• Zalo

Người dân cản trở, sau 15 tháng 20m đường ở Đà Nẵng không thể hoàn thành

Thời sựThứ Ba, 13/11/2018 17:17:00 +07:00Google News

Đã hơn 15 tháng triển khai, nút giao Túy Loan (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng, nằm đầu tuyến Dự án Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi vẫn chưa thể hoàn thành do bị người dân liên tục cản trở.

Đã hơn 15 tháng triển khai, nút giao Túy Loan, thuộc địa phận xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng (gói thầu số 1) nằm đầu tuyến Dự án Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, kết nối cao tốc, QL14B, đường tránh nam Hải Vân (sau này là đường cao tốc La Sơn - Túy Loan) vẫn chưa thể hoàn thành.

Nguyên nhân do người dân liên tục cản trở vì chưa thống nhất phương án giải tỏa đền bù, một số hộ chưa có đất tái định cư.

Trước tình hình này, chiều 12/11, ông Đặng Thương, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang chủ trì buổi tiếp dân giải quyết các vướng mắc về GPMB nút giao này.

tuyloan1

Hiện trường nút giao Túy Loan đã đình trệ hơn 1 năm qua. 

Theo lãnh đạo UBND huyện Hòa Vang, những vướng mắc này là do 39 hộ dân trước đây ở mặt tiền QL14B đang buôn bán mưu sinh, giờ có cao tốc đi qua, chuyển sang mặt tiền đường gom nhỏ hơn nên có nhu cầu giải tỏa hẳn.

Sau khi đề xuất và được Bộ Giao thông Vận tải chấp nhận, TP. Đà Nẵng đã giao cho huyện Hòa Vang và các đơn vị liên quan thực hiện di dời, giải tỏa các hộ dân này nhằm tạo mặt bằng cho đơn vị thi công dự án. 

Trách nhiệm giải phóng phần mặt bằng nằm ngoài Dự án là của địa phương, tuy nhiên đến nay địa phương chưa bố trí được mặt bằng để thi công đoạn đường gom còn lại khoảng 20m.

Sau 1 năm thực hiện, đến nay có 28 hộ đã được giải quyết, còn 11 hộ vướng mắc, cản trở không cho đơn vị thi công. Trong số các hộ dân chưa giao mặt bằng, cản trở thi công, có trường hợp chưa thống nhất phương án đền bù, một số trường hợp chưa có đất để tái định cư, một số khác yêu cầu được hỗ trợ cao hơn...

tuyloan2

Nhiều hộ dân không bàn giao mặt bằng vì những vướng mắc trong thủ tục giải tỏa đền bù. 

Tại buổi đối thoại, các hộ dân kiến nghị địa phương cần rõ ràng việc áp dụng các chính sách đền bù, hỗ trợ, bố trí tái định cư hợp lý để họ ổn định cuộc sống. Một số hộ có nguyện vọng ở lại khu vực nút giao, nhưng kiến nghị địa phương hỗ trợ hệ số đất từ QL14B vào đường gom...

Ông Đỗ Tiến (trú xã Hòa Nhơn) cho biết, tổng diện tích đất ở của ông trong sổ đỏ là 150m2. Hội đồng GPMB đã thu hồi 126,3m2 (gồm 88m2 đất ở và 38,3m2 đất ngoài khuôn viên) để thực hiện dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

“Tôi kiến nghị địa phương hỗ trợ phần diện tích đất ngoài khuôn viên theo giá đất ở để giúp chúng tôi giải quyết những khó khăn liên quan đến giải tỏa, ổn định cuộc sống”, ông Tiến nói.

Trong khi đó, bà Mã Thị Ly Ly cho biết, đã có ý kiến với chính quyền địa phương là ở lại trên khu đất cũ, không di dời và đồng ý không cản trở thi công. Đồng thời, bà Ly cũng đề nghị hỗ kinh doanh từ đường lớn vào đường nhỏ.

Kiến nghị này của bà Ly đã được hội đồng giải phóng mặt bằng đồng ý hỗ trợ với mức giá 2,85 triệu đồng/m2 đất ở còn lại.

Ông Nguyễn Đình Chạy đề nghị Hội đồng giải phóng mặt bằng ở lại trong căn nhà cũ trên khu đất diện tích 140m2 sát khu vực thi công và sửa sang lại căn nhà cũ để cha mẹ già ở.

Kiến nghị này được chính quyền đồng ý hỗ trợ 50 triệu đồng để gia đình ông ở lại nhưng phải xin giấy phép của cơ quan chức năng mới được sửa chữa nhà.

tuyloan3 3

15 tháng không thể hoàn thành 20m đường tại nút giao đầu tuyến cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi.

Tại buổi tiếp các hộ dân, lãnh đạo huyện Hòa Vang khẳng định sẽ vận dụng tối đa cơ chế chính sách để đền bù, hỗ trợ các kiến nghị chính đáng của người dân. Tuy nhiên, với những kiến nghị vượt quy định như các trường hợp chưa nhận được đất tái định cư, địa phương sẽ trả lời cụ thể khi làm việc với các ngành chức năng.

"Về cơ bản, sau buổi tiếp xúc, hầu hết hộ dân đồng thuận với những chính sách hỗ trợ của địa phương. Còn một số trường hợp đưa ra yêu cầu quá cao, chúng tôi tiếp tục vận động, thuyết phục cũng như kiến nghị cấp trên xem xét. Tuy nhiên, quan điểm của chính quyền địa phương là khi nhà thầu thi công, cần sự hỗ trợ thì địa phương sẵn sàng", ông Đặng Thương nói.

Cũng theo ông Thương, khu vực còn vướng, bị người dân cản trở chỉ dài chừng 20 - 25m. Trường hợp các hộ dân “yêu sách”, cản trở thi công, ngành chức năng cương quyết bảo vệ thi công, cưỡng chế mặt bằng. 

Video: Vì sao dân ngăn cản sửa cao tốc Đà Nẵng

XUÂN TIẾN
Bình luận
vtcnews.vn