước nguy cơ có thể mắc bệnh, đặc biệt là đứa con gái mới 3 tuổi”.

Ghi nhận tại Khoa truyền nhiễm, Bệnh viện Trung ương Huế, chúng tôi được nghe những lời tâm sự trong lo lắng của bệnh nhân cũng như người nhà khi dịch sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp.

Ngay tại dãy hành lang ở lối vào, hàng chục chiếc giường di động được dựng sẵn, kín bệnh nhân để “chữa cháy” cho việc quá tải giường bệnh viên. Dì Lý Thị An (58 tuổi, trú tại phường Hương Sơn, TP. Huế) điều trị sốt xuất huyết được 4 ngày cho biết: “Ban đầu tôi có biểu hiện sốt cao, đầu óc xây xẩm, người mệt mỏi. Sau khi uống thuốc hạ sốt không thấy đỡ nên lên khám và các bác sỹ chuẩn đoán là bị sốt xuất huyết, tôi thấy bất ngờ và rất lo lắng. Tôi cũng thuộc người kỹ tính nên mọi chuyện vệ sinh tôi cũng làm rất tốt, không hiểu sao bệnh lại “bám” vào người mình”. Vừa nói chuyện, dì An cũng cho biết thêm, tại khu vực mình sinh sống có một số người cũng nhập viện vì mắc bệnh sốt xuất huyết.

Bệnh viện quá tải, bệnh nhân phải nằm ngoài hành lang điều trị

Hầu hết tâm lý của các bệnh nhân ở khu vực điều trị sốt xuất huyết đều cảm thấy bất an với căn bệnh của mình. Điều lo lắng nhất đối với bệnh nhân đang điều trị là giường nằm và khu vệ sinh không đảm bảo. Do lượng bệnh nhân nhập viện nhiều nên mỗi giường đơn bố trí có khi lên đến 4 người “gộp” chung. Với diện tích như thế hầu hết bệnh nhân chỉ có thể ngồi mà không thể đặt lưng để ngủ được.

Theo quan sát của PV thì khoa truyền nhiễm đã sử dụng hết diện tích để làm nơi điều trị cho bệnh nhân mắc dịch sốt xuất huyết, thậm chí phòng thay đồ của sinh viên thực tập cũng được “ưu ái” cho bệnh nhân kê giường nằm nghỉ, các bệnh nhân sốt xuất huyết phải nằm chung với một số bệnh nhân mắc bệnh viêm màng não...

Điều đáng nói ở đây, trong số những ca điều trị tại khoa truyền nhiễm thì hầu như đối tượng mắc bệnh đều có tuổi đời từ 15–25, đặc biệt có rất nhiều học sinh, sinh viên. Với khuôn mặt gầy xọp, Trần Thị Sáu, sinh viên năm 2 trường ĐHKH Huế mệt mỏi kể: Em nhập viện được gần 5 ngày, bình thường sức khỏe rất tốt vậy mà không hiểu sao đùng một cái đổ bệnh khiến cả nhà sốt vó...

Số lượng người nhập viện ngày càng tăng làm cho người dân Huế lo lắng

Lưu ý nhất là trường hợp một gia đình có 3 người bị mắc dịch đang phải điều trị tại bệnh viện, đó là gia đình chú Huỳnh Quang. Chú Quang cho biết, 2 đứa con trai của chú là Huỳnh Văn Tuấn và Huỳnh Hai đều mắc bệnh do sống trong môi trường ô nhiễm nặng tại một con sông tù đọng thuộc xóm 7 thôn An Tuyên, huyện Phú Vang, tỉnh TT. Huế. “Hai đứa con trai tôi rất khỏe mạnh, một đứa học lớp 11, một đứa đang là sinh viên năm 4 ĐHKT Huế. Khu vực chúng tôi sinh sống rất nhiều muỗi, bụi rậm nên buổi tối khi điện sáng là chúng bay vào đầy nhà không tài nào ngủ được”.

TP. Huế đã có 27/27 phường, xã bị dịch

Theo ghi nhận của Sở Y tế thì hiện trên địa bàn tỉnh, dịch bệnh đang ngày càng phức tạp. Tính đến ngày 11/8 đã có 770 ca bị sốt xuất huyết, dịch đã xuất hiện ở trên 69 xã, 9/9 huyện, thị xã, riêng TP. Huế có 27/27 phường, xã thông báo có dịch và một số địa điểm có ổ dịch đang bùng phát mạnh.

Qua cuộc “khảo sát”, chúng tôi nhận thấy hầu hết tâm lý của người dân nằm trong “rốn dịch” rất hoang mang. Thậm chí những người xưa nay không biết sốt xuất huyết là như thế nào bây giờ cũng cảm thấy sợ vì có thể mắc bệnh bất cứ lúc nào.

Nhận định diễn biến dịch đang có sự lan nhanh và khó kiểm soát nên ngày 15/7 UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ra chỉ thị phòng chống sốt xuất huyết. Tuy nhiên, tỷ lệ bệnh nhân mắc sốt xuất huyết vẫn không ngừng tăng cao.

Phát thuốc điều trị sốt xuất huyết

Ông Bùi Minh Bảo – Chánh văn phòng Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, nguyên nhân đợt bùng phát dịch ‘đỉnh” ở Huế này có thể một phần là do kỳ thi ĐH – CĐ vừa rồi. Trước đây Huế có mắc dịch sốt xuất huyết nhưng không đến mức báo động như thế này. Khi diễn ra kỳ thi, hàng ngàn người đến Huế và rất có thể bệnh sốt xuất huyết ủ bệnh và bùng phát một thời gian sau đó, ngoài ra do ý thức người dân trong công tác phòng chống sốt xuất huyết chưa cao.

Được biết, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế chưa phát hiện một ca bệnh sốt xuất huyết nào lạ. Hiện nay, Sở y tế tỉnh Thừa Thiên Huế đã chủ động công tác khống chế dịch trên toàn tỉnh với việc phun hóa chất khử trùng, diệt bọ gậy, tiến hành vệ sinh những nơi ẩm thấp, cây cối rậm rạp...

Ông Hoàng Văn Đức - Phó chánh văn phòng Sở y tế tỉnh TT. Huế cho biết, nguyên nhân bệnh viên quá tải do bệnh nhân tự đi lên các bệnh viên lớn để khám, không qua cơ sở y tế trong địa phương quản lý, một mặt do do lượng bệnh nhân đến từ một số địa phương khác đến điều trị nên dẫn tới vấn đề thiếu giường cho bệnh nhân điều trị.

Ngày 10/8, UBND tỉnh ra công điện khẩn yêu cầu các các cơ quan, ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh và các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn, chủ tịch UBND các huyện, thị xã và thành phố tiếp tục chỉ đạo triển khai quyết liệt công tác phòng, chống dịch SXH. Tăng cường công tác kiểm tra các đơn vị trực thuộc, chính quyền cơ sở để kịp thời xử lý những trường hợp không thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của cấp trên trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch SXH.

Hiện nay,tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn chưa công bố dịch. Theo giải thích của văn phòng UBND tỉnh, vì theo quy định thì khi có dịch bệnh chiếm 30% trở lên ở đơn vị phường, xã hoặc đơn vị hành chính có người mắc dịch, thì đơn vị cấp đó mới công bố dịch.


Trần Viết Long
 
 

Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2010

Hãy tham gia bình chọn cho người đẹp mà bạn yêu thích nhất.
Người đẹp được bình chọn nhiều nhất sẽ được nhận danh hiệu

"Người đẹp do khán giả bình chọn"cùng phần thưởng

50 triệu đồng và 01 xe Vespa LX hồng(trị giá 66 triệu đồng)

Soạn tin:HH  <Số Báo Danh>  <Số người bình chọn đúng>  gửi 8530

Xem danh sách thí sinh và thông tin chi tiết tại

http://binhchon.hoahauvietnam2010.vn

Bình luận
vtcnews.vn