Chị Lụa bước xuống xe ôm, tay chị ôm khư khư chiếc túi đựng quần áo. Chờ dòng xe đi lại bớt đông, chị từ từ bước sang đường đi về cổng Bệnh viện Việt Đức - nơi đứa con út của chị vừa mổ não do bị ngã cầu thang.
Rất lâu rồi chị Lụa mới có dịp lên Hà Nội. Lần này chị biết cuộc chiến dành sự sinh tồn cho con sẽ dài đằng đẵng. Nhìn con đang hôn mê nằm nơi phòng hậu phẫu, chị bật khóc như một đứa trẻ.
Sinh ra tại vùng quê xã Nam Dương, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định, chị kết hôn với anh Phạm Văn Tình năm 20 tuổi. Hai người đến với nhau qua quen biết, rồi người làng giới thiệu.
Trước khi lấy nhau, anh Tình vẫn ngây ngô và không được như người khác vì bố anh đi chiến trường bị nhiễm chất độc hóa học nên anh cũng bị ảnh hưởng. Ai bảo gì, hay thuê gì anh cũng làm, có khi làm từ sáng sớm đến tối mịt cũng chẳng lấy một đồng công nào, ai đưa bao nhiêu nhận bấy nhiêu.
Thấy bản tính anh hiền lành cũng như thương cho hoàn cảnh của anh, người con gái này gật đầu về sống chung một nhà. Họ nên duyên vợ chồng năm 2007.
Sau đám cưới, anh Tình được vợ chăm sóc, nhiều cái anh đã biết làm, nhưng anh chỉ làm khi có vợ ở đó, khi không có vợ anh cũng chỉ làm bâng quơ. Chị kể có khi bảo anh ra ruộng nhổ cỏ, cả ngày anh chỉ nhổ được 1m2 đến 2m2 cỏ dưới chân mình. Con cái cũng một tay chị chăm sóc từ bé đến tận bây giờ.
13 năm sống bên nhau, vợ chồng anh chị sinh được 3 người con. Con trai đầu của chị năm nay 12 tuổi, đứa con gái thứ hai được 10 tuổi và đứa út năm nay bước vào lớp 1. Những tưởng đó là những tia hy vọng cho cuộc đời chị, nhưng ông trời tiếp tục bắt chị phải chịu thêm gian nan thử thách, 3 người con sinh ra đều có vấn đề về giao tiếp và kém minh mẫn giống như bố chúng.
Bố chồng của chị là thương binh, ông nhiễm chất độc hóa học. Mẹ chồng chị vì chăm chồng và con trai nên sinh ra trầm cảm rồi tai biến liệt nửa người, giờ cũng lúc nhớ lúc quên.
Hàng ngày, một mình chị nai lưng chăm sóc cho 6 người thân mắc trọng bệnh. Thu nhập của cả gia đình ngoài những mẫu ruộng thì thêm được một khoản tiền trợ cấp nhỏ từ bố chồng và chồng.
Việc đồng áng chỉ mang lại thu nhập mỗi năm cho gia đình nghèo hơn 4 triệu đồng. Thương chị, những lúc vụ nông nhàn rỗi, bà dì bên ngoại rủ chị lên Hà Nội mưu sinh. Ai cần gì chị cũng làm, chị đi rửa bát, rồi làm phụ hồ, bê gạch gói cho người ta, rồi theo chân người quen chị lại bươn trải thêm nhiều việc khác, miễn sao có tiền để nuôi sống gia đình là được.
Từ khi sinh cậu con trai đầu, Lụa mắc trong mình căn bênh hen suyễn mãn tính. Nhiều khi đang làm chị phải ngồi dựa vào đâu đó, rồi thở nặng nề, khò khè như con mèo hen, không ít lần vì căn bệnh này mà Lụa phải vào bệnh viện phải cấp cứu thở máy. Giờ đi đâu chị cũng phải mang theo thuốc đặc trị hen suyễn trong người.
Người phụ nữ nghèo tham việc, một mình làm hết công việc từ cày bừa, gieo mạ, cấy 2 mẫu lúa, rồi lại làm những công việc nặng nhọc trong xây dựng. Hoàn cảnh éo le, cuộc đời lam lũ khiến chị già hơn nhiều so với tuổi 33.
Gom cơm thừa mang về cho con
Làm thuê trên Hà Nội được vài năm, chị Lụa đành xin nghỉ vì sức khỏe ngày càng giảm sút trầm trọng. Qua người quen, chị may mắn xin được vào nấu ăn và dọn dẹp cho trường mẫu giáo ở huyện.
Ở trường mẫu giáo, chị được giao phần quét dọn, nhặt rau, thái thịt. Một ngày làm việc (từ 5h30 đến 14h30), chị được trả 130 nghìn đồng. Số tiền tuy thấp hơn mức lao động chân tay, nhưng lại giúp Lụa không bị hao tổn sức khỏe như mấy năm trước.
"5h30 sáng, em bắt đầu dắt xe ra khỏi nhà, chạy xe hơn 5km để đến chỗ làm. Dù mọi ngày em đều đưa xe ra xa cổng với nổ máy, nhưng có hôm đứa út nghe tiếng xe máy của mẹ, nó bật dậy khóc lóc đòi đi theo em, em không dám nhìn nó mà phải phóng xe thật nhanh để con không chạy theo nữa. Những lần như thế chồng em hoặc con trai lớn đều ra bế cháu vào nhà cho cháu ngủ tiếp. Vừa chạy trên đường, vừa nghĩ đến con mà nước mắt cứ ầng ậc tuôn ra", chị Lụa nghẹn ngào tâm sự.
Cuối giờ trưa, sau khi các bé ở trường ăn xong và đi ngủ, chị lại xin nhà bếp cho gom chút thức ăn nấu thừa để mang về nhà cho các con. Với chị, nhìn lũ trẻ ăn ngon lành và no bụng là hạnh phúc lắm rồi.
Lũ trẻ có gì ăn nấy như vậy, nhưng với bố mẹ già Lụa luôn ra chợ chọn mua những phần thịt cá tươi, rau ngon về bồi dưỡng cho ông bà. Chị nghĩ vợ chồng và mấy đứa con còn trẻ, còn sức khỏe ăn gì cũng được, nhưng với bố mẹ chồng thì không thể ăn uống xuề xòa như thế.
Người con trai đầu nhà Lụa có phần lanh lợi hơn 2 đứa em, cậu biết thương mẹ, chả bao giờ đòi hỏi điều gì. Quần áo thì đi xin lại để mặc, mẹ đi vắng thì anh cả nấu cơm, rồi trông em.
Cô con gái thứ hai và đứa út lại giống hệt bố, các em không dám tiếp xúc người lạ, gương mặt lúc nào cũng thất thần. Nhiều khi bị những đứa trẻ khác trêu chọc hay đánh mắng, chúng cũng chỉ biết im lặng rồi đi về nhà.
Lụa kể: "Có những lúc em chở đứa út đi học mẫu giáo, qua cổng trường có mấy hàng bánh kẹo, nó đòi mua mà em phải cố đạp xe thật nhanh đi vì trong người lúc đó không có nổi 1 nghìn. Nhìn con người ta ăn uống đầy đủ, không thiếu cái gì, quay sang con mình đến cái kẹo cũng không mua nổi. Là người mẹ em tủi thân vô cùng".
Căn nhà mái bằng nơi gia đình Lụa sinh sống cũng được bên bố mẹ đẻ cô xây dựng cho. Thương con nghèo khó, mẹ của Lụa bàn với các anh chị em trong nhà. Người thì góp cát, người góp gạch, người không có thì góp ngày công, cuối cùng gia đình cô cũng có căn nhà kiên cố để tránh mưa gió.
Giành giật sự sống cho con
Điện thoại đổ chuông dồn dập, người nhà thông báo đứa con út lên 6 của cô bị ngã cầu thang khi đang chơi đùa. Chị Lụa tức tốc chạy về nhà, nhìn bề ngoài thằng bé chỉ bị sưng chút ở trán và bị vập môi. Thấy con lúc sau chơi đùa, cô nghĩ rằng mọi chuyện đã ổn, nhưng mọi chuyện đang chờ chị ở phía sau.
"Chiều tối, đứa út nhà em bắt đầu lả đi dần, không ăn uống được, mắt bắt đầu khó nhìn rồi một lúc sau nôn thốc nôn tháo, lúc này em mới hoảng thật sự. Vét hết trong nhà còn được 500 nghìn đồng, em điện cho bên ngoại rồi cùng người em trai đưa con lên bệnh viện tuyến huyện, một lúc sau lại đưa lên khoa cấp cứu Bệnh viện tỉnh Nam Định.
Bác sĩ sau khi khám kết luận cháu bị chấn thương sọ não và khuyên em nhanh chóng đưa cháu lên bệnh viện Việt Đức may ra còn hy vọng. Em như ngã khụy xuống, nhưng em sẽ không bao giờ để mất đứa con của mình", người mẹ 3 con chia sẻ.
Đưa 500 nghìn đồng cho người em để thuê taxi lên Việt Đức, tâm trí của chị rối bời. Giờ đây, người mẹ nghèo không biết dựa vào ai để lấy tinh thần, cô hoang mang tột độ. Trấn tĩnh một hồi cô quyết định ở lại quê, ngày hôm sau sẽ lên với con. Chị Lụa ở lại với mục đích duy nhất là đi vay tiền.
Bố mẹ ruột, rồi anh chị em họ hàng biết chuyện, không ai bảo ai đều bớt ra vài triệu gom lại cho chị. Tối hôm đó, chị cũng mượn được gần 20 triệu đồng để lo chi phí ban đầu cho con. Đêm hôm đó, người mẹ nghèo không thể ngủ được, cô chỉ mong trời sáng để ra xe lên Hà Nội.
Biết hoàn cảnh gia đình Lụa, UBND xã Nam Dương đứng ra vận động từng cán bộ quyên góp ủng hộ một ngày lương cho gia đình cô, thêm được đồng nào cho chị Lụa lúc này đều vô cùng quý giá.
Ông Phạm Quang Khải, Chủ tịch UBND xã Nam Dương chia sẻ: “Gia đình Lụa gần như là gia đình nghèo nhất của xã Nam Dương, vì vậy luôn được sự ưu tiên trong các vấn đề về chính sách. Hiện nay, anh Phạm Văn Tình và bố đẻ là ông Phạm Văn Đáng đều được hưởng trợ cấp tiền chính sách từ nhà nước. Khi biết tin cháu bé bị như vậy, chúng tôi cũng đã họp và kêu gọi mỗi người góp một tay với gia đình để mong cháu bé chữa khỏi bệnh để sớm trở về nhà”.
Ngồi góc nhỏ tại sảnh bệnh viện, giữ dòng người qua lại, Lụa mở nắm xôi nguội lạnh mua từ lúc sáng để ăn lót dạ. Cô cố gắng nuốt từng miếng xôi đã bị cứng lại, nhìn vào phòng đứa con đã ngủ thiếp đi từ lúc nào. Cuộc chiến này của chị Lụa với con mới chỉ bắt đầu và còn kéo dài trong nhiều tháng nữa.
Mọi sự ủng hộ của độc giả cho gia đình chị Lụa xin gửi về:
Báo điện tử VTC News: Số TK: 0021.0002.48991, Ngân hàng Vietcombank – Chi nhánh Hà Nội
Nội dung ủng hộ xin đề rõ: Đóng góp giúp đỡ gia đình chị Lụa ở xã Nam Dương, huyện Nam Trực, Nam Định.
Toàn bộ số tiền ủng hộ sẽ được VTC News chuyển đến cho nhân vật sớm nhất!
Độc giả cũng có thể ủng hộ trực tiếp cho gia đình chị Lụa thông qua số tài khoảnh TK 018041910016, Ngân hàng Liên Việt huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Tên chủ tài khoản: Pham Van Dat (anh chị Lụa).
Bình luận