Sáng mùng 1 Tết Quý Mão 2023, nhiều gia đình đưa con cái đi chơi, cầu may tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Đây là địa điểm mà cứ mỗi dịp Tết đến, Xuân về, người dân lại tới xin chữ đầu năm. Đây là nét văn hoá truyền thống đẹp của người Việt, bắt nguồn từ sự hiếu học, sự trọng chữ, trọng tri thức. Nét đẹp văn hóa ấy cho đến nay vẫn được các thế hệ con cháu trân trọng, lưu truyền.
Từ hơn 9h sáng đã có hàng ngàn người dân tới Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội) đi lễ cầu tài lộc và xin chữ đầu năm. Do lượng người đông đúc, bãi xe quanh khu vực Văn Miếu kín đặc phương tiện. Khu di tích Văn Miếu mở 4 cửa bán vé và thêm cửa phụ soát vé để tránh tình trạng ùn ứ phía cửa vào.
Khu vực bán vé phải mở 4 cửa để giảm nhiệt tránh cho người dân phải xếp hàng lâu.
Quầy xin chữ của các ông đồ thu hút rất nhiều sự quan tâm của người dân với đủ mọi lứa tuổi. Người trung niên thường xin chữ Tâm, chữ Đức, chữ Nhẫn. Còn thanh niên nam nữ xin chữ Danh, Duyên, Hiếu, Trung... Người biếu tặng bố mẹ xin chữ Tâm, An Khang, Bình An,... Còn mừng các cụ cao tuổi không thể thiếu chữ Thọ.
Thầy Nguyễn Văn Thuyết (71 tuổi) - Thầy đồ cho chữ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám nhiều năm cho biết: "Tục lệ xin chữ là một nét đẹp văn hóa của dân tộc ta. Trong tâm tưởng của người dân Việt Nam, chữ Hán là chữ của các bậc thánh hiền. Bên trong chữ Hán vừa ẩn chứa sự linh thiêng, vừa mang đến cho người xem được về chiều sâu của chữ. Việc xin chữ sẽ giúp con người ta mong muốn hướng về điều tốt, giúp cho con người thay tâm đổi tính".
Quốc Tử Giám là trường Đại học đầu tiên của Việt Nam, lưu giữ nhiều giá trị văn hóa liên quan đến học hành, thi cử. Nhiều người tin việc "xin chữ" sẽ mang lại nhiều may mắn về con đường học hành, công danh.
Các quầy xin chữ luôn đông kín người đến xin chữ
Bình luận