Mới đây, Mike Billings – ngư dân Mỹ là người may mắn bắt gặp con tôm hùm cực hiếm ở ngoài khơi bờ biển Stonington, Maine, Mỹ.
Theo tổ chức Maine Lobstermen, đây là loài tôm hùm cực hiếm với phần trăm cơ hội bắt được là 1/100 triệu. Có thể hình dung rằng, cơ hội để bắt được một con tôm hùm như thế này hiếm hơn rất nhiều lần so với khả năng một người bị sét đánh trong đời (1/300.000).
Cũng vì độ hiếm mà loài tôm này hiện chưa có tên khoa học cụ thể, thường được biết đến với tên gọi “albino lobster” (tôm hùm bạch tạng) hay “ghost lobster” (tôm hùm ma).
Điểm đặc biệt của Albino lobster - tôm hùm bạch tạng là nó có bộ vỏ gần như trong suốt và không chứa sắc tố do tình trạng di truyền, gọi là leucism. Chính điều này tạo nên sự khác biệt của “tôm hùm ma” so với các giống tôm hùm xanh, vàng quý hiếm khác, nó thậm chí không bị chuyển sang màu đỏ khi luộc chín.
Tuy nhiên, ngay sau đó, Mike Billings đã thả loài giáp xác đặc biệt này xuống đại dương. Rất nhiều người đã đặt câu hỏi vì sao anh không giữ nó lại như một phát hiện.
“Tôi cá là Thủy cung New England sẽ rất thích nó” – một người phụ nữ tỏ ra tiếc nuối.
Trả lời phóng viên báo Porland Press Herald, Mike cho biết, giống tôm này quá đẹp để ăn và vì nó còn nhỏ nên sau khi chụp ảnh lại, anh đã thả về với đại dương.
"Tôm hùm ma” không phải phát hiện kì lạ đầu tiên của anh. Năm 2014, Mike từng bắt được một con tôm hùm với chiếc càng dài màu xanh biển cùng một con tôm hùm quý hiếm với vỏ màu nâu và cam lốm đốm.
Một giáo sư tại Đại học Massachusetts Boston nói với Hiệp hội Địa lý Quốc gia Hoa Kỳ (National Geographic): “Màu sắc của tôm hùm có thể do đột biến gen hoặc chế độ ăn uống bất thường. Điều này không cho thấy rõ ràng về độ hiếm của loài tôm ấy, tuy nhiên, chúng chỉ được tìm thấy ở các vùng biển mỗi 4 -5 năm/lần”.
Video: Tôm hùm tự cắt đứt một bên càng, đào tẩu khỏi nồi lẩu đang sôi
Bình luận