• Zalo

Người đàm phán Hiệp định Thương mại với Mỹ bằng triết lý ‘thợ cày’

Thế giớiThứ Hai, 13/07/2015 11:47:00 +07:00Google News

"Muốn có đường cày thẳng thì đừng nhìn vào đít con bò mà phải hướng ra phía xa", ông Nguyễn Đình Lương, nguyên Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định Thương mại Việt Mỹ

"Muốn có đường cày thẳng thì đừng nhìn vào đít con bò mà phải hướng ra phía xa", ông Nguyễn Đình Lương, nguyên Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định Thương mại Việt Mỹ chia sẻ.

Gần đến ngày 15 năm ký Hiệp định Thương mại Việt Mỹ - BTA (13/7/2000-13/7/2015), ông Nguyễn Đình Lương hay phải tiếp nhà báo. Tiếp chúng tôi tại nhà riêng, ông Lương mặc một chiếc áo phông cũ có chữ New York trước ngực dù được báo trước là sẽ có chụp hình.
Ông Nguyễn Đình Lương luôn nhận mình là nông dân khi đi đàm phán hiệp định thương mại với Mỹ
Ông Nguyễn Đình Lương luôn nhận mình là nông dân khi đi đàm phán hiệp định thương mại với Mỹ - Ảnh: Zing News
Nguyên Trưởng đoàn đàm phán BTA nói rằng, ông đã mặc comple, cà vạt hàng chục năm khi đi đàm phán rồi. Lúc nghỉ hưu, ông muốn thoải mái và đúng với bản chất nông dân của mình hơn.

Trên mặt bàn của phòng khách nhỏ là 2 quyển sách (một dày, một mỏng), và chiếc điện thoại Nokia “cục gạch” mà ông Lương dùng hàng ngày. Đặc biệt, một chiếc cà vạt cũ được đặt trang trọng phía trên 2 quyển sách về BTA.

“Người nông dân” cho biết, đó là món quà mà ông được “người đặc biệt” tặng sau khi ký kết hiệp định.

Trứng gà, trứng vịt và cú sốc với người Mỹ


Năm 1994, ông Lương sang Mỹ lần đầu tiên nhân một cuộc triển lãm hàng Việt Nam tại San Francisco. Điều khiến ông bất ngờ là từ sáng đến tối có những người luôn hô to khẩu hiệu phản đối. Khi đi ngang qua, chiếc cadilac có kính chống đạn chở ông và đoàn Việt Nam lãnh đủ trứng gà, trứng vịt... nổ lốp đốp bên ngoài xe.

Khi bước vào vòng đàm phán BTA, qua nhiều cuộc trao đổi với phía Mỹ, Trưởng đoàn phía Việt Nam hiểu rằng, cả 2 bên đều phải xử lý các vấn đề không chỉ liên quan đến những chương trình trong luật, quy chế mà còn là nỗi ám ảnh từ quá khứ.

Trong nhiều năm “cày cuốc” với những điều khoản của hiệp định, một kỷ niệm khiến ông Lương rất nhớ là chương về dịch vụ. Cũng như với các nước khác, Mỹ sẽ đề nghị mở cửa toàn bộ và quốc gia đàm phán chỉ được bảo lưu theo một danh mục, lộ trình những vấn đề cần thiết.
'Muốn có đường cày thẳng, đừng nhìn vào đít con bò' - Ảnh: Zing News
Khi phía Việt Nam đề nghị bỏ hoàn toàn chương này và viết lại thì phía Mỹ hơi sốc. Ông Lương giải thích, Việt Nam chưa có các luật lệ về dịch vụ nên không thể thiết kế được các danh mục bảo lưu.

Sau đó, khi các luật sư của “đất nước cờ hoa” thảo luận kỹ thì họ đồng ý với ông Lương và chương về dịch vụ của BTA được viết lại hoàn toàn. Đây có thể coi là lần đầu tiên người Mỹ thực hiện một ngoại lệ như vậy khi đàm phán song phương.

Triết lý “thợ cày”

Ông Nguyễn Đình Lương tự nhận mình là nông dân khi đi đàm phán BTA. Để có thể hoàn thiện nhiều bài vở, chuẩn bị tốt cho những phiên thảo luận căng thẳng và cân não, vị trưởng đoàn cho biết: “Đó là nhờ công lao vất vả của tất cả thành viên trong đoàn”. Điều khác biệt mà ông Lương đem đến và được các thành viên trong đoàn Việt Nam chia sẻ là triết lý “thợ cày”.

“Cha tôi là một thợ cày giỏi. Ông dạy tôi rằng, nếu muốn có đường cày thẳng thì đừng nhìn vào đít con bò mà phải hướng ra phía xa. Ông cũng luôn nhắc nhở tôi về sự chân thành và trung thực trong cuộc sống. Tôi mang theo những điều đó trong suốt tiến trình đàm phán”, ông Lương giải thích.

Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam cho biết thêm, khi thảo luận về BTA, mọi thứ đều mới với cả 2 phía. Nếu chỉ nhìn vào những quy định hiện tại, những cái lợi trước mắt, áp lực của ám ảnh quá khứ… thì 2 bên sẽ không thể đạt được sự đồng thuận. “Trong cuộc chơi này, nếu cứ nhìn ‘đít con bò’ thì sẽ không thoát được. Phải nhìn vào thời đại, thế giới và tương lai đất nước thì mới thấy đường đi”, ông Lương nhận xét.

Sau khi BTA được ký, trong một bài viết cho Thời báo Kinh tế Sài Gòn số 1/2001, Joe Damond – Trưởng đoàn đàm phán BTA của Mỹ chia sẻ: “Tôi rất khâm phục đối tác của tôi – ông Nguyễn Đình Lương. Theo thời gian, tôi đã học cách hiểu rõ không những tầm nhìn mà còn là sự tin cậy vào lời nói của ông…”.

Sự thẳng thắn của anh “thợ cày”

Trong số những chương được sửa đổi nhiều nhất, các quy định về thuế là kết quả điển hình nhờ sự thẳng thắn nhưng chân thành của Trưởng đoàn Việt Nam.

Khi hai bên tranh cãi tưởng như khó có đồng thuận, ông Lương phân tích, Việt Nam chỉ có thuế xuất nhập khẩu là nguồn thu chính cho ngân sách, trong khi Mỹ chiếm có 2% và phần lớn đến từ thuế tài nguyên, tài sản, thu nhập cá nhân, VAT (lúc đó Việt Nam chưa có)…

“Tôi nói với Joe Damond, ở Việt Nam lương của tôi chỉ đủ ăn, lấy đâu ra mà nộp thuế thu nhập, căn hộ Nhà nước cho thì làm sao có thuế tài sản… Nếu cứ khăng khăng đòi giảm thuế xuất nhập khẩu thì khó có thể ký hiệp định. Và họ hiểu”, nhà đàm phán theo triết lý “thợ cày” hào hứng kể.

Video ông Nguyễn Đình Lương chia sẻ về đàm phán Hiệp định Thương mại Việt Mỹ

Ông Lương không chỉ áp dụng triết lý của “thợ cày” khi đàm phán với phía Mỹ. Ông cũng có phát ngôn tương tự khi nói về lý do phải đặt lộ trình mở cửa với những ngành được coi là nhạy cảm lúc đó và doanh nghiệp Việt chưa mạnh như ngân hàng, viễn thông…

“Ở Việt Nam thì mình coi là nhạy cảm chứ trên thế giới thì đó là những ngành kinh tế đang phát triển rất mạnh, cần phải mở ra thì doanh nghiệp mới lớn được”.

Ông cũng bổ sung, từ khi ngành viễn thông xoá độc quyền, mở cửa cho đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp trong nước không chỉ phát triển rất mạnh mẽ mà còn ghi dấu ấn trên bản đồ thế giới.

Cơ hội bị bỏ lỡ và sự ngọt ngào trên bàn đàm phán

Tháng 9/1999, cuộc đàm phán dài 4 năm, qua 3 đời Bộ trưởng Thương mại tưởng như đã đi đến hồi kết với hầu hết các nguyên tắc cơ bản được thống nhất. Ngày 1/9/1999, ông Lương nói chuyện với người đồng nghiệp ngang cấp phía Mỹ về khả năng hoàn tất, yêu cầu chỉnh sửa 10 điểm mang tính kỹ thuật

Thế nhưng, BTA đã không được ký vào năm diễn ra Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Newzealand dù đây là cơ hội tốt để Việt Nam ghi dấu ấn với thế giới. “Tôi cũng buồn nhưng đó cũng có thể là cơ hội để mọi người nhìn nhận rõ hơn những gì cần cho sự phát triển của đất nước”, ông Lương kể lại với giọng hơi trầm.

Ngày 13/7/2000, BTA được ký kết, ông Lương và các đồng nghiệp hoàn tất một sứ mệnh lịch sử trong tiến trình hội nhập của Việt Nam. Cũng ngày đó, ông Lương nhận được món quà là chiếc cà vạt từ bà Virginia Foote – Chủ tịch Hội đồng Thương mại Mỹ - Việt. Bà Foote cũng là “người đặc biệt” với vị Trưởng đoàn Việt Nam.
Nếu không có trục trặc vào phút chót, BTA đã được ký vào năm 1999
Nếu không có trục trặc vào phút chót, BTA đã được ký vào năm 1999 - Ảnh: Zing News 
Trong những năm tháng đàm phán khó khăn, bà Foote luôn dành cho ông Lương sự quan tâm dễ chịu. Mỗi lần đến Mỹ, khi bước vào phòng, ông Lương thường thấy trên bàn một bình hoa đẹp nhất của mùa đó ở xứ sở cờ hoa, kèm tấm danh thiếp của người phụ nữ này. Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam cũng có một bức ảnh chụp chung với bà Foote tại Lầu Năm góc Bộ Quốc phòng Mỹ nhưng phải mấy năm sau ông mới dám khoe mọi người.

Tháng 11/2000, Tổng thống Bill Clinton sang thăm Việt Nam. Các bạn ở Nhà trắng mang sang tặng ông Lương tấm ảnh Tổng thống tiếp Trưởng đoàn đàm phán BTA của Việt Nam tại Nhà trắng.

Bức ảnh được đóng trong khung gỗ đẹp có giấy viền xanh được ông Lương giữ làm vật kỷ niệm treo trong nhà. “Món quà đó là một niềm vui lớn, là vật kỷ niệm quý nhất của đời tôi”, nguyên Trưởng đoàn đàm phán BTA tâm sự.

Khi được hỏi về vòng đàm phán TPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương) của Việt Nam sắp tới, nguyên Trưởng đoàn đàm phán BTA nói: “Đàm phán TPP khó hơn bởi nó không đơn thuần về kinh tế. Đó là những điều vượt tầm của người đi đàm phán và tôi chia sẻ về khó khăn với họ”.

Trưởng đoàn đàm phán TPP của Việt Nam hiện nay là Trần Quốc Khánh – Thứ trưởng Bộ Công Thương, một thành viên trong đoàn đàm phán BTA với ông Lương trước đây.

Nguồn: Zing News

Bình luận
vtcnews.vn