Tìm về chân núi Hàm Rồng (xã Chư Hdrong, Pleiku, Gia Lai), hỏi gia đình anh Hà Tư Phước và chị Huỳnh Thị Hạc ai cũng biết. Anh chị là người mở rộng vòng tay cứu mang 74 thân phận bất hạnh, trong số họ, người thì mắc chứng tâm thần, người thì bị chất độc da cam.
Suốt 10 năm qua, anh Phước đã làm một việc mà nhiều người bảo là điên. Mỗi lần trên các chuyến xe rong ruổi, hễ cứ gặp người nào đi lang thang, bị bỏ rơi anh lại đem về nhà mình nuôi dưỡng và xem họ như người thân.
Bị vợ dọa ly hôn vì nhận nuôi người tâm thần
Gia đình anh Phước có 5 người, trong đó mẹ anh mất một chân không đi lại được, thêm hai con nhỏ đang tuổi ăn tuổi học. Cuộc sống gia đình vô cùng khó khăn vì tất cả thu nhập đều chỉ trông chờ vào 5 sào cà phê và số tiền anh Phước kiếm được từ việc đi chở hàng thuê.
Năm 2003, trong một buổi chiều chạy xe thuê ở dưới huyện, anh tình cờ gặp một thanh niên đi ngoài đường, chân bị trói. Thấy nguy hiểm nên anh xuống hỏi thăm, những câu trả lời anh nhận được chỉ là ánh mắt sợ hãi và cái lắc đầu vô nghĩa. Thương cảm, anh quyết định đưa người thanh niên đó lên xe để đem về nhà chăm sóc.
Chị Hạc vẫn không thể quên được buổi chiều ấy, chị gọi đùa là buổi chiều mang “nghiệp”. Hôm đó, thấy anh Phước dìu từ trên xe xuống một người lạ, ăn mặc rách rưới, tóc tai bù xù, miệng liên tục lảm nhảm rồi cười ngây ngô. Lại thấy anh nói sẽ nuôi, chị cứ ngỡ anh đang nói đùa. Nhưng chị như chết lặng đi khi nghe anh khẳng định: “Gia đình, xã hội đã quay lưng với họ. Mình không nuôi thì ai nuôi?”
Chưa dừng lại ở đó, trong những chuyến đi sau, lần nào anh cũng mang về một người có dấu hiệu tâm thần và nói sẽ nuôi hết. Lúc đó, chị Hạc như cũng phát điên với ý định của chồng và kịch liệt phản đối.
Thậm chí, chị còn dọa sẽ ly hôn nếu như anh Phước còn giữ ý định đó. Chị chỉ mong tất cả những gì đang diễn ra là một cơn ác mộng. Nhưng rồi, bằng sự quyết tâm, tình yêu thương và tấm lòng hướng thiện của anh đã dần thuyết phục chị.
“Vợ tôi phản đối cũng phải thôi. Nhà nghèo, con còn nhỏ, mẹ già thì bệnh tật. Việc chăm sóc người nhà đã khó thì huống gì là người dưng. Nhưng vốn tính nhân hậu, vợ tôi cuối cùng cũng chấp nhận”, anh Phước chia sẻ.
Số lượng người tâm thần trong nhà anh chị cứ thế tăng lên đến nay là 74 người. Trong số này có người được chính anh Phước đưa về, có người tự tìm đến hoặc cũng có khi là được người nhà gửi tới nhờ anh chị chăm sóc từ khắp các tỉnh thành trên cả nước.
Sợ ảnh hưởng đến hàng xóm, anh chị quyết định dời nhà vào khuất trong rẫy cà phê sống tách biệt khu dân cư. Anh Phước nói: “Tôi làm thế một phần cũng là muốn tạo không gian thoải mái cho họ điều trị, vừa đỡ làm phiền hàng xóm, lại tránh được những tai nạn không đáng có mỗi lần họ lên cơn”.
Hằng ngày, chị Hạc phải dậy từ sớm đi chợ, mua đủ thức ăn cho gần 80 người ăn. Cả buổi sáng chỉ xoay trong bếp với công việc nấu nướng và chuẩn bị khẩu phần ăn cho mọi người. Xong bữa trưa lại chuẩn bị cho bữa tối.
Cứ vậy hơn chục năm nay, ngày nào chị cũng quanh quẩn trong khoảng không gian 10m2 với việc bếp núc. Có những lúc hết gạo, hết thức ăn, chị lại đi ra chợ xin hàng xóm, bà con tiểu thương ít gạo, ít mắm muối về lo từng bữa cho họ.
Anh Phước vui vẻ chia sẻ: “Những người này ở đây với chúng tôi có cơm ăn cơm, có cháo ăn cháo. Các thành viên trong nhà dường như thấu hiểu sự vất vả của vợ chồng tôi nên sống vui vẻ, ít đi lang thang, không còn gây gỗ đánh nhau như lúc đầu”.
Mỗi lúc rảnh rỗi, anh chị thường tụ tập mọi người lại chơi đàn, ca hát để quên đi mệt mỏi, đau đớn. Trước lúc ngủ, anh mở băng đĩa kinh Phật cho người bệnh nghe và đọc theo để tâm hồn họ có phần thanh tịnh, nhẹ nhàng hơn.
Sau mỗi bữa ăn, mọi người tự động bỏ gọn chén bát của mình vào thau. Anh chị cũng phân người rửa chén, người lo sắp xếp gọn gàng mọi thứ. Những phần cơm rơi vãi trên mặt đất cũng phải nhanh chóng được quét dọn sạch sẽ. Tất cả những gì anh chị làm là vì ước mong họ không còn nghĩ vẩn vơ về quá khứ.
Ngôi nhà cổ tích của phận đời bất hạnh
Có thể nói ngôi nhà của anh Phước, chị Hạc chính là thế giới của những mảnh đời bất hạnh. Sau những nụ cười ngô nghê trong ngôi nhà này, những người tâm thần vẫn phải đối diện bao nỗi đau, sự dằn vặt về số phận của bản thân.
Trong số 74 người này, có những người vẫn nhớ tên tuổi, quê quán, gốc gác quá khứ của mình nhưng dường như đang cố quên đi cái quá khứ đau buồn ấy. Thậm chí có những người vẫn mang trong lòng những mặc cảm tội lỗi đã gây ra trong quá khứ.
Anh A Sak (32 tuổi ở xã Ngọc Réo, huyện Đắk Hà, Kon Tum) đã từng là một thanh niên khỏe mạnh, cường tráng của núi rừng Tây Nguyên. Anh cũng có tình yêu đẹp với một cô gái cùng bản.
Cứ ngỡ hạnh phúc sắp đơm hoa kết trái khi anh đã tính đến chuyện về nhà hỏi cha mẹ đem heo, gà qua nhà người yêu bắt vợ. Thế rồi, anh phát hiện cô gái của mình bỏ đi theo người khác.
Chẳng còn biết gì nữa ngoài việc bị phản bội, anh đã cầm dao đi chém cả gia đình người yêu. May mắn họ chỉ bị thương nhưng nỗi ăn năn vẫn bám lấy anh, anh quyết định bỏ đi đến nhà anh chị Phước Hạc để tìm chút thanh thản cho phần đời còn lại của mình.
Là một trong những người đầu tiên đến ở tại gia đình anh Phước, chị Hạc, đến bây giờ anh Đinh Quốc Huy (40 tuổi, quê Quảng Bình) vẫn không quên được lý do mình bỏ xứ ra đi. Hoàn cảnh gia đình quá nghèo, lại mang trong người bệnh tật không có điều kiện chạy chữa.
Cứ mỗi lần nóng giận, anh không thể kiềm chế được bản thân nên đập phá hết đồ đạc trong nhà, đánh đuổi người thân, hành xóm. Dần dần ai cũng xa lánh, kỳ thị anh. Buồn bã, chán nản, anh bỏ vào Gia Lai. Trong một lần lang thang ở chợ, anh gặp anh Phước. Từ đó, cuộc sống của anh gắn liền với ngôi nhà cùng hơn 70 con người khác cùng chung số phận.
Tương tự hoàn cảnh anh Huy, ông Rơ Châm Siu (dân tộc Jrai) ngây ngô kể: “Trước đây mình cũng có mẹ, có cả vợ và 2 đứa con nữa. Chúng nó thương mình lắm. Nhưng từ khi con ma nhập vào mình, mình chỉ thích uống rượu thôi, uống về là đập phá nhà nữa cơ.
Con ma làm cho mình hết thương chúng nó, làm cho chúng nó ghét mình. Rồi mình bỏ nhà đi gặp Phước. Phước mắng mình nhưng Phước thương mình lắm, không cho mình uống rượu, đuổi con ma trong người mình ra, bây giờ mình chỉ sống với Phước, với Hạc, với các anh em ở đây thôi”.
Không bất mãn hay hối hận mà chạy trốn thực tại như anh Huy hay A Sak, anh Nguyễn Quang Vinh đã được chính người thân mình đem đến đây gần 2 năm nay. Sợ hãi vì mỗi lần lên cơn anh Vinh lại đập phá, bỏ nhà đi lang thang nhiều ngày không về. Gia đình anh Vinh đã đưa anh đến đây nhờ vợ chồng anh Phước chăm sóc.
Bằng tất cả tấm lòng và tình yêu thương của mình, anh Phước, chị Hạc đã mở ra một cánh cửa mới cho những con người ấy bước vào. Khi mà cuộc đời họ ngỡ như đã bế tắc, đã khép lại sau tất cả những nỗi dày vò của quá khứ. Để họ lai một lần nữa như được tái sinh trở lại, sống vui vẻ hơn.
Anh Huy rưng rưng chia sẻ: “Bố mẹ (anh Phước, chị Hạc) đã cưu mang, chữa trị bệnh cho tôi nên mang ơn bố mẹ lắm. Giờ tôi ở đây với mọi người, phụ giúp mẹ những việc bếp núc, lo bữa cơm cho các anh em. Chỉ có ở đây tôi mới không bị hắt hủi, tôi được sống hòa đồng, vui vẻ hơn. Được làm việc, tôi thấy bản thân có ích, cuộc sống có ý nghĩa hơn nhiều”.
Việc chăm sóc hết 74 con người ấy quả là một điều phi thường, mà nếu không bằng tấm lòng yêu thương thật sự thì không ai đủ sức làm nổi.
Chắc chắc số người về với ngôi nhà chung của anh Phước sẽ không dừng lại ở đó. Tất cả họ đều coi anh chị như bố mẹ thứ 2 , những người đã “sinh” ra họ lần thêm lần nữa.
Video: Người tâm thần ở Cần Thơ đâm chết chú ruột
Bình luận