Sau khi Tòa trọng tài bác bỏ yêu sách 'đường lưỡi bò' của Trung Quốc, rất nhiều sao Hoa ngữ đã lên tiếng phản đối quyết định này trên các trang mạng xã hội, từ đó làm dấy lên những tranh luận sôi nổi của người Việt trẻ về mối quan hệ giữa "thần tượng" và "lòng yêu nước". Trước những tranh luận này, nhà báo Đoàn Công Lê Huy đã có bài viết gửi những người trẻ.
Tôi không đọc về ngôi sao, thần tượng và đường lưỡi bò đứt 9 khúc đang sôi nổi trên truyền thông xã hội. Cái đó dành cho người trẻ. Các bạn trẻ bây giờ, nhất là các bạn nữ, quá giỏi, quá dũng khí, và đặc biệt thông minh về tiếp cận giải pháp.
Thật sự nghệ thuật và chính trị có thể không liên quan, nhưng khi những con người làm nghệ thuật đã lên tiếng xấc xược về chủ quyền thì việc ngưỡng mộ thần tượng của các bạn cũng nên xem lại...
Do vậy, tôi cũng không muốn nói về chuyện đó. Nếu như, không thấy câu sau đây của ca sĩ người Mỹ, Kyo York - người đã sống và làm việc ở Việt Nam nhiều năm - nói về sao Trung Quốc ủng hộ đường lưỡi bò của lãnh đạo nước họ:
"Thật sự nghệ thuật và chính trị có thể không liên quan, nhưng khi những con người làm nghệ thuật đã lên tiếng xấc xược về chủ quyền thì việc ngưỡng mộ thần tượng của các bạn cũng nên xem lại..."
Xin khẳng định: Thật sự nghệ thuật và chính trị rất liên quan, nhất là trường hợp Trung Quốc. Họ ý thức rất, rất rõ ràng: Văn hoá - nghệ thuật tạo ra quyền lực mềm trong tổng sức mạnh quốc gia nhằm chinh phục mọi mục tiêu chiến lược của họ.
Quyền lực mềm là gì?
Quyền lực mềm trước hết là sức chinh phục, lực hấp dẫn được tạo ra từ văn hoá. Từ sự cuốn hút của văn hoá mà tạo ra thiện cảm, tạo ra sức cảm hoá, từ đó mà thu phục nhân tâm, không đánh mà thắng, tức bất chiến tự nhiên thành.
Tuy nhiên, văn hoá, nói chung cả văn hoá - nghệ thuật, chỉ là một bộ phận, nhưng là bộ phận quan trọng, cấu thành quyền lực mềm. Bởi về cơ bản, quyền lực mềm chủ yếu dựa trên 3 nguồn lực chính sau: Văn hoá, các giá trị và tư tưởng chính trị, chính sách đối ngoại. (Các bạn có thể gõ từ khoá "quyền lực mềm" - solf power - và sẽ thấy ngay định nghĩa này của Joseph S.Nye, Giáo sư Đại học Hardvard).
Quyền lực mềm là loại quyền lực có vẻ "phi truyền thống", mới được định danh từ vài ba thập niên trở lại, với cha đẻ của khái niệm này là Joseph S.Nye nói trên. Tuy nhiên, thực sự nội hàm khái niệm này đã được sử dụng từ lâu, trong lịch sử chiến tranh và các cuộc xung đột, chinh phục.
Nếu như quyền lực cứng chính là cây gậy và củ cà rốt, với cây gậy là sức mạnh quân sự, củ cà rốt là sức mạnh kinh tế - tài chính, thì quyền lực mềm chính là sức mạnh tạo ra khả năng đạt được điều mà quốc gia đó mong muốn nhờ vào lực lôi cuốn, mến mộ, thiện cảm chứ không phải dựa vào sức ép hay mua chuộc.
So sánh nôm na, giống như một chàng trai/cô gái không cần võ, không cần có tiền, chẳng có địa vị quyền lực mà vẫn có sức hấp dẫn vì sự khả ái của anh ta/cô ta vậy.
Trên phương diện quốc gia, quyền lực mềm một phần là văn hoá kinh điển, văn hoá đại chúng. Nó là phim ảnh, ngôi sao, những danh tài điện ảnh, thể thao, ca nhạc, những con người đại diện có sức thuyết phục, sách báo xuất bản phẩm… Nó bao gồm cả truyền thông nhanh (báo chí - truyền thông đại chúng, mạng xã hội) và truyền thông chậm (văn hóa).
Quyền lực mềm càng ngày càng có vai trò cực kỳ quan trọng trong thời đại thông tin và toàn cầu hóa kinh tế. Chẳng thế mà an ninh quốc phòng ngày nay không thể tách rời khỏi văn hóa – truyền thông.
Nghị quyết Đại hội XII của Đảng lần đầu tiên đưa ra nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trở thành một trong năm thành tố quan trọng của chủ đề Đại hội, và đồng thời, những nhiệm vụ trọng yếu về quốc phòng, an ninh được xác định đậm nét và có điểm mới quan trọng là bổ sung thành tố văn hóa - xã hội vào quốc phòng, an ninh, kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh và quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội.
Quyền lực mềm của Trung Quốc
Ngay khi khái niệm quyền lực mềm của Joseph S.Nye xuất hiện ở Mỹ, lập tức giới học giả, tinh hoa và lãnh đạo ở Trung Quốc tiếp nhận nó một cách nồng nhiệt.
Trên cơ sở khung tham chiếu phổ quát của định nghĩa 3 thành tố hợp thành từ khái niệm của J. Nye, người Trung Quốc phát triển khái niệm này lên, phù hợp với hoàn cảnh đất nước họ và gọi tên là nhuyễn thực lực, nhuyễn quốc lực, nhuyễn quyền lực, hoặc nhuyễn lực lượng...đều để chỉ quyền lực mềm - solf power.
Clip Tòa trọng tài bác bỏ yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc (nguồn: VTC14)
Từ quyền lực cứng, quyền lực mềm đến quyền lực thông minh của Trung Quốc
Được đón ý đưa lời của giới học giả, tinh hoa và được hiện thực hoá bởi giàn lãnh đạo có hiểu biết và đầy sức mạnh, Trung Quốc nhanh chóng giành được thắng lợi to lớn trong việc xây dựng sức mạnh mềm quốc gia - nhuyễn quốc lực Trung Quốc.
Với quyền lực mềm, suốt 2 thập niên, từ thập niên 90, họ cải thiện được hình ảnh, uy tín của một Trung Hoa "trỗi dậy hoà bình" thay vì "mối đe doạ Trung Hoa". Đây cũng là thời gian họ mở đài truyền hình đối ngoại phát nhiều thứ tiếng 24/24 ra thế giới.
Các đài Quảng Tây, CRI liên tục mở các chương trình liên kết. Hàng trăm viện Khổng Tử mọc lên khắp thế giới để quảng bá quan điểm và các giá trị Trung Hoa. Cấp nhiều học bổng du học để khuyến khích tiếng Trung...
Văn phòng báo chí Quốc Vụ viện Trung Quốc làm nhiệm vụ thông tin đối ngoại, bao gồm cả văn hoá đối ngoại, là cơ quan có quy mô tương đương một bộ với nguồn lực đầu tư dồi dào, liên tục truyền đi những thông điệp đầy thuyết phục về một "cường quốc có trách nhiệm", "sự trỗi dậy và phát triển hoà bình", "thế giới hoà hợp", "láng giềng tốt" và văn hoá Trung Hoa, văn minh Hoa Hạ.
Điều lạ là chính ở đây tinh thần vô địch Nội Mông cũng được cho là thành tố của tổ tiên Hoa Hạ mà họ vừa tìm lại, cùng vị đại vương bất khuất "của họ" là Thành Cát Tư Hãn.
Trở lại với các ngôi sao thần tượng. Họ có vai trò kép. Một là quảng bá văn hoá đại chúng, tăng thiện cảm quốc gia qua sự lôi cuốn, mến mộ. Hai là lúc cần, những vì sao này có thể trở thành ngựa Troy trong lòng người, phát ngôn cho quan điểm đường lối chiến tranh chính trị của nước họ.
Sau một thời kỳ dài trỗi dậy hòa bình. Trung Hoa trở thành cường quốc kinh tế số 2 thế giới. Bên cạnh sự gia tăng của sức mạnh về kinh tế và quân sự, việc khai triển quyền lực mềm đã giúp Trung Quốc gây ảnh hưởng rất mạnh trong khu vực và châu Á.
Gần đây, với thời cơ và điều kiện mới trong bối cảnh thế giới mới, Trung Quốc một mặt vẫn tiếp tục đầu tư xây dựng sức mạnh mềm, mặt khác họ áp đặt sức mạnh cường quyền, tức sức mạnh cứng, bằng cách gia tăng chính sách cây gậy và củ cà rốt.
Như vậy, đến lúc này, quyền lực cứng hợp lưu với quyền lực mềm tạo ra một thứ quyền lực mới ở Trung Quốc, được J. Nye gọi tên là quyền lực thông minh.
Trong vòng vây của lực hấp dẫn sức mạnh mềm
Sức hấp dẫn của văn hoá Trung Hoa là điều có thật xưa nay. Những bạn trẻ hâm mộ các ngôi sao Trung Quốc bây giờ có đáng bị trách không? Thực ra, chúng ta đã say mê không mệt mỏi văn hóa Trung Hoa từ 4000 năm qua rồi.
Sức hấp dẫn của văn hoá Trung Hoa là điều có thật xưa nay. Những bạn trẻ hâm mộ các ngôi sao Trung Quốc bây giờ có đáng bị trách không? Thực ra, chúng ta đã say mê không mệt mỏi văn hóa Trung Hoa từ 4000 năm qua rồi.
Các cụ nhà ta lập bàn thờ không mệt mỏi thờ văn hoá Trung Hoa, thờ văn tự Trung Hoa, thậm chí cả coi thường văn Nôm ta là nôm na mách qué.
Các cụ trước khi nói ra một câu là phải khấn "Tử viết, Thi vân", tức Khổng Tử đã nói thế này, Kinh Thi đã viết thế nọ. Văn của các cụ, kể cả văn của Đức Thánh Trần, tràn ngập các điển cố, điển tích Trung Hoa.
Từ Truyện Tam quốc, Tây du, Thủy hử đến Tô tem sói- Lang đồ đằng… chúng ta say mê như một vô thức tập thể từ tiền kiếp.
Lấy một ví dụ, cuốn sách tiểu thuyết - ý kiến Tô tem sói (Lang đồ đằng) của Khương Nhung, là một cơn sốt giật ở Trung Quốc. Được dịch in ở Việt Nam năm 2007, và cũng ngay lập tức được đón nhận như một cơn sốt giật mà dường như không vướng bận một chút ưu tư nào.
Trong khi GS Hán học Đại học Bonn, Đức, Wolfgang Kubin đánh giá rằng: "Đối với người Đức chúng tôi, Lang đồ đằng (Tô tem sói) thuộc chủ nghĩa phát xít. Cuốn sách này làm cho người Trung Quốc xấu mặt".
Thì, ở Việt Nam, từ các bạn phóng viên trẻ đến các trí thức khả kính, từ trang báo trong nước đến trang web Việt văn hải ngoại đều tụng ca không tiếc lời.
Việc dịch in sách này có thể là cần thiết để hiểu người hiểu ta. Tuy nhiên, sự thiếu vắng phân tích tỉnh táo của giới học giả tinh hoa Việt Nam khiến ta không khỏi băn khoăn về cái được, mất của mở cửa văn hoá vô nguyên tắc.
Ta xót xa chẳng kém gì khi nghe người đứng đầu ngành tư tưởng chính trị - truyền thông thốt lên quặn lòng vì sự sơ hở của truyền thông đại chúng lâu nay: “Phim ảnh truyền hình quảng bá, chiếu phim Trung Quốc suốt ngày đêm. Không Anh hùng xạ điêu thì cũng Tân thần điêu đại hiệp. Hiện trên TV đang chiếu Khang Hy vi hành đấy…”
Bình luận