Ngày 23/7, Hà Nội mưa tầm tã từ sáng đến chiều, nhưng rất đông người dân vẫn đến chùa Quán Sứ để thắp nén nhang, tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Di ảnh của Tổng Bí thư được đặt trang trọng trong chùa Quán Sứ, xung quanh được trang trí hoa lan và cúc vàng. Ngày 19/7, trái tim của nhà lãnh đạo xuất sắc, người chiến sĩ cộng sản kiên trung Nguyễn Phú Trọng đã ngừng đập, để lại sự kính trọng, tiếc thương trong lòng chiến sĩ và đồng bào cả nước.
Chị Trần Thị Tố Tâm (ở huyện Đông Anh) xúc động khi nhắc đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. "Qua báo đài tôi biết chùa Quán Sứ lập bàn thờ để người dân đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nhìn thấy di ảnh của ông, tôi không cầm được nước mắt. Đối với tôi, ông là nhà lãnh đạo có tâm, có tài, có đức, cả cuộc đời hiến dâng cho nước, cho dân", chị Tâm xúc động chia sẻ.
Người dân tụng kinh cầu siêu cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Bà Vũ Thị Khanh (Phó Chủ nhiệm Hội Cựu chiến binh phật tử chùa Quán Sứ) cho biết, từ chiều nay bà đi cùng nhóm bạn đến chùa Quán Sứ để thắp nhang tưởng nhớ Tổng Bí thư. “Là một người dân ở xa và chưa một lần được gặp trực tiếp bác Nguyễn Phú Trọng nhưng gia đình tôi ai nấy đều rất kính trọng bác. Nghe tin bác mất, tôi rất buồn!”, bà Khanh bày tỏ.
Không chỉ có người lớn tuổi, nhiều bạn trẻ cũng đến đây để bày tỏ lòng thành kính, tiếc thương với nhà lãnh đạo trí tuệ, kiên trung, mẫu mực của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta.
Sau khi kết thúc buổi tụng kinh của nhóm phật tử, vẫn còn những người nán lại chùa Quán Sứ để tiếp tục tụng kinh cầu siêu và bày tỏ lòng thành kính tới Tổng Bí thư.
Tang lễ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức theo nghi thức Quốc tang, diễn ra trong hai ngày 25/7 và 26/7.Lễ viếng được tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, TP Hà Nội, bắt đầu từ 7h đến 22h ngày 25/7 và từ 7h đến 13h ngày 26/7. Lễ truy điệu được tổ chức lúc 13h ngày 26/7 tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông. Lễ an táng lúc 15h cùng ngày tại Nghĩa trang Mai Dịch, TP Hà Nội.
Bình luận