Nghệ sĩ Xuân Lan hẹn gặp chúng tôi vào một buổi chiều tại quán ăn của gia đình tại Quận 11, TP.HCM.
Đã ở tuổi ngoài 70 nhưng mỗi khi gặp, nữ nghệ sĩ vẫn giữ trên môi nụ cười bẽn lẽn và cách nói chuyện dịu dàng, nhẹ nhàng như khi còn thiếu nữ. Đó là nét đẹp tự nhiên trong tính cách của một nghệ sĩ cải lương thời trước, dù tuổi đời đã trải qua bao nhiêu thăng trầm.
Gắn bó với việc bán bảo hiểm sau khi rời cải lương
Những người mộ điệu cải lương đều biết, nghệ sĩ Xuân Lan cũng là một trong những giọng ca nổi tiếng và từng là đào chính của nhiều đoàn cải lương tên tuổi trong thời hoàng kim của sân khấu tuồng cổ.
Đặc biệt bà còn được biết đến là một trong những người em thân thiết trong nghề của huyền thoại cải lương - cố nghệ sĩ Thanh Nga. Tuy nhiên, bà đã rời bỏ sân khấu cải lương gần 30 năm.
Bà cho biết mình “lui màn nhung” vào năm 1994. Tuy nhiên, lý do khiến bà rút lui hoàn toàn khỏi sân khấu cải lương là một câu chuyện buồn.
Bà ngậm ngùi khi nhắc về khoảng thời gian này. Bà kể, lúc đó bà đang làm trưởng đoàn cải lương Hoa Lan của Bến Tre. Tuy nhiên, thời điểm đó sân khấu cũng bắt đầu mất khán giả, thu nhập cũng không còn được như trước. Gia đình mở quán ăn ở TP.HCM, phát triển đến mấy chi nhánh, công việc nhiều nên kêu bà về làm cùng.
Trước đó, chỉ có những tháng trời mưa không thể đi diễn, bà mới cho đoàn ngừng tạm thời, anh em hậu đài, diễn viên phụ ai muốn theo bà thì về quán gia đình làm, đến lúc hết mùa mưa lại lên đường diễn diễn tiếp.
Lần này, trước đề nghị của gia đình, bà cũng thấy phân vân. Bà cùng các đồng nghiệp đang đi diễn cùng nhau rất vui, bỏ đoàn, bỏ mọi người để về nhà làm cùng gia đình bà không đành lòng. Thế nhưng, chuyện lo kinh tế để duy trì đoàn đang gặp rất nhiều khó khăn.
Cùng thời điểm, có một người bạn bảo rằng, muốn làm đoàn hát nhưng không xin được giấy phép. Vậy nên bà quyết định chuyển gánh hát cho người bạn này. Bà cũng ở lại diễn thêm một tháng để “bầu mới” tìm nghệ sĩ thay mình. Bà dự định sau khi thu xếp được công việc của gia đình sẽ nhận lại đoàn.
“Nhưng chỉ sau một tháng tôi về nhà, người bạn này đã mang toàn bộ đồ đạc của gánh hát gửi vào kho, giải tán đoàn khi nào tôi cũng không biết. Coi như tôi mất trắng luôn đoàn hát của mình, đồ đạc phục trang tôi may riêng cho diễn viên rất nhiều… Chi phí gửi kho mỗi tháng 1 chỉ vàng, mấy năm sau để chuộc lại cũng phải mất mấy cây vàng nên tôi đành… bỏ luôn”, nghệ sĩ Xuân Lan đầy tiếc nuối khi nhắc lại chuyện buồn năm xưa.
Sau thời gian nghệ sĩ Xuân Lan về nhà làm, công việc quán ăn của gia đình đi vào ổn định. Việc nhà đã yên, nhưng gánh hát Hoa Lan không còn để quay lại với sân khấu cải lương, “Công chúa Bích Vân” của Bên cầu dệt lụa đã bén duyên với công việc mới – nhân viên bán bảo hiểm và gắn bó với công việc này cho đến hiện tại.
Bà cho biết, đến năm nay bà đã trụ với nghề bán bảo hiểm được 23 năm. Cơ duyên để bà đến với công việc này vì sự tò mò khi nhìn thấy tòa nhà Thuận Kiều Plaza mới xây, nhiều văn phòng khang trang, nhân viên làm việc trong đó ăn mặc rất đẹp - điều mà người quê như bà chưa bao giờ được trải qua. Biết tin có công ty bảo hiểm trong đó tuyển dụng, bà đi cùng một người bạn xin phỏng vấn ở vị trí gõ văn bản, viết báo cáo và bất ngờ được nhận vào làm luôn.
Ban đầu bà chỉ muốn làm việc ở văn phòng, lãnh lương cố định nhưng mọi người không đồng ý. “Họ nói, tôi có mối quan hệ công việc nên đi làm sale sẽ phù hợp hơn. Được hướng dẫn sao tôi làm vậy. Tôi thấy dù là làm công việc gì, nghề nào cũng cần có đam mê và sự tập trung thì sẽ làm thật tốt. Tôi không bỏ bất kỳ buổi huấn luyện hay hội họp nào”.
Bà thẳng thẳn tâm sự và khiêm tốn nói về những thành quả mình đã có được trong công việc này: “Tôi biết mình trình độ không bằng những bạn trẻ học cao. Nhưng tôi hiểu cái chính của nghề mình đang làm là đem đến sự an tâm trong cuộc sống cho mọi người, mà muốn được an tâm thì phải chuẩn bị trước cho những rủi ro có thể gặp phải”.
Nghề diễn không bạc, chỉ có hoàn cảnh khiến đời nghệ sĩ cơ cực
Bà chia sẻ, với hơn 20 năm gắn bó, hiện tại công việc, thu nhập ổn định nên tuổi già của bà không gặp nhiều khó khăn về kinh tế như những người nghệ sĩ khác.
Có không ít những nghệ sĩ từng là ngôi sao, có tên tuổi, thậm chí là một thời vàng son, thu nhập rất cao nhưng khi về già thường phải trải qua cuộc sống cơ cực hơn cả người bình thường. Thậm chí, còn có không ít nhận định cho rằng “nghề diễn bạc bẽo”, lúc đương thời thì cuộc sống rất giàu sang sung sướng, nhưng về phần hậu vận sẽ không còn gì trong tay.
Nghệ sĩ Xuân Lan phủ nhận quan điểm này, bà cho rằng nghề này không bạc, nhưng mỗi người mỗi cảnh. “Ví dụ người đó lúc đang làm có tiền, như Vũ Linh chẳng hạn, nhưng gánh gồng gia đình nặng quá, hay như chị Diệu Hiền, đi hát có tiền nhưng nuôi gia đình. Gặp gia đình nghèo thì bao nhiêu cũng không đủ. Khi rời sân khấu thì tay trắng”.
Có những nghệ sĩ may mắn khi gia đình có căn cơ, có điều kiện như gia đình nghệ sĩ Mỹ Châu. Khi nghệ sĩ Mỹ Châu đi hát, có tiền đều gửi về nhưng gia đình không tiêu xài mà giúp bà tích cóp. Cho đến khi rời xa sân khấu, nữ nghệ sĩ cũng có cuộc sống ổn định. Hay như nghệ sĩ Lệ Thuỷ, Minh Vương gặp người chồng, người vợ khá giả nên cuộc sống về sau cũng tốt hơn.
Nghệ sĩ Xuân Lan tiết lộ, ngày xưa nghệ sĩ đi hát nổi tiếng nhưng thu nhập cũng không quá giàu có như mọi người nghĩ. “Thời điểm này mới có những nghệ sĩ có lương khủng, còn ngày xưa đi hát nổi tiếng thì phải cả năm mới mua được chiếc xe hơi. Nghệ sĩ Vũ Linh là một trường hợp cá biệt, thời điểm quay video được nhiều tiền mới khá giả”.
Bà thoáng buồn khi chia sẻ về những nghệ sĩ thời của bà về già có cuộc sống khó khăn như nghệ sĩ Trang Thanh Xuân phải đi bán vé số, nghệ sĩ Mỹ Hạnh đi làm móng tay… Bà cho rằng, cải lương sau thời gian sau này chỉ có những nghệ sĩ tham gia quay video là còn sống được với nghề. Còn các gánh hát thì không còn đủ kinh phí để duy trì và vận hành nên tan rã hết.
Nghệ sĩ Xuân Lan nói thêm, thời còn đi hát, bà cũng đã thấy được sự đi xuống của sân khấu cải lương. Khán giả không còn bỏ tiền mua vé đến rạp xem bởi sự lên ngôi của băng video. Chỉ cần bỏ ra 2000 đồng là đã có thể xem được cả tuồng nên khán giả không cần ra rạp mua vé xem nữa.
“Tôi có thể nói rằng video đã giết chết cải lương. Tiền thu nhập chỉ gom về một nhóm người chuyên đầu tư video. Họ bỏ tiền ra tìm đến tác giả mua bản quyền, quay hình các vở đang diễn của các đoàn thì đâu còn gì bí mật để khán giả tò mò đến rạp xem”, bà ngậm ngùi khi nói về thời điểm chứng kiến sự “chết dần” của bộ môn cải lương. Nhưng bà cũng hiểu đó là quy luật của cuộc sống nên cũng đành chấp nhận.
“Chỉ có những chiều hai vợ chồng tôi chở nhau đi uống cà phê, nhìn trời mưa nhớ gánh hát mà khóc. Tôi khóc vì nhớ đoàn, thương cho mình của ngày xưa. Những buổi chiều ở quê mưa xuống, đào kép không diễn được nên không có lương. Tối chỉ biết ngồi quây quần bên nhau dưới ngọn đèn dầu kể chuyện đời”.
Sau đó, vì nhớ các nghệ sĩ, nhớ nghề nên bà cùng chồng thường đến Viện dưỡng lão nghệ sĩ mỗi tháng để gặp gỡ mọi người, tham gia các chương văn nghệ thường niên được tổ chức tại đây và đóng góp một phần cho quỹ của Viện dưỡng lão.
Hiện tại, nghệ sĩ Xuân Lan cho biết bà thường đi làm bằng xe ôm, xe công nghệ. Trong suốt mấy chục năm qua, chồng như “vệ sĩ riêng” của bà. Đi đâu bà cũng được ông xã chở đi, nhưng từ đợt mắc COVID-19, mắt chồng bị kém nên bà không cho ông chở đi nữa. “Tôi kêu người tới nhà bán xe luôn vì sợ chồng lấy xe chạy gây tai nạn”.
Bà cũng cho biết, bản thân không thích làm phiền con cháu trong nhà nên việc đi lại để làm việc bà không nhờ vả ai. Bà cho rằng, ai cũng có công việc riêng, bà muốn đi đâu tự kêu xe đi là được, tự do, thoải mái mà không làm phiền đến ai.
"Gặp chị Thanh Nga tôi mới thành có cuộc sống tử tế"
Cũng trong cuộc trò chuyện với phóng viên VTC News, nghệ sĩ Xuân Lan bùi ngùi kể về người chị thân thiết - cố nghệ sĩ Thanh Nga.
“Khi mới bắt đầu đi hát, hoàn cảnh gia đình tôi rất khó khăn. Em tôi còn nhỏ, mẹ tôi hay bệnh. Gia đình chưa ai làm ra tiền nên kiếm được bao nhiêu, tôi cũng gửi về cho người thân và xem đó là niềm vui nhất của mình”.
Bà cho biết, suốt thời gian dài đi diễn bà không nghĩ gì cho bản thân, cho đến lúc bà gặp được cố nghệ sĩ Thanh Nga và được mời về đoàn Thanh Minh – Thanh Nga.
Cơ duyên để bà được làm việc với cố nghệ sĩ Thanh Nga là trong một lần đi diễn gặp, cố nghệ sĩ đã hỏi bà rằng vì sao có giọng hát hay nhưng sao không được nhiều người biết. Bà thú nhận trước giờ không có ai nâng đỡ nên cuộc sống cứ lênh đênh. Vậy nên nghệ sĩ Thanh Nga đã nói “Về đây với chị, chị sẽ nâng đỡ cho em”.
Hồi mới về thành phố, bà thiếu thốn đủ bề. Thời còn đi diễn ở tỉnh bà không quan tâm đến chuyện áo quần, nhưng khi về thành phố, đi đâu nghệ sĩ cũng phải áo dài, thế nhưng, bà chẳng có nổi một cái.
Thương cho hoàn cảnh của bà, cố nghệ sĩ Thanh Nga đầu tư cho cho bà, không chỉ áo dài mà còn rất nhiều thứ, nhắc nhở bà việc nghệ sĩ đi ra ngoài phải trang điểm, thấy bà đi nắng với đầu trần cũng mua cho bà cái nón để đội.
Bà nhớ như in những lần bị nghệ sĩ Thanh Nga la rầy về việc không trang điểm khi ra đường. Bà kể, lần đó bà không có vai diễn nhưng vẫn đến hậu trường chơi nên không trang điểm, cố nghệ sĩ Thành Nga nhìn mặt bà một lúc rồi nhắc nhẹ: “Thấy cái mặt cũng đẹp quá ha”.
Bà cho biết chỉ được làm việc với cố nghệ sĩ Thanh Nga trong 3 năm, từ năm 1976-1978. Tuy nhiên, những kỷ niệm gắn bó với cố nghệ sĩ trong thời gian này mãi là những kỷ niệm quý giá trong cuộc đời đi hát của bà.
Sau khi cố nghệ sĩ Thanh Nga qua đời, cuộn băng video vở Bên cầu dệt lụa có bà tham gia diễn cùng với cố nghệ sĩ là những “tài sản nghệ thuật” hiếm hoi còn lại. Khán giả mộ điệu cải lương, yêu mến tài năng của nghệ sĩ Thanh Nga cũng biết đến bà nhiều hơn.
Nói về thế hệ nghệ sĩ cải lương trẻ hiện tại, bà cho rằng họ rất giỏi, bởi có thể đảm đương từ ca diễn, vũ đạo đều khá tốt. Nhưng điều đáng tiếc là các bạn không có nhiều sân khấu để diễn hàng đêm nên khó để trao dồi vai diễn cho nhuần nhuyễn.
“Ngày trước, nghệ sĩ cải lương đêm nào cũng diễn, có khi còn hát thêm suất chiều. Một vai diễn nhuần nhuyễn hoàn hảo khi diễn đi diễn lại nhiều lần. Có mấy chục đoàn đang hoạt động nên cũng có nhiều sự lựa chọn hơn. Còn hiện tại, các bạn tập luyện rất nhiều vất quả nhưng chỉ diễn một đến hai đêm, sau đó thì “đi vào dĩ vãng” nên tôi cũng cảm thấy tiếc cho công sức các bạn bỏ ra đầu tư nhưng khó thu lại lợi nhuận”.
Nghệ sĩ cải lương Xuân Lan tên thật là Nguyễn Thị Xuân Lan. Bà nổi tiếng một thời với vai diễn để đời Công chúa Bích Vân, gây ấn tượng mạnh mẽ cho các khán giả những năm 80 của thế kỉ 20.
Ngoài ra, bà còn được biết đến qua nhiều vai diễn như Bích Huệ trong Cô gái Huỳnh Mai, Trường An trong Tuyệt tình ca, Mục Niệm Từ trong Anh hùng xạ điêu, Hiệu úy Kỳ Hoa trong Thái Hậu Dương Vân Nga…
Nghệ sĩ Thanh Nga là thần tượng cũng như là người chị lớn đã ảnh hưởng nhiều đến sự nghiệp của Xuân Lan. Nghệ sĩ Xuân Lan kết hôn với nghệ sĩ Tấn An - một bầu hát trẻ trước năm 1975 và hiện đang có cuộc sống êm ấm bên chồng, con và các cháu..
Bình luận