Sao võ thuật tha hương
Ngôi sao võ thuật Nhật Bản sinh năm 1946, theo học võ thuật từ nhỏ và tinh thông nhiều môn võ như xếp hạng 7 karate, hạng 3 judo và hạng 2 aikido. Ông từng tốt nghiệp khoa diễn xuất tại Đại học Nihon và Trường sân khấu Toei, sau đó theo nghiệp diễn từ cuối thập niên 60.
Với những khán giả yêu thích dòng phim võ thuật Hong Kong thập niên 70 – 80 chắc hẳn không thể không biết đến tên tuổi ngôi sao kungfu người Nhật Bản – Kurata Yasuaki.
Ông được biết đến là diễn viên võ thuật được yêu mến nhất xứ Phù Tang, cùng thời với Chiba Shin Ichi. Thế nhưng trái ngược với Sonny, Kurata có số phận hẩm hiu hơn đồng nghiệp.
Không sống được ở quê hương, từ năm 1968 Kurata lang thang sang Đài Loan phát triển sự nghiệp. Hai năm sau Kurata lần đầu xuất hiện trước khán giả Hoa ngữ trong bọ phim Tiểu Chưởng vương, hợp tác cùng tài tử xứ Đài – Mạnh Phi.
Giao đấu cùng dàn sao võ thuật Hoa ngữ
Tại Đài Loan, Kurata học tiếng Hoa để thuận tiện giao tiếp với đồng nghiệp. Không lâu sau ông rời đến Hong Kong và làm việc cho hãng phim Thiệu Thị. Bộ phim đầu tiên ông quay cho hãng phim tên tuổi xứ cảng là Ác khách, hợp tác cùng dàn ngôi sao Khương Đại Vệ, Địch Long và Phương Nhân Tử.
Sau đó ông còn quay nhiều phim cho Thiệu Thị cũng như đóng chung với ngôi sao võ thuật gạo cội Địch Long, như Ác khách, Tứ kỵ sĩ...
Tinh thần chịu khó cùng diễn xuất và tài năng kungfu giúp tên tuổi Kurata "nổi như cồn" tại nhiều quốc gia Đông Nam Á, trở thành ngôi sao võ thuật người Nhật đầu tiên nổi danh tại Hong Kong.
Đặc biệt năm 1982 ông vào vai võ sĩ Nhật trong phim Hoắc Nguyên Giáp của Lương Gia Nhân, gây ấn tượng sâu đậm trong lòng người hâm mộ. Ngoài ra, bộ phim Những ngôi sao may mắn (1985), Kurata có dịp hợp tác cùng nhiều ngôi sao tên tuổi như Thành Long, Hồng Kim Bảo, Nguyên Bưu...
Video: Những thế võ trên phim của Kurata
Khán giả hẳn còn nhớ những trận đánh kinh điển giữa Kurata với hai ngôi sao võ thuật là Thành Long và Hồng Kim Bảo trong bộ phim này.
Ngôi sao sinh năm 1946 còn kết hợp cùng Hồng Kim Bảo trong nhiều bộ phim khác thập niên 80 như vai sát thủ phim Phi Ưng phương Đông (1987), vai gián điệp Nhật phim Phú quý liệt xa (1986)...
Cuối thập niên 90, Kurata vẫn xuất hiện trong nhiều bộ phim võ thuật, nổi bật nhất trong số đó phải kể đến bộ phim Tinh võ môn anh hùng, đóng chung cùng ngôi sao võ thuật Lý Liên Kiệt.
Trong phim, Kurata vào vai Funakochi Fumio, sư phụ của băng đảng côn đồ và giỏi võ người Nhật, đồng thời là chú của người đẹp Mitsuko (Shinobu Nakayama đóng), chính là người tình của Trần Chân (Lý Liên Kiệt).
Khi biết Trần Chân là anh hùng cái thế, Fumio đã mời anh cùng thi triển võ công và cống hiến cho người xem những cảnh võ đẹp mắt, tinh tế. Đặc biệt phải kể đến trận giao đấu bịt mắt giữa hai ngôi sao võ thuật hàng đầu của điện ảnh Nhật và Hoa.
Năm 2009 Kurata một lần nữa hợp tác cùng Thành Long, Ngô Ngạn Tổ và Từ Tịnh Lôi trong bộ phim hành động Tân Túc sự kiện. Đây là tác phẩm điện ảnh thứ hai Kurata và Thành Long tái ngộ trên màn ảnh.
Bên cạnh Lý Tiểu Long, Thành Long, Hồng Kim Bảo, Lý Liên Kiệt, ngôi sao võ thuật Nhật Bản còn có màn chạm trán với tài tử Chân Tử Đan trong bộ phim Huyền thoại Trần Chân (2010).
Khi đó mặc dù Kurata đã bước qua tuổi 67 nhưng ông vẫn sở hữu thân hình săn chắc và thi triển những miếng đòn đầy uy lực khiến khán giả trầm trồ, thích thú như đang chứng kiến một trận thực chiến giữa võ sư gạo cội với ngôi sao võ thuật họ Chân.
Sắp tới đây người hâm mộ sẽ có dịp lại Kurata trên màn ảnh rộng qua bộ phim điện ảnh võ thuật cổ trang của tài tử Triệu Văn Trác, mang tên Thang khấu phong vân (2017). Trong phim “lão tướng” 71 tuổi vào vai phó tướng quân Hùng Trạch oai phong lẫm liệt, sánh vai cùng dàn sao như Triệu Văn Trác, Hồng Kim Bảo, Đường Văn Long...
Khán giả chắc hẳn còn nhớ vai xã hội đen của Kurata trong bộ phim Gác kiếm/So Close (2002), trong đó ngôi sao gạo cội từng có những trận đọ kiếm gay cấn và khốc liệt cùng 3 người đẹp Cbiz là Thư Kỳ, Mạc Văn Úy và Triệu Vy.
Tình bạn với Lý Tiểu Long
Được biết Kurata là người đầu tiên tặng côn nhị khúc (Nunchaku) cho Lý Tiểu Long. Họ Lý mãi sau này vẫn dùng cây côn ấy như tình hữu hảo giữa hai người.
Được biết mối duyên nợ giữa Kurata với Lý Tiểu Long bắt đầu kể từ khi ông gặp tài tử kiêm nhà sản xuất phim Trần Phúc Khánh (Fu Ching Chen) trên phố và được Trần giới thiệu tới gặp “con rồng nhỏ họ Lý”.
Ngoài ra, năm 1972 khi Kurata tham gia bộ phim võ thuật Kỳ Lân quyền/Fist of Unicorn, trong khi Lý Tiểu Long khi đó làm chỉ đạo võ thuật, vì vậy hai người càng trở nên thân thiết.
Tình bạn giữa hai người gắn bó nhờ tình yêu võ thuật, chính Lý Tiểu Long học hỏi được nhiều quyền cước võ thuật Nhật Bản từ Kurata như Judo, Karate, Kendo hay Aikido... Cả hai cũng hợp tác chung trong nhiều bộ phim điện ảnh liên quan đến võ thuật.
Gắn bó với võ thuật đến cuối đời
Hiện tại “lão tướng” U80 vừa tham gia đóng phim dù khá hạn chế và phần lớn là vai diễn khách mời.
Ngoài ra, Kutara còn mở võ đường karate dojos tại Tokyo, Osaka và Hong Kong, truyền dạy cho thế hệ trẻ tinh hoa võ nghệ của xứ Phù Tang cũng như tinh thần võ thuật của một võ sĩ đạo chân chính. Ông nhận định, học võ để giúp cơ thể khỏe mạnh chứ không phải để gây gổ.
Trước đó ngay từ năm 1976 Kurat còn thành lập công ty đóng thế Kurata Promotion tại Hong Kong. Ông cũng là giảng viên tại Đại học tư thục Sáng tạo, Nghệ thuật, Âm nhạc & Công tác xã hội. Ngoài ra, Kurata còn đóng vai trò là Chủ tịch Hiệp hội côn nhị khúc (Nunchanku) tại Nhật Bản.
Khi sự nghiệp diễn xuất và võ thuật đã viên mãn, Kurata cho ra mắt cuốn sách riêng về cuộc đời điện ảnh lẫn kungfu, mang tên Hong Kong Action Star Kōyūroku.
Qua đó ông tự nhận mình là ngôi sao võ thuật Hong Kong với lòng tự hào và tự tin cho dù ông mang trong mình dòng máu Nhật.
Bình luận