• Zalo

Người đàn bà bệnh tim 15 năm “cõng” 2 người điên

Thời sựThứ Sáu, 28/05/2010 07:16:00 +07:00Google News

(VTC News) - 15 năm nay, mang trong mình căn bệnh tim tai quái nhưng chị Thu vẫn phải lao động vất vả để nuôi năm miệng ăn trong đó 2 người bị bệnh tâm thần...

(VTC News) - Gần 15 năm nay, có một người phụ nữ tuổi 40 chỉ biết sống trong âm thầm, đau đớn khi mọi gánh nặng gia đình đổ lên vai gầy guộc của chị. Mang trong mình căn bệnh tim tai quái nhưng chưa một ngày chị được nghỉ ngơi khi vẫn phải lao động vất vả để nuôi năm miệng ăn trong đó chồng và mẹ chồng bị bệnh tâm thần.

Lưng còng "cõng" 2 người điên

Từ thành phố Phủ Lý đi chừng 3km, chúng tôi tìm đến nhà chị Trương Thị Thu (xóm 10, thôn Phú Viên, xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng, Hà Nam), người mà khi chúng tôi hỏi thăm đường, ai cũng bảo: “Tưởng nhà nào, nhà chị Thu ở đây thì ai cũng biết. Chúng tôi gọi chị ấy là lưng còng cõng 2 người điên”.

Khi chúng tôi đến, cổng nhà chị bị một cành rào tre chắn ngang. Chưa kịp hiểu vì sao thì có tiếng cảnh báo vọng từ phía nhà kề bên: “Chú đừng vào bác ấy đánh cho đấy”. Lời cảnh báo ấy là của chị Bắc (em dâu chị Thu).


Ngôi nhà cũ nát mà gia đình 5 người của chị Thu đang sống 

Nhìn vào trong nhà, cách tôi chừng 4 mét là một người đàn ông tầm tuổi trung niên đầu tóc bù xù đang ngồi bệt dưới gốc cau, miệng lảm nhảm nói những câu vô nghĩa. Chị Bắc kể: “Người đang ngồi trong đó là bác Sự, chồng chị Thu đấy. Bác ấy bị bệnh thần kinh đã 15 năm nay rồi. Hay đập đánh lung tung lắm. Chú vào thì phải cẩn thận”.

Đang trò chuyện cùng chị Bắc thì chị Thu trong nhà bước ra. Người phụ nữ dáng người cao, da xanh xao, khắc khổ. Chị tiếp chúng tôi trong một gian nhà lụp xụp chưa đầy 10 mét vuông với một cái giường cũ kỹ chiếm lấy hơn nửa diện tích căn phòng, cái tủ quần áo thì ọp ẹp dựng phía góc nhà. Đáng giá nhất có lẽ chiếc ti vi đời cũ được đặt ngay trên chiếc kèo nhà. Cả ngôi nhà không có lấy một chiếc ghế để khách ngồi. Nghe tôi hỏi về hoàn cảnh, chị Thu nghẹn ngào: “Vợ chồng em lấy nhau đã lâu, đứa lớn là Trần Văn Chung năm nay 16 tuổi, đứa nhỏ là Trần Văn Hiếu năm nay đang học lớp 8. Cũng chính từ lúc sinh thằng Chung thì chồng em là anh Trần Văn Sự tự nhiên đau đầu choáng váng rồi ngất xỉu, tỉnh dậy thì nói năng lảm nhảm đến tận bây giờ”.

Những câu chuyện không đầu, không cuối được chị Thu chắp nối bởi những giọt nước mắt. Chị là người làng bên, sinh năm Mậu Thân, ít hơn chồng nửa giáp. Chị về làm vợ của anh Sự được bao nhiêu năm thì căn nhà này cũng bấy nhiêu tuổi. Từ ngày xây nhà lên đến giờ, vợ chồng chị chỉ mua thêm được hai mái tấm tôn lợp ngoài hiên để mưa nước đỡ tạt vào. Mái ngói đã vỡ khắp nơi, ánh nắng mặt trời soi vào nhà loang lổ. Chị túm áo lau vội những giọt nước mắt: “Vào mùa mưa ở trong nhà cứ như ngoài trời. Hôm nào mưa to, mấy mẹ con tát nước òm ọp cả đêm”.

Không chỉ có chồng bị bệnh thần kinh mà mẹ chồng chị cũng mắc phải căn bệnh quái ác này. Chị Thu kể: “Bà là Trương Thị Lới, năm nay đã ngoài 84 tuổi. Bà vốn bị bệnh từ lúc bẩm sinh, bây giờ tuổi càng cao bệnh càng nặng hơn. Có những lúc bà lên cơn, bà cũng chửi bới và đập phá đồ đạc không kém gì con trai mình”.

Năm 2007, trong dự án xóa nhà tạm bợ,  hộ bà Lới được xã hỗ trợ 2 triệu đồng. Các con góp thêm vào được 5 triệu và xây cho bà một căn nhà rộng gần 30 mét vuông ngay trong vườn nhà chị Thu. Nhưng ngôi nhà đóng cửa suốt ngày. Chị Thu kể: “Có hôm lên cơn bà còn mang rơm vào nhà đốt khói mù mịt. Bà quanh năm suốt tháng chỉ mặc áo bông dù giữa trưa hè nóng bức cũng không biết. Thậm chí có bữa đang ăn cơm bà còn lấy đũa, thìa chọc vào ổ điện chửi bới". Vì sợ nguy hiểm đến tính mạng bà mà chị Thu không dám mắc điện vào nhà. Vì thế bà Lới phải sống trong bóng tối.

Chị Thu bên đống sổ sách khám bệnh của gia đình.

Chị kể tiếp: “Khổ nhất là những lúc anh Sự và bà lên cơn chửi bới lung tung, đập phá các đồ đạc trong nhà. Hôm trước vì lúc lên cơn mà anh đã đánh vào đầu phải đi khâu mấy mũi đây này”, vừa nói chị vừa vạch mái tóc sạm đen  ra chỉ chỗ vết thương cho tôi xem.

Giờ ở cái làng này ai cũng quen cái cảnh anh Sự cứ tầm 10 giờ trưa là đi ra ruộng đến khoảng 3 giờ chiều mới về nhà. Tính ra từ ngày phát bệnh tới giờ rất hiếm lần anh ngồi ăn cùng với vợ con một bữa cơm. Mỗi tháng anh được nhà nước trợ cấp cho 180 nghìn nhưng chẳng thấm vào đâu. Bệnh tình của anh càng ngày càng nặng, đã hàng chục lần chị gom góp tiền đưa anh đi chữa bệnh ở nhiều nơi nhưng cũng không khả quan hơn.

Người bệnh nuôi người bệnh

Kể từ ngày anh Sự đổ bệnh, chị Thu một mình gánh vác gia đình. Cuộc sống tinh thần thiếu thốn vì không có sự chia sẻ từ chồng đã đành, vật chất lại càng khốn khó. Chị làm quần quật, hết việc đồng áng thì đi khuân vác, phụ vữa, không có việc nào là chưa qua tay chị. Làm lụng vất vả là thế những vẫn không đủ nuôi 5 miệng ăn vì thế chị cũng không biết xoay đâu để có tiền chữa bệnh cho chồng.

Sau lần lo ma chay cho bố chồng, chị đổ bệnh. Do không có tiền mua thuốc nên bệnh của chị mãi không khỏi. Chị nghẹn ngào kể: “Đầu tháng 2/2008, chồng tôi ở bệnh viện tâm thần về thì 3 tháng sau tôi nhập viện tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam. Lúc đó may nhờ có bảo hiểm y tế của hộ nghèo chi trả viện phí không thì tôi chẳng biết phải làm sao. Bác sĩ  bảo tôi lao động vất vả, ăn uống lại không đầy đủ nên bị suy nhược cơ thể, dẫn đến suy tim. Họ bảo phải phẫu thuật mới khỏi mà nhà tôi thì làm gì có tiền, thôi về trời cho thì sống vậy”.

Điều làm chị Thu day dứt là  trong đợt xét duyệt hộ nghèo năm 2009, gia đình chị không còn được diện hộ nghèo nữa với lý do mà xóm trưởng đưa ra là do nhà chị nộp sản phẩm (thuế - PV ) chậm nên bị cắt. Khó khăn lại càng khó khăn chồng chất khi chị nằm viện mà không có thẻ bảo hiểm y tế của hộ nghèo. Không thuộc diện hộ nghèo nữa đồng nghĩa với việc không được miễn giảm bất kì một khoản đóng góp nào tại địa phương.

Không chỉ chăm chồng bị tâm thần, mẹ chồng chị Thu cũng mắc phải căn bệnh này

Không còn cách nào khác, chị phó mặc bệnh tật, khăn gói về nhà. Chị kể tiếp: “Mấy tháng đầu về sức khỏe còn yếu tôi phải chống gậy để đi lại. Ngất xỉu với tôi là chuyện thường ngày. Có lần ra vườn làm cỏ tôi bị ngã  nằm luôn ngoài ấy, may mà có người hàng xóm đi ngang nhìn thấy rồi đưa tôi vào nhà”. Nhà chị có mấy sào ruộng, được nhà nước đền bù ít nhiều thì đổ hết vào tiền thuốc. Chị Thu rầu rĩ: “Bệnh của tôi tiền thuốc đắt lắm, chỉ khi nào đau quá tôi mới mua”. Vừa nói vừa với tay kéo một ngăn tủ để đầy thuốc giảm đau, nhìn trong đống thuốc mãi tôi mới thấy được vài viên thuốc bổ.

Đất ở xung quanh nhà chị khoảng hơn trăm mét vuông trồng cau và vài gốc cà. Sức yếu không làm được việc nặng, chị xin đi làm tạp vụ cho công ty ở ngoài thành phố Phủ Lý. Chị khoe: “Tháng đầu thử việc người ta trả tôi được 800 nghìn nhưng giờ tôi được tăng lương rồi đấy”. Tôi hỏi bao nhiêu chị trả lời chắc nịch: “1 triệu chú ạ”. Rồi giọng chị trầm xuống: “Họ trả tôi 1 triệu là may lắm rồi, tôi yếu như thế này còn làm được việc gì nữa đâu. Việc tuy nhẹ nhưng độc hại lắm... không biết rồi sức khỏe có làm được lâu nữa không”. Vừa nói chị vừa tỏ ra vừa lo lắng về cả mức thu nhập 1 triệu đồng của mình có khi không giữ được. Tôi hỏi chị làm ở công ty nào, đang cuối cơn ho chị hoảng hốt: “Chú đừng đến đó người ta biết tôi bệnh tim thì họ đuổi việc tôi mất”. Một triệu đồng với người đàn bà này thật lớn.

Bao nhiêu vất vả khổ cực chị chịu đựng đã đành nhưng rồi niềm an ủi và hi vọng lớn nhất với chị Thu cũng đã bị vụt tắt khi cuối năm học 2009, em Chung, con cả của chị, bỏ học khi mà chỉ còn mấy tháng nữa là em tốt nghiệp trung học cơ sở. Lý do em bỏ học là để đi làm thuê phụ giúp mẹ kiếm tiền trang trải cuộc sống gia đình. “Chung bỏ học mà nó giấu tôi. Mãi đến khi các bạn và cô giáo đến nhà tôi mới biết. Tôi khuyên cháu đi học thì nó bảo: "Mẹ để con đi làm lấy tiền về chữa bệnh cho bố mẹ, nhà mình để thằng Hiếu đi học là được rồi". Tôi thương nó quá, mới 16 tuổi đã phải xa nhà đi kiếm việc làm ở mãi trong miền Nam rồi không biết ra sao”, chị Thu nói trong nước mắt.

Trước hoàn cảnh gia đình như thế đúng là cháu Chung khó có sự lựa chọn nào khác. Bữa cơm trưa chỉ có chị Thu với thằng Hiếu. Anh Sự và người mẹ chồng già yếu được ưu tiên ăn trước. Trong mâm có vài quả cà và lõng bõng bát nước canh. Bữa trưa của những người đang bệnh.

Nguyễn Khoát

Bình luận
vtcnews.vn