Ngày 5/7, bãi giữ xe rộng chừng 40m2 của Bệnh viện TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) dần được lấp đầy bởi dòng người kéo nhau tới làm giấy xét nghiệm COVID-19. Khu vực này cũng được bố trí bàn tiếp nhận hồ sơ đăng ký xét nghiệm COVID-19.
Sau khi được đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn, người dân được hướng dẫn khai báo y tế và ngồi giữ khoảng cách 2m để chờ tới lượt làm thủ tục xét nghiệm. Tuy nhiên, vì lượng người làm xét nghiệm quá đông nên việc giữ khoảng cách gặp phải nhiều khó khăn.
Ngồi chờ lấy mẫu xét nghiệm, ông Đỗ Văn Tuấn (trú tỉnh Lâm Đồng) lo lắng. Ông cho biết sau khi UBND tỉnh yêu cầu tất cả người đi, về các tỉnh thành phố đang có dịch phải có kết quả xét nghiệm âm tính, ông lập tức đi làm xét nghiệm ngay.
"Để về nhà nhanh, tôi đành chờ đợi làm xét nghiệm, tuy nhiên thời gian chờ quá lâu mà chi phí lại cao, 700.000 đồng/người", ông Tuấn phàn nàn.
Được biết, nhu cầu làm xét nghiệm COVID-19 bằng hình thức dịch vụ mới xuất hiện tại tỉnh này vào giữa tháng 6. Đại diện bệnh viện cho biết trước đây khoảng hơn 20 người làm xét nghiệm một ngày, số này đa phần là học sinh, sinh viên làm xét nghiệm theo yêu cầu của nhà trường.
Tuy nhiên 2 ngày gần đây, số người làm xét nghiệp tăng đột biến. Một ngày, hàng trăm người đến xét nghiệm và phần lớn là lái xe, người có nhu cầu đi đến các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông và TP.HCM.
Ông Phạm Đông Thanh - Giám đốc Cty TNHH vận tải ô tô An Phước (Đắk Lắk) cho biết, để có thể cho xe được thông hành, đơn vị phải cho hàng trăm lái xe và nhân viên phụ xe đi làm xét nghiệm COVID-19. Trong điều kiện dịch bệnh, số lượng khách giảm đi đáng kể khiến việc kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, việc xét nghiệm COVID-19 cũng phát sinh thêm kinh phí lớn cho doanh nghiệp.
“Đội ngũ lái xe di chuyển nhiều nơi, mỗi ngày tiếp xúc với rất nhiều người nên dù tốn kém kinh phí, chúng tôi vẫn sẽ cho nhân viên được xét nghiệm đầy đủ. Tuy nhiên không tránh khỏi việc họ dễ bị lây nhiễm hoặc Do đó, tôi kiến nghị họ cần được ưu tiên tiêm vaccine COVID-19”, ông Thanh bày tỏ.
Bà Nguyễn Thị Hoa - Bác sĩ chuyên khoa I, Phó Giám đốc Bệnh viện TP. Buôn Ma Thuột, cho biết nguyên nhân chính khiến lượng người làm xét nghiệm COVID-19 tăng đột biến là do yêu cầu phải có giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19 của nhiều địa phương.
Bệnh viện phải huy động lực lượng làm xuyên trưa để vừa đảm bảo công việc chuyên môn khám chữa bệnh vừa thực hiện xét nghiệm COVID-19 cho người dân. Kết quả xét nghiệm nhanh thường trả sau 1 giờ nhưng do lượng người quá đông nên thời gian trả kết quả lâu hơn.
"Dù kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 thì lực lượng chức năng vẫn khuyến cáo người dân không được chủ quan và phải chấp hành nghiêm quy định 5K phòng chống dịch bệnh của Bộ Y tế”, bác sĩ Hoa nhấn mạnh.
Từ ngày 27/4 đến 16h ngày 5/7, toàn tỉnh Đắk Lắk ghi nhận 6 ca mắc COVID-19.
Bình luận