Hiện có gần 40 hộ dân bằm nát sông Cu Đê (đoạn qua xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng ) để be bờ đắp hồ nuôi tôm đã bóp nghẹt dòng chảy, gây sạt lở bờ đối diện nhưng chính quyền địa phương chưa có biện pháp xử lý.
Theo ghi nhận của PV, dọc bờ sông Cu Đê, đoạn qua thôn Trường Định (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) hiện có hàng chục hộ dân be bờ lấn sông để nuôi tôm thẻ chân trắng.
Khoảng lấn sông của những đìa tôm này 50-70m và kéo dài về phía hạ lưu hơn 1km. Quá trình be bờ, múc cát làm hồ nuôi tôm trái phép khiến lòng sông Cu Đê đang bị thu hẹp, tạo nút thắt cổ chai, bóp nghẹt dòng chảy.
Tình trạng lấn sông, be bờ và làm kè tạm trái phép ven sông Cu Đê của người dân diễn ra suốt thời gian dài nhưng chính quyền không xử lý rốt ráo.
Lãnh đạo Phòng Môi trường huyện Hòa Vang thừa nhận, việc để người dân nuôi tôm tự phát và chưa có quy hoạch ở thôn Trường Định sẽ gây ra những tác động lâu dài về môi trường. Thực trạng lấn sông đã gây sạt lở bờ đối diện, buộc phải xây kè bê tông, nếu không ngặn chặn kịp thời, để người dân tiếp tục múc cát, be bờ mở rộng diện tích nuôi là rất đáng lo ngại.
Hiện người dân vẫn đang đóng cọc tre, be bờ lấn lòng sông mở rộng diện tích nuôi tôm trái phép. Theo Chi cục Thủy lợi và Phòng chống bão lụt TP Đà Nẵng, việc xây dựng, mở rộng ao nuôi trồng thủy sản lấn chiếm vào bãi bồi, lòng sông Cu Đê vi phạm Khoản 4, Điều 12 của Luật Phòng chống thiên tai năm 2013 và vi phạm các Điều 12, 13 và 14 của Nghị định 139/2013/NĐ-CP ngày 22/10/2013 của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính về khai thác, bảo vệ công trình thủy lợi.
Nhiều điểm vốn là bãi bồi tự nhiên, người dân hút cát từ lòng đìa đắp bờ cao hơn 2m tạo hồ nuôi tôm. Nhìn từ cầu Trường Định, phần lấn sông tạo nên nút thắt cổ chai, thu hẹp lòng sông khiến dòng chảy bị thay đổi đột ngột, rất nguy hiểm vào mùa mưa lũ.
CHÂU THƯ
Bình luận