Người “chơi” len

Tổng hợpThứ Sáu, 25/11/2011 12:41:00 +07:00

Một sự trầm mặc, ấm áp nhưng vẫn toát lên vẻ phóng khoáng và bay bổng. Mỗi bức tranh tựa như một khúc hát, một câu chuyện gửi tới người xem.

Từng xem nhiều loại hình tranh, nhưng những bức tranh thêu len của Hồng Vân quả thực mang tới cho tôi một cảm giác rất đặc biệt. Một sự trầm mặc, ấm áp nhưng vẫn toát lên vẻ phóng khoáng và bay bổng. Mỗi bức tranh tựa như một khúc hát, một câu chuyện gửi tới người xem. Này là phiên chợ tình vùng cao đông vui, rộn rã; này là những cô gái Thái xinh đẹp, tươi trẻ; này là làn điệu quan họ đong đưa, kẻ ở người về… Và xâu chuỗi lại tất cả những bức tranh ấy là câu chuyện dài của những sợi màu kể về đôi bàn tay tài hoa, tỉ mẩn, khéo léo, về một khát khao nghệ thuật luôn âm ỉ cháy trong lòng….

 

 

Nhắc đến tranh thêu, người ta thường nghĩ ngay tới tranh thêu bằng chỉ, bằng kim tuyến… ít người nghĩ tới tranh thêu len – một loại tranh không “thời thượng”. Không ai biết tranh thêu len có nguồn gốc từ đâu, chỉ mơ hồ đoán nó khởi điểm từ Trung Hoa thông qua những tài liệu ít ỏi còn sót lại. Đến thời điểm hiện tại, số người theo đuổi loại hình nghệ thuật này chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, trong đó có Nguyễn Hồng Vân.

Theo học Khoa Thảm – Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, Vân được các thầy cô dạy dệt thảm, dạy làm tranh ghép vải. Những lần thực hành, mày mò tập thêu len nối những miếng ghép, Vân tìm hiểu và phát hiện ra loại hình tranh thêu len. Sự mai một của loại hình nghệ thuật chưa được nhiều người biết đến đã khuấy động chút “máu nghệ sĩ” trong Vân khiến cô mạnh dạn thử nghiệm với chất liệu mới này. Và rồi dần dần, chính Vân lại bị những sợi màu ấm áp ấy cuốn hút tới mức đam mê. Tranh thêu len không có được sự điệu đà hay những mảng màu pha, màu chuyển mềm mại như thêu chỉ. Nhưng bù lại, loại hình tranh này tạo ra sự phá cách phóng khoáng hơn, những mảng màu mạnh hơn, tạo hình khối chắc khỏe hơn… Đặc biệt, Vân yêu thích cái cảm giác mềm mại, ấp áp có chút gì đó mộc mạc, gần gũi mà len mang lại.

Bức tranh thêu len đầu tiên Vân làm cách đây hơn 5 năm, là món quà cưới cô dành tặng cho… chính mình. Mỗi tối ngồi thêu một ít, mất khoảng 3 tuần cô mới hoàn thiện bức tranh. “Làm thử để chơi vì mình thích, không ngờ đó lại là bước khởi điểm để mình quyết định theo đuổi loại hình nghệ thuật này…”, Hồng Vân nhớ lại. Nhờ có những người làm nghệ thuật trong gia đình chồng khuyến khích và giúp đỡ trong quá trình sáng tác, cô họa sĩ trẻ càng có điều kiện gắn bó với tranh thêu len nhiều hơn. Nhiều khi nản lòng, muốn dừng lại, chính câu động viên của chồng “Em hãy làm điều mà em muốn. Đừng bao giờ để mình hối hận. Đã làm hãy làm đến cùng em nhé” đã giúp Vân có động lực bước tiếp. Nhờ thế, suốt những năm qua, tranh thêu len trở thành một công cuộc tìm kiếm và chế tác đầy say mê với Vân.

 

Bỏ thời gian đi tìm tòi, nghiên cứu về nguồn gốc tranh thêu len, Hồng Vân còn chịu khó đi gặp các thầy cô trong làng nghệ thuật, đến nhiều nơi để tìm hiểu về những tác phẩm tranh len từng có trước đây. Rồi nghiên cứu về chất liệu, nguyên liệu, tìm cách phục hồi lại các kĩ thuật thêu len truyền thống, xây dựng xưởng thêu….

Để làm được một bức tranh thêu len, điều đầu tiên người nghệ nhân phải học đó là… căng khung. Phải căng làm sao cho phẳng, cho mượt, không bị méo hình. Chỉ cần một chút sai sót có thể làm méo tranh, làm trùng sợi len. Tiếp theo họa sĩ sẽ vẽ tác phẩm bằng chì đen lên giấy can, rồi lại dùng  bút chì nhọn tỉ mỉ thể hiện lại bức tranh từ giấy can lên vải giống như xăm. Một lớp bột màu sẽ được đổ lên sao cho màu thấm xuống theo các đường nét đã xăm. Khi đó người thợ thêu mới có thể bắt tay vào thêu những mũi len đầu tiên.

Nếu như thêu chỉ, thêu kim tuyến, chất liệu chỉ thêu nhiều và phong phú, thì với tranh thêu len đó lại là một vấn đề. Len không có nhiều màu, tông màu cũng phụ thuộc vào xu hướng thời trang mỗi năm. Người ta chuộng quần áo màu gì thì len ra màu ấy. Ngày xưa cả phố Đinh Liệt bán len, bây giờ cũng co cụm lại chỉ còn ba hàng, lượng len ít đi, màu cũng không có nhiều. “Nhiều khi thêu dở bức tranh bị thiếu len, phải đi mua thêm, nhưng tìm cả sạp len mình cũng không tìm được loại len cùng màu, cùng tông với phần len đã thêu. Lại phải tháo ra làm lại từ đầu…”, họa sĩ trẻ chia sẻ. Do hạn chế về chất liệu, nên phần lớn những bức tranh hoàn thiện thường có màu trầm hơn và khác một chút so với bản vẽ gốc của họa sĩ. Trong suốt quá trình thực hiện tác phẩm, người họa sĩ và thợ thêu phải trao đổi, kết hợp với nhau rất nhiều , từ lựa chọn chất liệu vải, len thêu, màu sắc, độ sáng tối cho đến việc thể hiện đúng thần thái của tác phẩm.

Chất liệu đã khó, việc chọn người thêu len cũng không dễ chút nào. Đến bây giờ Vân cũng chỉ có vỏn vẹn ba người thợ thêu. Cô thổ lộ: “Thanh niên bây giờ thích bán hàng, làm công xưởng… Những việc tỉ mẩn, phải ngồi liên tục mấy tiếng đồng hồ thế này không mấy người theo đuổi nữa. Vì thế kiếm được người đam mê, gắn bó với nghề cùng mình khó lắm”. Không quá phức tạp về kĩ thuật như thêu chỉ, nhưng thêu len đòi hỏi rất cao sự cẩn thận và cầu kì của người thêu. Các đường thêu phải song song, sát khít vào nhau, nhìn thành một mặt phẳng: “Thêu chỉ nhỡ bị hở thì có thể đâm chèn lên che kín, nhưng thêu len không làm được như thế. Chỉ cần một đường thêu lệch, không khít nhau mảng thêu sẽ bị hở và tách hẳn ra. Nhỡ tay thêu ẩu một chút sẽ không thể căng lên khung được nữa mà phải tháo ra thêu lại từ đầu”, Hồng Vân giải thích.

Những bức đầu tiên, Vân sử dụng cách thêu khá đơn giản, chỉ đâm bạt rồi đột ở giữa. Càng làm, Vân càng sáng tạo và áp dụng những kĩ thuật thêu phức tạp khác để tạo thêm nhiều hơn những cách thể hiện cung bậc cảm xúc và sự phá cách như: đột móc xích, lấy đường đột thêu đặc… Ngoài ra cô còn mạnh dạn kết hợp với những chất liệu khác như: đính đá, đính khuy…  mang đến sự phong phú,  phóng khoáng hơn cho tác phẩm. Trong tương lai, cô họa sĩ trẻ sẽ tiếp tục nghiên cứu để có thể áp dụng kĩ thuật móc len vào trong những bức tranh của mình.

Vân cho biết, càng nắm vững được kĩ thuật thêu, người nghệ nhân càng có thể thoải mái sáng tạo, thể hiện và điều chỉnh hình khối, màu sắc như ý mình. Mỗi loại len, chất len lại có cách xử lý khác nhau khi đưa lên tranh. Rồi chọn màu, phối màu, tạo ý đồ với hiệu ứng ánh sáng… đều là những quá trình dài mà người nghệ nhân phải kiên trì khám phá và điều chỉnh từng chút một.

Yêu thích những gì thuộc về văn hóa dân tộc, chủ đề trong những bức tranh của Vân thường lột tả nét đặc sắc văn hóa của các vùng miền: chợ tình, hát quan họ, hoa sen…  Mỗi bức tranh là một câu chuyện kể mang đầy cảm xúc mà Vân muốn gửi tới người xem. Đến bây giờ, Vân đã hoàn thiện được gần 30 tác phẩm với nhiều chủ đề văn hóa khác nhau.

 

Vừa khéo léo xếp gọn những tác phẩm đang làm dở, Vân vừa chia sẻ: “Nhiều người lo khí hậu ẩm của Việt Nam có thể làm hỏng tranh, nhưng kì thực tranh thêu len rất bền và giữ màu”. Những bức tranh của Vân không hề được lắp khung kính, chỉ treo mộc để mọi người có thể cảm nhận được sự ấm ấp, mộc mạc, những mảng màu, đường nét, hình khối, gân nổi … của tranh. Chỉ cần dùng chổi lông phủi mỗi ngày là đã có thể giữ được “an toàn” cho tác phẩm. Suốt năm năm nay, bức tranh đầu tiên Vân làm cho ngày cưới của mình vẫn được treo trang trọng ở phòng khách, đẹp và bền màu như xưa….

Đảm nhận công việc thiết kế tại Công ty TNHH một thành viên VTC, ngày bận rộn công việc là thế nhưng đêm về Vân vẫn trực tiếp ngồi thêu tranh. Ít khi cô đeo đê tay như mọi người mà vẫn dùng tay trần để thêu để cho được thật tay, để có được cảm giác tốt hơn. “Vải dùng để thêu là vải thô dày hoặc vải kaki, phải dùng kim to như kim khâu bao tải mới có thể thêu được. Tay càng quen, càng khéo thì tranh càng ít lỗi, càng đẹp… Nhưng ngồi lâu cũng dễ hoa mắt, mỏi cổ lắm đấy”, Vân hóm hỉnh. Thông thường, hoàn thiện một tác phẩm 1m x 1m  người nghệ nhân phải thêu mất một tuần đến mười ngày, tác phẩm nào họa tiết phức tạp thì phải mất tới cả tháng.

Có những hôm Vân ngồi miệt mài thức trắng đêm làm, cứ vẽ rồi lại can, rồi thêu… Chính cô họa sĩ trẻ cũng không lý giải rõ ràng được vì sao mình lại thích, lại say mê tranh thêu len như thế, chỉ biết cô thấy ở những bức tranh đó một chút gì đó của mình, một chút gì đó ấm áp, bay bổng thỏa mãn chút “máu nghệ sĩ” trong cô… Và hơn hết, nỗi lo sợ nơm nớp về số phận một loại hình nghệ thuật có thể bị “thất truyền” đã phần nào nhẹ đi khi mỗi ngày những tác phẩm của cô lại nhiều lên, khi công chúng ngày càng biết đến, ủng hộ và yêu thích hơn những tác phẩm tranh thêu len… 

 

Ngày 18/12/2011 tới, Hồng Vân sẽ chính thức khai mạc triển lãm những tác phẩm tranh thêu len của mình để giới thiệu tới đông đảo công chúng tại Triễn lãm Vietart – 42 Yết Kiêu – Hà Nội

M.T

Bình luận
vtcnews.vn