• Zalo

Người cơ trưởng dành cả cuộc đời gắn bó với Đoàn bay 919

Đời sốngThứ Ba, 16/04/2024 17:42:12 +07:00Google News
(VTC News) -

Gần nửa thế kỷ gắn bó, cơ trưởng Lê Minh Tiến từ chàng trai trẻ đam mê chinh phục trở thành một phi công lão luyện, dành cả cuộc đời cống hiến cho Đoàn bay.

Sự an toàn là áp lực và trách nhiệm lớn nhất của mỗi phi công

Bắt đầu trở thành phi công từ năm 1977 và gắn bó với Đoàn bay 919, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) từ năm 1980, cơ trưởng Lê Minh Tiến đã có 44 năm cống hiến - quãng thời gian đủ dài để ông chứng kiến nhiều dấu mốc lịch sử của Đoàn bay cũng như ngành Hàng không dân dụng Việt Nam.

“Ngày xưa chỉ có một số máy bay vận tải như AN2, IL14, TU 134… thôi, nhưng từ khi đất nước mở cửa hội nhập, các loại máy bay mới bắt đầu được Việt Nam đưa vào khai thác, phi công Đoàn bay được làm quen với các loại máy bay mới, kỹ thuật mới. Đó thực sự là một bước chuyển đổi ngoạn mục của Đoàn bay 919”, cơ trưởng Lê Minh Tiến chia sẻ.

Cơ trưởng Lê Minh Tiến - người dành cả cuộc đời gắn bó với Đoàn bay 919.

Cơ trưởng Lê Minh Tiến - người dành cả cuộc đời gắn bó với Đoàn bay 919.

Nói về áp lực lớn nhất của một phi công, vị cơ trưởng khẳng định: Đó là sự an toàn. “Không áp lực sao được khi phía sau khoang lái là tính mạng của hàng trăm hành khách cùng phi hành đoàn?”, ông thổ lộ. Đây vừa là áp lực, vừa và niềm tự hào của vị cơ trưởng 65 tuổi.

Để đảm bảo nguyên tắc “An toàn là số 1”, các phi công của Đoàn bay 919 luôn được kiểm tra, giám sát thường xuyên bằng các hệ thống quản lý và các chương trình đánh giá.

Sau mỗi chặng bay, dữ liệu của toàn bộ hành trình bay sẽ được kiểm tra, phân tích số liệu để đánh giá sự an toàn trong hành trình bay, các thao tác, kỹ thuật của phi công.

Nếu phát hiện bất cứ vấn đề nào, phi công có thể bị kỷ luật và không được phép bay để đi đào tạo lại. Mỗi năm, các phi công sẽ phải trải qua 2 kỳ bay trên buồng mô phỏng, được rèn luyện và đào tạo kỹ năng xử lý các vấn đề trong quá trình bay, từ cháy nổ, hỏng hóc động cơ...

“Phi công phải xử lý được các bài kiểm tra xử lý tình huống trong buồng lái mô phỏng thành công thì mới được phê chuẩn bay”-  ông Tiến cho hay.

Cơ trưởng Tiến (ngoài cùng bên phải) cùng thế hệ phi công trẻ của Đoàn bay 919.

Cơ trưởng Tiến (ngoài cùng bên phải) cùng thế hệ phi công trẻ của Đoàn bay 919.

Ngần ấy năm lái “chim sắt” bay trên bầu trời với kinh nghiệm dày dặn, song ông thừa nhận công việc này chưa bao giờ thôi đòi hỏi các phi công phải trau dồi, cập nhật kiến thức, để mỗi chặng bay là một hành trình “nối những bờ vui”.

Gần nửa thập kỷ gắn bó với Đoàn bay và những “lần đầu tiên” đáng tự hào

44 năm làm nghề với cơ trưởng Lê Minh Tiến gắn bó với rất nhiều “lần đầu tiên”.

Đó là lần đầu tiên được tham gia lớp học tiếng Anh do chuyên gia của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) tổ chức năm 1986. Cầm quyển sách tiếng Anh trên tay, ông bối rối vì không biết mặt chữ, cảm thấy mình như bắt đầu lại từ đầu.

Sau 8 tháng chuyên tâm học tập, kèm theo sự chăm chỉ rèn luyện sau khóa học, trình độ ngoại ngữ của ông ngày càng tăng. Điều đó giúp ông trở nên thuận lợi hơn khi bắt đầu với những chuyến bay thương mại trong nước rồi ra dần quốc tế.

Cơ trưởng Tiến và phi hành đoàn trong chuyến bay hỗ trợ thời điểm COVID-19.

Cơ trưởng Tiến và phi hành đoàn trong chuyến bay hỗ trợ thời điểm COVID-19.

Lần đầu tiên lái những chuyến bay thương mại vượt khỏi biên giới Việt Nam bay sang Bangkok (Thái Lan). Đây là chuyến bay do UNICEF thuê để chở người tị nạn từ những năm 1990.

“Thời kỳ đó Internet chưa phát triển, phi công không có bất cứ thông tin gì về sân bay nước bạn. Mọi thứ đều mơ hồ. Tổ bay luôn phải giữ liên lạc sát sao với trạm không lưu mặt đất, nghe kỹ các hướng dẫn để hạ cánh an toàn”, cơ trưởng Tiến kể.

Lần đầu tiên bay vào vùng chiến sự để chở đồng bào Việt Nam về nước. Chuyến bay giải cứu công dân từ Libya về nước kéo dài gần 30 tiếng, bay sang tới nơi là 14 tiếng, về 14 tiếng và hơn 1 tiếng để nạp dầu.

Cơ trưởng Tiến xúc động khi nhớ lại: “Tại sân bay, tôi đã được chứng kiến sự vui mừng của những người dân khi nhìn thấy máy bay Việt Nam.

Họ phải đi từ các vùng chiến sự đến, hầu hết ở khu biên dưới mấy ngày liền, thực phẩm không có, thậm chí quần áo bị rách. Khi lên máy bay, chúng tôi nói với các tiếp viên, có bao nhiêu đồ ăn hãy mang hết ra cho bà con. Phi hành đoàn không cần”.

Dù áp lực công việc luôn thường trực nhưng với cơ trưởng Lê Minh Tiến, nghề phi công cũng mang đến nhiều “đặc quyền”. Đó cũng là cánh cửa để ông sải cánh tới bầu trời rộng lớn của thế giới, đi khắp năm châu, mở mang tầm nhìn và một cuộc đời rực rỡ sắc màu.

Đằng sau mỗi chuyến bay thành công là “hậu phương” vững chắc

Nói về những tố chất cần có của một phi công, cơ trưởng Tiến cho rằng sức khỏe là điều kiện quan trọng nhất. Do đặc thù công việc, có những chuyến bay kéo dài hàng chục tiếng đồng hồ luôn bào mòn sức khỏe của các phi công.

Sự an toàn là điều quan trọng nhất trong mỗi chuyến bay của vị cơ trưởng lão luyện.

Sự an toàn là điều quan trọng nhất trong mỗi chuyến bay của vị cơ trưởng lão luyện.

Ngoài ra còn có những yếu tố khác tác động tới sức khỏe mà người lái máy bay phải đối mặt hàng ngày như: khoang lái với đủ loại bức xạ từ các máy móc, sự thay đổi thời tiết, múi giờ chênh lệch, chênh lệch áp suất trên không...

Không chỉ đánh đổi bằng sức khỏe, những phi công như cơ trưởng Tiến còn phải hi sinh phần lớn thời gian cho bản thân, gia đình.

“Ngày xưa, mạng Internet chưa phổ biến như bây giờ. Mỗi lần đến một quốc gia khác phải tìm mua sim để liên lạc về nhà. Bây giờ liên lạc dễ dàng hơn, nhưng “nước xa không cứu được lửa gần”, nhiều khi con ốm sốt hay gia đình có công việc quan trọng không thể có mặt được vì phải chuyên tâm làm nhiệm vụ” - vị cơ trưởng chia sẻ.

Có lẽ cũng vì vậy, cơ trưởng Tiến luôn biết ơn “hậu phương” vững chắc, thương bà xã chịu nhiều thiệt thòi, cũng luôn cảm ơn vợ vì đã thấu hiểu cho công việc của chồng.

Với tinh thần trách nhiệm cao cả, cơ trưởng Lê Minh Tiến đã xuất sắc hoàn thành hàng ngàn chuyến bay an toàn, góp phần đưa hàng triệu hành khách đến đích an toàn.

Hành trình gắn bó với bầu trời của cơ trưởng Lê Minh Tiến là lời khẳng định cho giá trị của nghề phi công - một công việc cao quý và đầy vinh quang.

Họ là những người mang trên mình “sứ mệnh bầu trời”, kết nối những vùng đất mới. Hơn 40 năm tận tâm cống hiến, cơ trưởng Lê Minh Tiến đã góp phần tạo nên thành công của Đoàn bay 919 - niềm tự hào của ngành Hàng không Việt Nam.

Nhật Lệ
Bình luận
vtcnews.vn