• Zalo

Ngư dân trong 'cơn bão' giá dầu: 'Ra khơi có còn lời lãi được đồng nào không'

Thị trườngThứ Hai, 28/02/2022 07:48:23 +07:00Google News
(VTC News) -

Giá xăng dầu “leo thang” khiến ngư dân phát rầu vì mỗi chuyến vươn khơi phải gánh thêm khoản chi phí nhiên liệu không nhỏ.

Video: Ngư dân phát rầu vì giá xăng dầu ‘nhảy vọt’

Xăng dầu trong nước trải qua lần thứ 5 tăng giá liên tiếp và đây là lần tăng giá thứ 2 kể từ sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Giá xăng dầu “nhảy vọt” khiến hoạt động đánh bắt hải sản của ngư dân rơi vào tình thế khốn đốn.

Phát rầu khi xăng dầu tăng giá

Rạng sáng 22/2, tàu QNg 96416 TS (công suất 425 CV) do ngư dân Nguyễn Lộc (trú huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) làm chủ kiêm thuyền trưởng, cập cảng cá Lý Sơn sau cả tháng trời đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa.

Ngư dân trong 'cơn bão' giá dầu: 'Ra khơi có còn lời lãi được đồng nào không' - 1

Nhiều ngư dân đang đối mặt với khó khăn do giá xăng dầu tăng. (Ảnh: Thanh Ba)

Thành quả của chuyến vươn khơi kéo dài xuyên Tết của ông Lộc cùng 7 bạn thuyền là 13 tấn hải sản, chủ yếu cá đỏ. Trừ chi phí nhiên liệu và hàng tá các khoản khác phục vụ cho chuyến biển vừa khép lại, mỗi ngư dân nhận được một khoản thù lao đủ để mang lại niềm vui cho gia đình trong dịp đầu năm mới.

Ấy nhưng, thời điểm tàu cá vừa cập bờ cũng là lúc chủ tàu Nguyễn Lộc phát rầu khi hay tin giá xăng dầu tăng chóng mặt. "Trung bình mỗi chuyến vươn khơi kéo dài một tháng, tàu tôi trang bị 4.000 lít dầu. Riêng nhiên liệu đã chiếm gần một nửa chi phí đi khai thác hải sản. Vậy nên mỗi lần giá xăng dầu tăng, tôi và các chủ tàu khác lại tối tăm mặt mũi. Nhiên liệu tăng giá cũng đồng nghĩa mỗi lần ra khơi của ngư dân thêm phần nặng nề hơn", ông Lộc nói và giãi bày, cứ cái đà xăng dầu tăng liên tục như hiện nay, chẳng biết đến bao giờ ông mới trả hết nợ nần.

Số nợ mà vị thuyền trưởng dày dạn kinh nghiệm với hơn 20 năm "chinh chiến" ở Hoàng Sa nhắc trên là tổn thất tới từ sau chuyến vươn khơi bão táp cách gần 2 năm.

Cụ thể, tháng 6/2020, khi đang khai thác hải sản ở khu vực cách đảo Linh Côn (thuộc quần đảo Hoàng Sa) khoảng 8 hải lý, tàu của ông Lộc bị tàu sắt Trung Quốc truy đuổi, húc mạnh, dẫn tới hư hỏng.

Chưa dừng lại, những kẻ ngang ngược còn tra xét, cướp bóc ngư cụ và hải sản trên tàu ông Lộc trước khi rời đi. "Để tu sửa lại con tàu hết mấy trăm triệu đồng, tôi phải chạy vạy vay mượn nhiều nơi. Đến nay, nợ vẫn chưa dứt mà giá dầu cứ tăng vọt thế này thì chẳng biết mai mốt ra khơi có còn lời lãi được đồng nào không", ông Lộc thở dài.

Ngư dân trong 'cơn bão' giá dầu: 'Ra khơi có còn lời lãi được đồng nào không' - 2

Ngư dân Hà Tĩnh buồn rầu vì giá xăng dầu tăng chóng mặt. (Ảnh: Trọng Tùng)

Vừa kết thúc đợt không khí lạnh, nhẽ ra lão ngư Nguyễn Văn Hoàng (60 tuổi, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) sẽ được thỏa sức rẽ sóng đánh bắt hải sản; nào ngờ giá dầu tăng cao, chi phí đắt đỏ khiến ông phải đi biển tiết kiệm.

“Bình thường chúng tôi đi biển 15-20 ngày/tháng, nhưng giờ giá dầu tăng cao nên phải rút ngắn thời gian ra khơi chỉ còn 5-10 ngày/tháng. Khoảng thời gian còn lại trong tháng, tàu cá nằm bờ”, ông Hoàng cho hay.

Tương tự, ở Quảng Bình, giá xăng dầu leo thang khiến hoạt động đánh bắt hải sản của ngư dân vốn đã khó khăn nay càng khó khăn hơn. Nhiều ngư dân phải chấp nhận lỗ vốn để vươn khơi.

Ngư dân trong 'cơn bão' giá dầu: 'Ra khơi có còn lời lãi được đồng nào không' - 3

Giá xăng dầu “leo thang” khiến hoạt động đánh bắt hải sản của ngư dân vốn đã khó khăn nay càng khó khăn hơn. (Ảnh: Lê Ngọc)

Chủ tàu kiêm thuyền trưởng Nguyễn Văn Thông (trú thôn Mỹ Cảnh, xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới) bày tỏ: “Nguồn hải sản ngày càng ít nên thời gian vươn khơi của tôi và bạn thuyền thường kéo dài hơn so với dự kiến nhằm kiếm thêm sản lượng.

Dù xăng dầu tăng mạnh nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm ra khơi và chấp nhận thua lỗ. Bởi lẽ, nếu tàu chôn chân một chỗ sẽ dễ phát sinh hư hỏng”.

Cho tàu thuyền nằm bờ vì ra khơi sợ lỗ

Thời gian qua, giá xăng dầu liên tục tăng cùng giá hải sản bị kéo xuống thấp khiến nhiều ngư dân đành chấp nhận cho thuyền nằm bờ.

Chủ tàu kiêm thuyền trưởng Ngô Ri (trú thôn Đông Tuần, xã đảo Tam Hải, huyện Núi Thành, Quảng Nam) đang đau đầu với bài toán giá dầu leo thang. Kể từ Tết Nguyên đán 2022 đến nay, con tàu QNa 91559 TS, công suất 825 CV của ông Ri vẫn đang "chôn chân" tại khu neo đậu tàu thuyền. 

Ngư dân trong 'cơn bão' giá dầu: 'Ra khơi có còn lời lãi được đồng nào không' - 4

Thu nhập của ngư dân bị ảnh hưởng đáng kể khi giá dầu tăng. (Ảnh: Thanh Ba)

Ông Ri chia sẻ, lần gần nhất tàu ông "cưỡi" sóng ra Hoàng Sa là thời điểm đầu tháng Chạp năm ngoái. Đến cận Tết, ông cùng 7 bạn thuyền mới giong thuyền về bờ với "chiến lợi phẩm" là gần chục tấn cá đủ các loại. "Cá thu và cá ngừ thì bán được giá, còn lại những loại khác các thương lái thu mua rất thấp. Vậy nên cả chuyến đi, 8 ngư dân chỉ thu về 7-8 triệu đồng/người.

Từ sau Tết, giá xăng dầu cứ liên tục tăng nên tôi và bạn thuyền vẫn đang chần chừ trong việc ra khơi. Nếu chiếu theo giá dầu như hiện nay thì trung bình một chuyến đi, chúng tôi phải đầu tư 5.000 lít dầu với giá hơn 100 triệu đồng", ông Ri bộc bạch.

Tại Hà Tĩnh, theo ghi nhận của PV, hàng trăm tàu thuyền vẫn đang nằm bờ “đắp bạt”. Cập cảng Cửa Sót, huyện Lộc Hà, sau 2 ngày ra khơi đánh bắt, anh Dương Văn Dũng (37 tuổi, trú tỉnh Thanh Hóa) vốn đã mệt mỏi nay lại càng rầu rĩ hơn vì một số mặt hàng hải sản rớt giá, trong khi chi phí cho chuyến ra khơi lại tăng cao.

Theo anh Dũng, thời điểm xăng dầu còn chưa tăng giá, mỗi lần ra khơi đánh bắt (khoảng 2 ngày), anh chỉ tốn chừng 4-4,5 triệu đồng tiền dầu. Còn ở thời điểm hiện tại, chi phí nhiên liệu đã ngốn gần 6,5 triệu đồng. Ngoài xăng dầu, các chi phí khác cũng tăng cao nên các thuyền viên hành nghề trên tàu của anh Dũng chỉ kiếm đủ tiền ăn qua ngày. Riêng cá nhân anh phải chấp nhận lỗ vốn.

Đó là lý do vị thuyền trưởng này quyết định sẽ nghỉ ra khơi một thời gian, chấp nhận cho tàu nằm bờ với hy vọng giá nhiên liệu "xuống dốc".

Ngư dân trong 'cơn bão' giá dầu: 'Ra khơi có còn lời lãi được đồng nào không' - 5

Nhiều tàu cá ở Hà Tĩnh nằm bờ chờ giá xăng dầu giảm. (Ảnh: Trọng Tùng)

Xăng dầu tăng giá không chỉ là nỗi lo của các chủ tàu mà những thuyền viên cũng rơi vào cảnh khốn đốn.

Đơn cử, hơn hai tháng qua, anh Nguyễn Văn Trường (36 tuổi, quê Thanh Hóa) chưa thể về nhà vì không có tiền.

Là lao động chính trong gia đình, ở quê còn có 2 con nhỏ, nỗi lo cơm áo gạo tiền đang đè nặng lên vai anh Trường. “Thời gian chưa bùng dịch COVID-19 cũng như giá xăng dầu ở mức thấp, tôi cũng có nguồn thu nhập ổn định để gửi về quê lo cho gia đình. Mấy tháng nay, tàu nằm bờ không ra khơi nên tôi lâm cảnh thất nghiệp. Vì không có tiền nên tôi và một số anh em cùng quê đành ở lại trong này”, anh Trường chia sẻ.

Theo ông Bùi Tuấn Sơn, Giám đốc Ban quản lý các cảng cá Hà Tĩnh, giá xăng dầu tăng cao khiến cho ngư dân ra khơi đánh bắt có phần hạn chế hơn lúc trước.

“Hoạt động đánh bắt của ngư dân chịu ảnh hưởng rất lớn từ những thay đổi của thị trường, nhất là sự leo thang của giá xăng, dầu. Nếu tình trạng này tiếp diễn trong thời gian dài thì sẽ có rất nhiều tàu thuyền phải nằm bờ, ông Sơn nhận định.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Hùng - Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu, huyện Bình Sơn (địa phương có số lượng phương tiện đánh bắt xa bờ lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi) - cũng xác nhận, những ngày qua, việc giá xăng dầu tăng khiến nhiều ngư dân than phiền. Không ít thuyền viên vì thu nhập thấp đã tạm thời ngưng theo các tàu cá ra khơi.

Ngày 21/2, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu, áp dụng từ 15 giờ cùng ngày.

Cụ thể, giá xăng E5 RON92 lên 25.532 đồng/lít, tăng 961 đồng/lít so với giá hiện hành; xăng RON95 lên 26.287 đồng/lít, tăng 965 đồng/lít.

Với mức tăng này, giá xăng RON95 vượt mức "đỉnh" vào tháng 7/2014 (26.140 đồng một lít) Trong khi đó, giá E5 RON92 chỉ thấp hơn mức "đỉnh" thời điểm này khoảng 110 đồng một lít.

Tương tự, giá các mặt hàng dầu cũng tăng khá mạnh. Theo đó, dầu diesel lên 20.801 đồng/lít, tăng 936 đồng/lít; dầu hỏa lên 19.509 đồng/lít; dầu mazut lên 17.932 đồng/kg, tăng 273 đồng/kg.

THANH BA - TRỌNG TÙNG - LÊ NGỌC
Bình luận
vtcnews.vn