• Zalo

Người bệnh bị phòng khám 'vẽ bệnh, moi tiền' hãy gọi số 0989.401.155

Tin tứcThứ Hai, 05/12/2022 11:33:37 +07:00Google News
(VTC News) -

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM công bố đường dây nóng 0989.401.155 tiếp nhận phản ánh riêng về nạn phòng khám "vẽ bệnh, moi tiền" người bệnh.

PGS.TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM khẳng định nạn "vẽ bệnh, moi tiền" là hành vi "thiếu đạo đức", đồng thời kêu gọi người dân, nhân viên y tế cùng chung tay ngăn chặn.

Ông cho biết, không phải tất cả nhưng rõ ràng có một số phòng khám đa khoa tư nhân có yếu tố người nước ngoài không tuân thủ hoặc tuân thủ không đúng quy định của pháp luật về khám chữa bệnh.

Khi ngành y tế kiểm tra các phòng khám thường có vi phạm gần giống nhau như: để người không có trình độ chuyên môn trực tiếp khám, điều trị bệnh; sử dụng người không chứng chỉ hành nghề; cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh trong thời gian bị tạm đình chỉ hoạt động hoặc quảng cáo vượt quá chuyên môn... cứ thường xuyên lặp đi lặp lại.

Người bệnh bị phòng khám 'vẽ bệnh, moi tiền' hãy gọi số 0989.401.155  - 1

Để chiêu dụ và moi tiền khách hàng, nhiều phòng khám có yếu tố nước ngoài (chủ yếu là Trung Quốc) đã “vẽ” ra những bệnh không có, thậm chí “chặt chém” bệnh nhân đang nằm trên giường bệnh.

Có nơi còn quảng cáo lập lờ danh nghĩa của các bệnh viện chuyên khoa lớn như Từ Dũ, Hùng Vương... nhằm lôi kéo người bệnh.

Dù Thanh tra Sở Y tế ra quyết định xử phạt ở khung cao nhất (có phòng khám bị phạt 315 triệu đồng) và tước giấy phép hoạt động có thời hạn nhưng các phòng khám này vẫn không sợ.

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cũng nhận trách nhiệm của ngành y tế trong việc chưa xử lý dứt điểm vi phạm của các phòng khám này. “Tôi nhìn nhận cái gì đã làm hết sức mà vẫn còn tồn tại các vi phạm lặp đi lặp lại thì phải coi lại. Ở đây có thể hệ thống quản lý có lỗi và cần tìm ra lỗ hổng để điều chỉnh.

Về quy định, mức chế tài cho những vi phạm hiện nay chỉ phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng với một trong các hành vi như khám chữa bệnh trong thời gian bị thu hồi chứng chỉ hành nghề hoặc đình chỉ hành nghề; khám chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn... Hình thức xử phạt bổ sung cũng chỉ tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề từ 22 đến 24 tháng. Tôi cho rằng hình phạt cần phải nghiêm hơn nữa. Đặc biệt với những người cố tình lợi dụng việc khám sức khỏe để vụ lợi càng phải xử nghiêm như tước chứng chỉ hành nghề hoặc rút giấy phép hành nghề vĩnh viễn mới đủ sức răn đe” - PGS-TS Tăng Chí Thượng nói.

Đồng thời, ông cũng kêu gọi và khuyến khích bất cứ ai có "nguồn tin" về việc này nên mạnh dạn thông tin cho ngành y tế để các ban ngành chức năng rà soát, kiểm tra và cương quyết xử lý.

Ngành y tế TP.HCM đã kiến nghị Quốc hội sớm thông qua Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), trong đó cần quy định bác sĩ nước ngoài muốn hành nghề khám chữa bệnh tại Việt Nam bắt buộc phải qua kỳ thi chứng chỉ hành nghề, bắt buộc phải thông thạo tiếng Việt và nói tiếng Việt khi khám bệnh.

“Chúng ta không nên nhầm lẫn giữa người hành nghề và chuyên gia. Chuyên gia nước ngoài, tức những người có trình độ chuyên môn sâu đến hỗ trợ phát triển và chuyển giao kỹ thuật. Những người này tôi đánh giá là "thầy" nên rất trân trọng, thậm chí còn phải mời gọi, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho họ hoạt động. Còn nhóm hoạt động nghề nghiệp khám chữa bệnh lâu dài (như các phòng khám có người Trung Quốc), họ trực tiếp khám và thu tiền khám từ người bệnh tất nhiên bắt buộc phải hiểu, nói được tiếng Việt và tuân thủ theo quy định" - PGS-TS Tăng Chí Thượng giải thích về đề xuất này.

VOV2
Bình luận
vtcnews.vn