(VTC News) - Những góc khuất đằng sau hệ thống trường nội trú dành cho cộng đồng người da đỏ cho đến nay vẫn là vết nhơ trong lịch sử Canada.
Những ngôi trường 'địa ngục'
Từ cuối thế kỷ 19, chính phủ Canada cùng Giáo hội Công giáo nước này bắt tay vào thành lập và vận hành một hệ thống các trường nội trú cho trẻ em thổ dân với mục đích đồng hóa người dân bản địa nước này.
Ngôi trường nội trú ám ảnh với những đứa trẻ thổ dân |
Nhưng đó cũng chính là thời điểm bắt đầu một chương buồn và đen tối nhất trong lịch sử Canada, theo lời của cựu Thủ tướng Canada Stephen Harper.
Hơn 150.000 học sinh thổ dân ở Canada bị cách ly khỏi gia đình và cộng đồng văn hóa da đỏ để đến sống trong các ngôi trường nội trú mà chúng không ngờ rằng sẽ trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng suốt phần đời còn lại.
Để thuyết phục số học sinh này đến trường, chính quyền địa phương đưa ra những thông tin sai lệch về hệ thống trường nội trú, đồng thời vẽ ra một viễn cảnh tươi sáng cho các bậc phụ huynh về tương lai con em họ.
Nếu không thuyết phục được bằng lí lẽ, họ sẵn sàng dùng vũ lực đe dọa để cha mẹ đồng ý "tạo điều kiện" cho những đứa con của mình tiếp xúc với một nền văn hóa mới.
Những đứa trẻ mới 4 tuổi đã bị ép phải theo học hệ thống trường nội trú này |
Một khi đặt chân vào những ngôi trường đó, những đứa trẻ sẽ phải chấp nhận việc rời xa vòng tay bố mẹ cho đến khi chúng đủ 18 tuổi.
Trong thời gian “trụ” lại trong trường, chúng bị cấm về thăm gia đình dù đó có là ngày nghỉ hay ngày mất của người thân. Thậm chí đôi khi nhà trường còn giấu nhẹm thông tin người nhà của chúng qua đời.
Ở nơi đó, những đứa trẻ này buộc phải học sống theo “phong cách Canada” và quên đi tôn giáo và văn hóa của nơi mình từng sống.
Để có “được” vẻ ngoài giống với người da trắng, hàng ngày, chúng phải tắm trong những bồn hóa chất độc hại, cắt đi mái tóc dài quen thuộc và mặc đồng phục của người phương Tây.
Trong trường, chỉ có hai ngôn ngữ được chấp nhận là tiếng Anh và tiếng Pháp, ngôn ngữ mà những người đứng đầu nhà trường cho là văn minh.
Nhưng hầu như tất cả những đứa trẻ mới chân ướt chân ráo đến đây đều không hiểu nổi thứ ngôn ngữ văn minh này.
Tuy vậy chúng buộc phải hiểu và thích nghi thật nhanh bởi một khi bị phát hiện sử dụng thứ ngôn ngữ khác, nhân viên nhà trường sẽ dùng kim tiêm để đâm vào lưỡi chúng, không phải chỉ một mà là nhiều lần.
Hoặc giả như vi phạm bất cứ nội quy nào dù là nhỏ nhất, chúng sẽ phải đối mặt với những hình phạt ghê rợn không khác gì thời nguyên thủy như sốc điện, đốt tay hay bị giam trong lồng.
Cuộc sống địa ngục
Cuộc sống trong những ngôi trường này theo những người còn sống kể lại chỉ có thể dùng hai từ “khủng khiếp” để mô tả.
Những đứa trẻ phải sống cuộc sống như những người lao động |
Những đứa trẻ thổ dân ngày đó phải sống cuộc sống của những người dân lao động.
Mỗi ngày, chúng chỉ được học từ 2 đến 4 tiếng và thời gian còn lại là để làm việc. Vì vậy đến khi 18 tuổi, trình độ của những đứa trẻ này hầu hết chỉ ngang bằng với học sinh lớp 5.
Chính vì bị bóc lột cả về thể xác lẫn tinh thần, học sinh trong trường thường xuyên rơi vào tình trạng suy dinh dưỡng nặng. Thậm chí chúng không nhận được bất cứ sự chăm sóc nào khi bị ốm đau hay bệnh tật.
Những đứa trẻ suy dinh dưỡng đôi khi còn bị dùng làm vật thí nghiệm |
Kể cả khi mùa đông đến, sẽ không có ai chăm lo cho chúng. Bởi tất cả những vật dụng cần thiết, những món quà, những lời động viên tinh thần vô giá từ phía cha mẹ đều vô tình nằm lại trong tay các nữ tu và linh mục trong trường.
Những đứa trẻ suy dinh dưỡng thậm chí còn bị bỏ đói và “được” dùng làm “chuột thí nghiệm” để phục vụ cho quá trình nghiên cứu của nhà trường.
Lạm dụng tình dục
Nhưng điều ám ảnh nhất cho đến giờ đối với những đứa trẻ còn may mắn sống sót là quá khứ bị lạm dụng tình dục bởi các linh mục và các nhân viên trong trường.
Không những hàng ngày phải đối mặt với những con người đáng sợ đó, chúng còn phải cầu nguyện và tha thứ cho những kẻ đã lạm dụng mình.
Nhiều đứa trẻ thậm chí còn bị lạm dụng tình dục |
Những nỗi ám ảnh kinh hoàng trong những ngôi trường địa ngục đó kéo dài suốt hơn một thế kỉ. Chỉ đến năm 1971, chính phủ Canada mới chính thức đóng cửa hệ thống trường nội trú này.
Nhưng cho đến nay nó vẫn là một vết thương chưa bao giờ lành với 80,000 người may mắn còn sống sót.
Song Hy (Theo Wonderslist)
Bình luận