• Zalo

Ngôi sao điện ảnh Thanh Tú tự nguyện đánh mất tự do vì con cháu

Sao ViệtThứ Sáu, 28/01/2022 10:34:46 +07:00Google News

Con cái thành đạt, ở tuổi xế chiều, NSƯT Thanh Tú - cô Nhu của phim "Sao tháng Tám" - tình nguyện "mất tự do" vì gia đình.

NSƯT Thanh Tú sinh năm 1944, là con thứ hai trong gia đình có 8 anh chị em. Cha bà nguyên là Thứ trưởng Bộ Xây dựng. Năm 9 tuổi, bà được gửi đi học tại Trung Quốc trong chương trình dành cho con em cán bộ cấp cao. Trở về nước, NSƯT Thanh Tú học ở Trường THPT Chu Văn An, sau đó vào Đại học Kiến trúc. Đang học dở kiến trúc, bà bỏ sang thi vào Đoàn Văn công Hà Nội.

Từ năm 1960 đến 1964, NSƯT Thanh Tú theo học rồi tốt nghiệp Trường Sân khấu Hà Nội (nay là Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội). Bà trở thành diễn viên kịch, từng thành công với vai Hương Giang trong vở "Tiền tuyến gọi" do đạo diễn Trần Hoạt dàn dựng, Tanhia trong vở kịch cùng tên, đạt kỷ lục với hơn 1200 suất diễn; quận chúa Minfo trong "Âm mưu và tình yêu" - vở diễn thành công nhất của bà.

Năm 1966, NSƯT Thanh Tú lần đầu đóng phim với vai Thảo trong tác phẩm "Biển lửa" của đạo diễn Phạm Kỳ Nam. Bà kết hôn với đạo diễn trong năm đó. Năm 1969, bà vào vai cô diễn viên Hương Giang trong bộ phim chuyển thể từ vở kịch cùng tên "Tiền tuyến gọi", do nghệ sĩ Phạm Kỳ Nam đạo diễn.

Sau "Tiền tuyến gọi", NSƯT Thanh Tú vào vai mẹ bé Hà trong phim "Em bé Hà Nội" (1974), vai chị Hảo trong "Vùng trời" (1975). Năm 1976, bà thành công lớn với vai Nhu trong bộ phim "Sao tháng Tám" của đạo diễn Trần Đắc. Với vai này, bà giành giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất ở Liên hoan phim Việt Nam năm 1977, được Ủy ban Phụ nữ toàn Liên bang Xô Viết trao giải đặc biệt khi dự Liên hoan phim Moskva. Sau thành công quá lớn của vai Nhu, NSƯT Thanh Tú từ chối tham gia các dự án điện ảnh khác cho đến năm 1984.

Từ năm 1979 đến 1983, bà theo học khóa đạo diễn sân khấu ở Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Bà là đạo diễn của nhà hát kịch, từng đạo diễn các vở như "Đỉnh cao và vực thẳm" (1989), "Cơ đấm" (1991), "Thị trường trái tim" (1993), "Thoát vòng tục lụy" (1994). NSƯT Thanh Tú trở lại điện ảnh từ năm 1984 với những bộ phim "Tình yêu và khoảng cách", "Truyện cổ tích cho tuổi 17", "Thời hiện tại", "Gánh hàng hoa", "Mối tình sau song sắt". Tuy nhiên, những vai diễn này không vượt qua được đỉnh cao là Nhu trong "Sao tháng Tám".

Ngoài công việc diễn xuất, bà còn là giảng viên, tham gia đào tạo các diễn viên truyền hình, phát thanh viên và MC. Cùng với các nghệ sĩ, đạo diễn Ngọc Quỳnh, Ngô Mạnh Lân, Phương Thanh, Hải Ninh, Trà Giang, Nguyễn Hồng Sến, Trần Vũ, Bùi Đình Hạc, Bạch Diệp, Lâm Tới, bà có tên trong Bách khoa toàn thư Điện ảnh Liên Xô. Bà được phong tặng danh hiệu NSƯT.

NSƯT Thanh Tú có sự nghiệp thành công nhưng đời tư lại xảy ra nhiều biến cố từ chuyện tình yêu đến hôn nhân. Với cuộc hôn nhân đầu, bà và đạo diễn Phạm Kì Nam chia tay trong êm thấm nhưng ở "chuyến đò" thứ 2, cuộc chia ly lại rất đau đớn, bởi họ đường ai nấy đi khi vẫn còn yêu. Bà yêu chồng tha thiết nên đã chết lặng khi hay tin bị phản bội. Cú sốc tinh thần khiến NSƯT Thanh Tú tê liệt và kiệt quệ... Cuộc hôn nhân thứ hai này cho bà một cô con gái.

Sau những giông tố, NSƯT Thanh Tú sống bình yên trong gia đình nhỏ cùng con gái và cháu ngoại. Cậu con trai định cư ở nước Pháp xa xôi. Ngẫm lại cuộc đời, bà thấy nhẹ nhõm dù đã trải qua nhiều sóng gió hôn nhân, cuộc sống.

Chia sẻ với báo Công an Nhân dân, bà cho biết: "Tôi độc thân một đời nhưng luôn nỗ lực không ngừng để làm việc, khẳng định mình và nuôi con. Bởi tôi ngộ ra rằng, cuộc đời không cho ai tất cả, nếu cho tôi nhan sắc và tài năng thì sẽ lấy của tôi điều gì đó, không may mắn về chồng, vất vả vì con. Âu cũng là quy luật mà thôi".

Và bà an nhiên đón nhận điều đó. Thay vì buồn khổ, bi lụy, bà biết tận dụng những gì mình có, nhan sắc và tài năng, làm việc say mê và cống hiến, để giờ nhìn lại, bà có cả một gia tài mà các thế hệ diễn viên sau này mơ ước. Tên bà cùng với NSND Trà Giang được đưa vào từ điển Larousse của Pháp.

(Nguồn: Báo Sức khỏe và Đời sống)
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp