• Zalo

Ngược đời: Tôi khuyên chồng phải biết 'phung phí'

Đời sốngThứ Tư, 22/11/2017 08:00:00 +07:00Google News

Ngược với những gia đình khác, chồng tôi là một người vô cùng giản dị, tiết kiệm, còn tôi mới là người hay tiêu xài hoang phí, vung tay quán trán.

Chồng tôi xuất thân trong một gia đình gia giáo, sớm sống tự lập và kiếm được tiền. Nhu cầu cá nhân của anh khá mộc mạc, giản dị. Trước khi lấy vợ, tiền lương chỉ để đưa mẹ mua sắm đồ đạc và cho bạn vay. Anh cũng không có tật rượu chè, cờ bạc mà tối ngày chỉ thích ngồi trà đá vỉa hè.


Ảnh minh họa

Còn tôi thì ngược lại. Tôi vốn là con nhà buôn bán nên bươm trải và tự lập từ rất sớm. Tính cách của tôi có phần hoang phí vì chỉ thích những thứ xa xỉ phẩm. Bởi vậy mà tôi khác với nhiều người phụ nữ. Thay vì đau đầu nghĩ cách tiết kiệm, tôi chọn kiếm tiền để thỏa mãn sở thích mua sắm, tiêu pha của mình.

Ngay từ lúc mới yêu, tôi đã sớm nhận ra chồng mình là người giản dị, không chi tiêu hoang phí. Chính vì thế mà tôi yêu và nhận lời lấy anh. Cho đến lúc kết hôn, tính cách tiết kiệm, xuề xòa với bản thân hóa ra lại là điều tôi không thích nhất. Tiền lương anh kiếm về lúc nào cũng đưa hết cho vợ còn mình chỉ giữ lại một ít. Có việc phát sinh thì lại xin vợ hoặc vay tạm bạn bè. Nhiều lần tôi bảo anh cầm nhiều lên chẳng may có việc đột xuất thì chồng lại kêu không cần.

Tôi có thể mua một lúc 5-7 thỏi son, chục cái váy nếu thích nhưng anh chỉ có 1-2 cái sơ mi mặc đi mặc lại. Đề nghị mua cho anh đồ xịn thì anh chối đây đẩy. Điện thoại thì toàn tôi thay cái mới, chồng dùng cái cũ của tôi. Anh bảo tính anh không cẩn thận, dùng vài hôm hôm cũng cũ ngay ấy mà. 

Nhưng được cái chồng tôi là người tiết kiệm chứ không hà tiện. Mua sắm đồ dùng gia đình không phải đồ đắt tiền nhưng lúc nào anh cũng chọn đồ tốt. Đối xử với bạn bè, gia đình anh rất thoáng. Thấy vợ con chi tiêu ăn uống, mua sắm thả ga anh cũng chẳng ý kiến gì.

Lúc đầu, tôi định học theo cái thói tiết kiệm, giản dị của chồng nên cứ kiếm được 2 thì để lại 1 chứ không tiêu cả như trước. Rồi nghe theo lời khuyên các mẹ tranh thủ mua hàng sale, hàng giảm giá….để tiết kiệm chi tiêu. Nhưng rồi tôi nhanh chóng thấy bí bách với lối sống thời bao cấp như thế.

Quay sang nhìn chồng mình, anh làm việc vất vả hơn người khác nhiều lần nhưng chẳng bao giờ thấy anh hưởng thụ thành quả do mình làm ra. Bởi thế, tôi nghĩ cần phải làm cho chồng thay đổi suy nghĩ mới được. Ý tôi ở đây không phải rủ chồng ăn chơi hoang tàn mà ví dụ 1 năm vợ chồng kiếm được 10 đồng thì dành 4 đồng cho sinh hoạt, 4 đồng cho nâng cao chất lượng sống, chỉ để 2 đồng tiết kiệm và phòng thân thôi. Và đây là cách làm của tôi nhằm đồng hóa ông chồng có tính tiết kiệm của mình.

Về chi tiêu cho gia đình:

Tôi giữ nguyên mức chi tiêu hiện tại của gia đình vì tôi thấy nó khá hợp lý rồi. Tôi chỉ bổ sung thêm phần nâng cao sức khỏe nữa thôi. Ngoài việc ăn đồ ngon, đồ bổ thì tôi còn đăng ký 1 gói tập gym và rủ chồng chiều tối về đi tập. Kèm theo đó là mua những đồ bồi bổ cơ thể, mỹ phẩm chăm sóc da,…

Về chi tiêu cho bản thân:

Tôi thường xuyên order hàng ở nước ngoài về mặc nên chồng tôi cũng nhận ra chất lượng rất tốt. Nếu là hàng trong nước tôi cũng chọn loại khá đắt tiền. Vì vậy bây giờ, mỗi tháng 1 lần, tôi lại nhờ chồng đưa đi shopping và nhân tiện mua sắm cho chồng luôn. Ban đầu anh không thích và vẫn từ chối đây đẩy. Nhưng sau vài lần được vợ mua cho, rồi mỗi lần chồng mặc lại được mọi người hỏi mua ở đâu đó, áo đẹp mà tốt thế nên anh cũng quen dần.

Ngay cả việc chồng muốn mua quà tặng vợ, tôi cũng khuyến khích, chẳng bao giờ tôi từ chối. Ngay cả khi điện thoại tôi đang dùng còn tốt, nhân dịp gì chồng mua tặng cái mới tôi cũng ok luôn. Có khi tôi còn rủ chồng mua thêm cái nữa cho có đôi có cặp ấy. Vậy là tôi đã thành công bước đầu.

Về chi phí cho thư giãn, đi chơi, du lịch:

Do điển hình công việc nên chồng tôi hay được mời đi du lịch khắp nơi. Lúc đầu anh đi do tâm lý được miễn phí tội gì không đi. Về sau thì tôi rủ chồng mua vé cả gia đình chơi những chỗ khác nữa. Có điều kiện thì mời cả ông bà đi.

Ban đầu anh cũng băn khoăn, một là vì tham công tiếc việc, hai là vì tiếc tiền. Tôi lại phải kiên trì phân tích: nào là mình còn trẻ tranh thủ đi xa, rồi thời gian qua anh kiến tiền vất vả nhưng chưa được hưởng thụ,….Mưa dầm thấm lâu, cuối cùng anh cũng chịu. Mà đi nhiều thì ham nên cứ rủ tôi đặt vé đi chơi suốt.

Video: Kỳ lạ thành phố không phân biệt giàu nghèo, công chức chỉ làm việc 3 ngày/tuần

Thuyết phục chồng thay đổi suy nghĩ về chi tiêu, nâng cao chất lượng cuộc sống cũng khiến cho tôi và chồng hiểu hơn về người khác. Trước đây, chúng tôi cứ hay thắc mắc vì sao cũng là cái áo, có người thì nhất nhất phải dùng hàng hiệu cao cấp có người mặc áo chợ cũng được. Rồi vì sao phải đi xe sang trong khi di chuyển bằng xe máy có nhiều cái lợi hơn.

Bỏ qua hết những lý do phù phiếm thì cuối cùng tôi đã nhận ra rằng, tiêu tiền để phục vụ bản thân chính là biết yêu thương bản thân. Hơn ai hết, chúng tôi cũng hiểu mình đã vất vả ra sao để kiếm được từng đồng tiền dùng để mua sắm, đi chơi. Chính điều đó cũng là động lực để vợ chồng tôi phấn đấu làm việc, nâng cao chất lượng sống.

Phụ nữ hiện đại là biết cách kiếm tiền và tiêu tiền, chứ không phải học cách tiết kiệm tiền, các chị em nhỉ.

Cô Tấm
Bình luận
vtcnews.vn